| Hotline: 0983.970.780

Người mài dao, kéo dạo cuối cùng ở thành phố biển

Thứ Ba 03/03/2020 , 09:45 (GMT+7)

Dù ngày mưa hay nắng, ông vẫn lầm lũi mang đồ nghề, lê đôi chân già nua đi vòng quanh thành phố.

Cái lưng lòm khòm của ông Tứ bị chiếc ghế gỗ và giỏ đồ nghề ngặng hơn 10kg kéo xuống thấp hơn. Ảnh: Đình Thung.

Cái lưng lòm khòm của ông Tứ bị chiếc ghế gỗ và giỏ đồ nghề ngặng hơn 10kg kéo xuống thấp hơn. Ảnh: Đình Thung.

87 tuổi vẫn tự lực

Giữa thành phố biển hoa lệ, cái dáng người nhỏ thó của ông như lọt thỏm giữa đường phố nghìn nghịt xe cộ và những dãy nhà cao tầng.

Cái ghế dài bằng gỗ dùng để ngồi mài dao cùng cái giỏ nhựa đựng lỉnh kỉnh nào là giũa, đá mài, bàn kẹp thợ rèn, những chai nước… nặng đến hơn 10kg càng kéo cái lưng lòm khòm của ông xuống thấp hơn.

Ông tên Huỳnh Tứ, năm nay đã 87 tuổi, người thợ mài dao, kéo dạo cuối cùng ở thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định.

Ông Tứ có gia đình đề huề, con cái nếp tẻ đầy đủ, 1 trai 3 gái, ai cũng đã có gia đình riêng ở loanh quanh trong thành phố Quy Nhơn. Ông ở với người con trai trong căn nhà 2 gian ở đường Võ Mười.

Con trai ông đang làm việc trong Khu công nghiệp Phú Tài với mức thu nhập ổn định. Thấy ông cả ngày đi bộ rong ruổi khắp thành phố làm cái nghề chẳng kiếm được mấy tiền, con trai ông Tứ khuyên bảo cha nghỉ ngơi, nhưng ông lắc đầu.

Theo ông Tứ, quen động chân động tay, giờ không làm gì thì buồn lắm. Vả lại, mỗi ngày kiếm năm ba chục ngàn, cộng với tiền Nhà nước phụ cấp cho người cao tuổi mỗi tháng 270 ngàn cũng đủ để ông chủ động sắm gói trà, mua gói thuốc lá, ăn vặt hàng ngày.

Mỗi sáng sớm ông thức dậy, gắn chiếc mũ rộng vành trên đầu, quàng cái ghế mài dao cùng cái giỏ đồ nghề trên vai, đôi chân già nua của ông bắt đầu cuốc bộ vòng quanh thành phố Quy Nhơn. Dù đã 87 tuổi nhưng ông Tứ rất minh mẫn.

Trong đầu ông “chia” thành phố Quy Nhơn thành nhiều vùng, hôm nay ông đi khu phố này, ngày mai ông đi khu phố kia để khỏi trùng. Không 1 tiếng rao, đôi chân ông cứ chầm chậm bước từng bước lầm lũi trên các đường phố.

Trước khi mài, ông Tứ giũa lưỡi dao cho mỏng. Ảnh: Đình Thung.

Trước khi mài, ông Tứ giũa lưỡi dao cho mỏng. Ảnh: Đình Thung.

Nhìn thấy dáng ông từ xa, bà Thánh Thiệm (78 tuổi) có nhà ở đường Nguyễn Thái Học (thành phố Quy Nhơn) nhận ra ngay ấy là “ông Tứ mài dao”. Bà Thiệm vội vã đi vào bếp gom góp những chiếc dao đã cùn cầm ra đứng ngay cửa nhà đợi ông đến.

Khi ông đi gần đến nhà, bà Thiệm gọi “ông mài dao ơi”. Ông chầm chậm đặt chiếc ghế dài xuống hè phố, bên cạnh chiếc ghế ông đặt chiếc giỏ nhựa cũ kỹ đựng đồ nghề. Chiếc kẹp thợ rèn đặt lên 1 đầu ghế, lựa chiếc dao nhỏ làm trước, dao lớn làm sau.

Ông Tứ đưa chiếc dao vào kẹp thợ rèn giũa mỏng lưỡi dao. Giũa xong, ông xoay người sang đầu ghế bên kia để mài. Trước khi mài, ông lôi trong chiếc giỏ nhựa ra chai nước mang theo, rót nước vào chén.

Đầu tiên, ông liếc chiếc dao lên hòn đá mài nhám, sau đó mới mài lên hòn đá mài mịn. Thi thoảng, ông dùng mấy ngón tay vục nước trong chén tạt lên hòn đá mài để lưỡi dao nhanh sắc.

Ông làm tỉ mẩn từng động tác cho đến khi lưỡi dao sắc lẻm, sáng bóng mới thôi. Lúc ông đi, trông ông chậm chạp là vậy, nhưng khi ông mài dao đôi bàn tay của ông trông linh hoạt lạ thường. Điệu nghệ, chuyên nghiệp.

Lo không có truyền nhân

Vừa mài dao, ông Tứ vừa trò chuyện. Giọng nói ông vừa nhỏ vừa yếu, lẫn vào tiếng xe cộ trên đường phố và tiếng lưỡi dao miết vào hòn đá mài, phải thật lắng tai tôi mới nghe kịp chuyện. Ông vốn người Quảng Nam, theo cha vào Quy Nhơn lập nghiệp năm ông mới 15 tuổi. Lớn lên 1 chút, ông Tứ nối nghề thợ mộc của cha tạo kế sinh nhai trên vùng đất mới.

“Tui được thừa hưởng nghề “tay cưa tay đục” từ cha và theo ông làm nghề từ năm 18 tuổi. Hồi ấy ai kêu làm ở đâu cha con tui cũng đùm túm đồ nghề đi làm, công việc nhiều làm không kịp nghỉ tay”, ông Tứ nói.

Trong giỏ đựng đồ nghề của ông Tứ còn có ổ bánh mì và chai nước uