| Hotline: 0983.970.780

Người lính song hành với nông dân

Thứ Hai 22/02/2016 , 15:35 (GMT+7)

Có không ít người gọi Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam là "người tiên phong" trong lĩnh vực phân bón hữu cơ vi sinh khi một tay ông đã viết nên hai trang sử trong lĩnh vực này.

Trang sử thứ nhất là sáng lập và xây dựng Cty phân bón Sông Gianh trở thành đơn vị Anh hùng Lao động quãng thời gian trước, trang sử thứ hai là khai sinh và đưa Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) trở thành một doanh nghiệp hùng mạnh như bây giờ.

Riêng tôi, trọn một buổi ngồi trò chuyện cùng ông lại thích gọi theo cái cách mà ông thường tự nhận là  "người song hành với nhân dân".    


Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm 

 

Sứ mệnh người tiên phong

Là ông chủ của một doanh nghiệp có tiếng tăm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng bao giờ cũng vậy, ông hay nói mình con nhà nghèo. Nếu cộng thêm cái lối nói chuyện đặc sệt giọng quê miền Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, hay tự xưng tui thay vì tôi thì có lẽ ít ai biết người đàn ông này là một nhân vật có những quyết định mang tính cách mạng trong lĩnh vực phân bón ở Việt Nam.

Trước cuộc gặp gỡ, tôi đã thử gõ tên ông trên trang tìm kiếm google.com.vn và nhận được khoảng 122 nghìn kết quả trong ṿòng 0,48 giây. Lạ ở chỗ, những kết quả ấy đa phần là các hoạt động của công ty, của bà con nông dân gắn liền với công việc của vị Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, hầu như không có bất cứ một bài viết nào về cá nhân ông. Ông ít xuất hiện trên báo chí; và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Ông dặn: “Chú viết về tui thì viết, nhưng theo tui, viết cái gì để bà con ta làm được chứ nói thật là tui cũng không thích ca ngợi lắm mô chú ạ”. Vâng! Tôi tin ông chia sẻ thật, bởi cũng từng được nghe giai thoại, có một vị lãnh đạo cao cấp , khi về hưu đã từng nói với ông rằng: Đời công tác có cái đúng cái sai, một trong những cái sai đó là không phong được danh hiệu Anh hùng cho anh. Nghe xong ông chỉ cười cười rồi nói là may quá.


Ông Nguyễn Hồng Lam (thứ hai từ phải sang) trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin chấp thuận công nghệ sinh học vào Việt Nam.

Xin được mở đầu câu chuyện về ông Nguyễn Hồng Lam từ cột mốc hơn 35 năm trước.

Những năm 1990, cố Giáo sư Phạm Văn Hữu (GS Hữu), một Việt kiều Mỹ, quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình mang khát vọng đưa công nghệ sinh học tiên tiến ở nước ngoài về phục vụ bà con nông dân Việt Nam. Nên nhớ, thời điểm ấy, công nghệ sinh học là thứ gì đó xa lạ lắm, đến cả nhiều nhà khoa học  khi nghe đến cũng nghi ngại, chưa tin vào hiệu quả và còn có nhiều ý kiến xen lẫn định kiến khác nhau, nào là lo ngại về biến đổi gen, nào là chưa có nghiên cứu cụ thể, chưa thí điểm áp dụng…. Chuyện kể, chính GS Hữu, trong những lần  thuyết minh công nghệ này phải lấy khăn lau nước mắt bởi những câu hỏi phản biện kiểu: Sử dụng công nghệ sinh học con trâu ăn vào nó phình lên bằng con voi thì ai chịu trách nhiệm? Giữa  rất nhiều sự hoài nghi, tranh cãi ấy, một người ngoại đạo đã tham gia thực hiện với một thái độ và tinh thần cực kỳ quyết liệt, dù sau này, trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu ông thừa nhận: "Quyết thì làm rứa đó chứ tui có học hành chi về công nghệ sinh học mô mà biết". Người tiên phong ấy là Nguyễn HồngLam.

Ông vốn là bộ đội cụ Hồ, nhập ngũ từ năm 1969 đến năm 1976, xuất ngũ chuyển sang lĩnh vực vật liệu xây dựng. Một lần, ngồi với ông chủ tịch huyện Quảng Trạch, nghe được chuyện GS Hữu đang tìm cách chuyển giao công nghệ sinh học về Việt Nam. Chuyện lạ, nhưng giữa bối cảnh nghề xây dựng chênh vênh, gian khó nên ông xin thử. Chẳng ngờ, sau một vài lần gặp gỡ, trò chuyện, cả những câu chuyện ngoài chuyên môn với vị GS Việt kiều ông nhận ra con người GS Hữu hay quá. "Những điều ông ấy nói với tui càng về lâu càng thấm, càng tâm phục khẩu phục. Ông như làngười thầy của mình. Thầy thường nói, làm kinh tế bao giờ cũng phải gắn với chính trị, với chính quyền không thể tách rời ra được, và thành công của tui hôm nay xuất phát từ chính những bài học đầu tiên nớ đó".

Con đường đưa công nghệ sinh học đối với lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ vào Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều khó khăn chồng lớp, trong muôn vàn khó khăn đó vai trò ông Nguyễn Hồng Lam luôn ở vị trí dẫn đường.


Ông Nguyễn Hồng Lam

"Sau một thời gian nghiên cứu kỹ, tui cùng với anh Vũ Đình Thành, Phạm Xuân Dương (con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đến văn phòng Thủ tướng bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt". Ông Lam vừa kể vừa nhìn lên bức ảnh lưu lại cuộc "xin gặp" ấy, hiện nằm trang trọng trong phòng lưu niệm của Tập đoàn Quế Lâm. Mục đích cuộc gặp gỡ là trình bày, năn nỉ Thủ tướng ra văn bản công nhận công nghệ phân vi sinh hợp chuẩn hợp quy. Ban đầu Thủ tướng cũng đồng ý ra văn bản, tuy nhiên, mới làm được một thời gian lại có nhiều ý kiến khác, năm 1994, Thủ tướng ra có văn bản phủ nhận văn bản trước. "Tui lo quá bèn chạy đến cầu cứu ông Trần Khải, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nhà khoa học có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực sinh học. Tiến sỹ Trần Khải đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để các nhà khoa học nói hết các ý kiến, quan điểm, tranh luận... hết sức cam go cuối cùng Chính phủ lại chấp thuận cho làm tiếp". Ông Lam kể chi tiết, rõ ràng, đủ thấy rằng ký ức đó chưa bao giờ phai trong tâm khảm của ông.

Thông qua Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón đã được chuyển giao và tiếp nhận thành công (mầm vi sinh sống từ Canada, Mỹ được nhập khẩu vào Việt Nam để bảo quản và nhân rộng). Sau mẻ sản phẩm 200 tấn phân bón hữu cơ vi sinh đầu tiên ra lò được Bộ NN-PTNT đánh giá cao về chất lượng, ông mạnh dạn thành lập Công ty phân bón Sông Gianh. Với công nghệ mới, từ một đơn vị chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, chỉ sau vài năm, Công ty Sông Gianh nhanh chóng trở thành một đơn vị phân bón có thương hiệu, phủ rộng khắp cả ba miền đất nước, năm 2000 được nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2008, Nguyễn Hồng Lam đã tham gia sáng lập và điều hành Tập đoàn Quế Lâm. Không một ai, nghĩ rằng chỉ trong vòng 7 năm, Tập đoàn Quế Lâm lại có bước phát triển nhanh, vững vàng đến như vậy. Từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ, đến nay đã có 11 công ty thành viên (trong đó có 7 nhà máy sản xuất phân bón) và 1 Viện nghiên cứu trực thuộc, có hệ thống kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trải dài trên 63 tỉnh thành với 250 nhà phân phối cấp 1, hơn 2000 đại lý cấp 2, cấp 3 và xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia;có các đối tác lớn, tin cậy trong nước (Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty chè, Tổng công ty cà phê, Hiệp hội tiêu Việt Nam, Tập đoàn Vingroup…);


Ông Nguyễn Hồng Lam

Năm 2015 là một năm ghi dấu ấn rõ nét về sự phát triển của Tập đoàn Quế Lâm với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt mức gần 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, sau hơn 2 năm triển khai,bước đầu Tập đoàn đã thành công trong việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất  sản phẩm nông sản hữu cơ an toàn với nông dân trong phạm vi nhiều tỉnh thành. Các sản phẩm nông sản được sản xuất theo quy trình và đạt các chỉ tiêu theo chuẩn Viet GAP; vùng nguyên liệu ngày càng được mở rộng, củng cố và bền vững bởi sự tin tưởng, gắn kết của người nông dân...

Nói về những cơ hội, thách thức và hướng đi của Tập đoàn trong thời gian tới, ông Lam cho biết: “Toàn cầu hóa và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã là tất yếu khách quan và đặt các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước những cơ hội và thách thức rất lớn. Một điều đáng mừng là hiện nay, nhiều Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, với mục tiêu là sản xuất các sản phẩm nông sản đạt chuẩn an toàn, có giá trị cao và có thương hiệu; hệ thống phân phối và tiêu thụ các sản phẩm này cũng sẽ được hình thành và phát triển trong thời gian tới, thậm chí là hệ thống tiêu thụ xuyên quốc gia. Vấn đề chính là các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đoàn kết, phân công và chuyên môn hóa các lĩnh vực và sở trường của mỗi doanh nghiệp, tránh dẫm chân nhau để cùng nhau phát triển, cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Tập đoàn Quế Lâm trong thời gian qua cũng đã ký kết được các hợp đồng quan trọng cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh cho nhiều dự án lớn sản xuất các sản phẩm rau quả, nông sản sạch và trong tương lai luôn hướng đến việc đầu tư, phục vụ cho một nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các đối tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ; phát huy tối đa nội lực của doanh nghiệp bằng nguồntài chính lành mạnh, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực dồi dào”.

Với tầm nhìn chiến lược là “Chú trọng phát triển công nghệ sinh học làm nền tảng để sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện và bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cộng đồng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một môi trường trong lành, bền vững”, trong nhiều năm qua Tập đoàn Quế Lâm đã giành được hàng loạt giải thưởng, danh hiệu: Giải thưởng Công nghệ xanh Việt Nam, Giải thưởng cống hiến vì sự nghiệp cộng đồng, Sản phẩm vàng thời hội nhập, Sản phẩm nôngnghiệp nông nghiệp tiêu biểu, Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam trong nhiều năm liền, Giải Doanh nghiệp uy tín chất lượng…

"Vấn đề là cách làm", ông Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ ngắn gọn về hai trang sử mà mình là người viết. Vậy cách làm ấy như thế nào?

 

Đi với nhân dân thì không được nghĩ riêng mình 

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà vấn đề an toàn vệ sinh thực phầm(ATVSTP) là một áp lực nan giải. Những nhức nhối trong bữa ăn hàng ngày khiến nhiều DN lớn đổ xô vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sản xuất nông sản sạch để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Vậy nhưng không nhiều người biết, bằng những bước đi âm thầm, lặng lẽ, Quế Lâm đã vào cuộc với vấn đề này từ hàng chục năm nay. Để rồi khi người ta bắt đầu vào cuộc thì những sản phẩm của Quế Lâm đã được Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương lấy làm chuẩn mực để trình diễn, phổ biến. Bằng những lợi thế rõ rệt nhờ vào công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, Tập đoàn Quế lâm tổ chức sản xuất nông sản sạch theo quy trình khép kín từ những năm trước: Lúa gạo hữu cơ ở các tỉnh miền Trung, trà hữu cơ ở  các tỉnh phía Bắc… Thời điểm sản phẩm của Quế Lâm bắt đầu chiếm lĩnh thị trường mới là lúc nhiều DN khác vẫn còn đang loay hoay với việc không biết tìm đâu ra phân hữu cơ vi sinh đảm bảo chất lượng. Đây lại là một dấu ấn về vai trò tiên phong của ông Nguyễn Hồng Lam. 

"Tui đúc kết, làm nông nghiệp có hai con đường. Một là "chiến tranh hiện đại" bằng cách "đánh toàn diện, đánh úp, đánh lật" vào thị trường như cách làm của một số tập đoàn lớn hiện nay. Nó có ưu điểm là nhanh nhưng mạo hiểm. Cách thứ hai như Quế Lâm đang làm. Tui là lính cụ Hồ nên dùng "chiến tranh nhân dân" bằng cách kết nối người nông dân, đồng hành với nông dân xây dựng các mô hình cụ thể để nhân rộng lớn dần lên. Bởi chúng tôi tâm niệm một điều, khi lòng dân thuận thì chắc chắn sẽ thành công", triết lý của Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm là như vậy.

Không thể phủ nhận Quế Lâm là đơn vị đầu tiên làm nông sản sạch thành công. Những mặt hàng mà họ giới thiệu ban đầu có thể khiến nhiều người lạ lẫm như gạo hữu cơ, trà hữu cơ, rau hữu cơ...nhưng cũng rất nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bằng cái cách mà người ta vẫn thường gọi là "cách ông Lam".

"Cách ông Lam", nghe đơn giản nhưng học khó lắm. Ông bảo bắt buộc phải làm thử nghiệm, thí điểm từng mô hình, lựa chọn những vùng miền, những HTX, những hộ dân để phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu. Tiêu chí tiên quyết là lấy người tiêu dùng làm thước đo chuẩn mực. Thành thử không lạ khi những sản phẩm nông sản hữu cơ của Quế Lâm thường đi theo con đường cũng rất...ông Lam. 

Ví như chuyện hạt gạo hữu cơ chẳng hạn. Quế Lâm sẵn sàng đầu tư máy cấy, khuôn gieo, phân bón và nhiều hỗ trợ khác cho người nông dân chỉ với một cam kết phải làm đúng theo cách của họ. Vụ đầu tiên, đích thân cán bộ kỹ thuật của tập đoàn cầm tay chỉ việc cho dân, trồng lúa phải giữ lại nước, phải thả cá giống do tập đoàn cung ứng. Cuối vụ thu hoạch, nước vẫn ăm ắp trong ruộng, đám cá phải còn. Những tiêu chí bảo đảm cho sự sạch sẽ của hạt gạo Quế Lâm.

Rồi cả rau hữu cơ cũng vậy, những người nông dân liên kết với Quế Lâm buộc tuân thủ một cam kết là phải sử dụng5% trong tổng số rau mà họ sản xuất ra. Nói theo cách ông Lam vẫn thường phổ biến, mình phải ăn sản phẩm của mình trước khi nghĩ đến chuyện đem ra thị trường bán cho người khác. Đó là hành động bắt buộc, con đường bắt buộc.Có một nghịch lýlà trong lúc hàng loạt sản phẩm nông sản không tìm được đầu ra thì nông sản hữu cơ Quế Lâm lại có lúc không có hàng bán, cho dù mỗi cân gạo của họ có thời điểm giá 40- 50 ngàn đồng. Đến cả những cọng rau, chén trà, quả ổi, quả trứng, từ phân bón hữu cơ vi sinh đến nông sản hữu cơ, đường đi của ông Chủ tịch tập đoàn Quế Lâm là một cuộc hành trình xây dựng lòng tin. Khi lòng tin đã đủ, chỉ sợ không có sức để mà làm. Ông vẫn hay nói: "Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nếu xây dựng thị trường trong nước tốt sẽ chủ động được giá cả vì người ta cần mình".


Ông Nguyễn Hồng Lam

Nói vậy thôi, chứ chuyện xây dựng lòng tin thật không dễ. Chỉ có một cách thôi. Đó là phải làm bằng cái tâm. "Nếu mình làm theo kiểu sống chết với nông dân thì mới ổn chứ làm nông nghiệp ni mà ăn xổi, làm để kiếm tiền nhanh thì không làm được mô. Tui may mắn gặp được nhiều nhà khoa học dạy cho mình về công nghệ KHKT đặc biệt là công nghệ sinh học, và cũng may mắn vì học được rất nhiều từ người nông dân. Quá trình lặn lội trong thương trường, trong lĩnh vực nông nghiệp, với nông dân càng thêm thấm đẫm tâm tư, ý nguyện, cách sinh hoạt, cách làm việc, sản xuất của người nông dân. Từ đó, mang tâm thế của mình để cùng họ phát triển, cùng vì mục tiêu con người thì mới thành công được. Nông dânmình, cho tiền, hỗ trợ họ thì họ làm, nhưng nếu mô hình của anh không bền vững thì kiểu chi họ cũng bỏ.

Tui không nói cầm tay chỉ việc nhưng đã đồng hành với nông dân là phải làm sao để họ tin mình. Muốn thế phải làm một lần, hai lần, nhiều lần để cho họ thấy hiệu quả thật sự đã". Lại thêm một triết lý của ông. Cần mẫn, kiên trì đến mức bảo thủ.Nhưng đó là sự "bảo thủ" cần thiết. Biết rằng, không ít người sẵn sàng cho ông thuê ruộng giá rẻ để liên kết phát triển kinh tế, không ít lãnh đạo các tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện tối đa để kéo Quế Lâm đầu tư, nhưng cũng có khi ông từ chối vì nhận ra những mục đích khác nhau. "Nếu chỉ làm vì tiền thì tui, con cháu tui có nhiều lựa chọn khác. Tui tự thấy cuộc đời mình mang ơn người nông dân và luôn trăn trở vì chưa làm được nhiều điều cho họ. Từ phân bón hữu cơ đến nông sản hữu cơ, tui muốn gửi gắm cả tấm lòng tri ân người nông dân của tui trong đó. Cũng khó khăn, thậm chí là cả những rủi ro, nhưng mà tui tin, nếu mình làm bằng cái tâm, có được lòng tin của người dân, có được sự đồng hành của họ thì sẽ thành công thôi. Tự đáy lòng tui ơn người nông dân chú ạ. Ơn cả những vùng đất khắc nghiệt ở miền Trung. Nếu không có họ thì tui mần chi được như ngày hôm ni". 

Mang cái tâm thế ấy nên ông không ngần ngại hiến kế và cam kết với ngành nông nghiệp sẽ làm được nông sản sạch bằng chính cuộc hành trình túc tắc của mình. "Dân mình còn khó khăn nên làm gì cũng phải từ từ, cụ thể, không thể làm chung chung, không hô hào phong trào được". Có lẽ, phải hiểu nông dân lắm nên ông mới phát biểu thế trong nhiều cuộc họp. Và cũng phải hiểu nông dân đến thế nào, tâm thế ra sao thì ông mới nói với một vị Chủ tịch UBND một tỉnh ở miền Trung rằng: Anh cứ làm điều tốt cho dân thì dân họ sẽ theo mình thôi, anh ạ.

"Thực tế chứng minh rồi, nếu cứ lặng lẽ có khi lại đến nhanh.Còn cứ hô hào cho hoành tráng nhưng cuối cùng không hiệu quả mấy. Hoành tráng làm chi khi nông sản làm ra chưa biết bán cho ai, bán với giá bao nhiêu? Có bao giờ ta tự hỏi rằng tại sao ta xuất khẩu nông sản nhất nhì thế giới mà vẫn nghèo, vẫn phải đi vay ODA không? Có lẽ mấu chốt ở cách làm mà ra cả". Cái lý của ông là vậy, đố ai cãi.

Tôi hỏi, ông có tham vọng gì sau những trang sử mình đã viết?  "Tham vọng của tui khi sản xuất nông sản hữu cơ là sẽ trở thành một điểm điển hình. Phân hữu cơ vi sinh tui mần được rồi, được Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương thừa nhận rồi, còn nông sản hữu cơ, mới đây, một tổ chứcnước ngoài khi đến tham quan mô hình của tui họ thấy thích quá nên lập tức quyết định liên kết để đầu tư nhưng tui đang tính, để xem lợi ích người nông dân ra răng đã". Ông Lam trả lời.Có cảm giác, mỗi câu nói của ông bao giờ cũng có từ DÂN trong đó.

 

Xem thêm
Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất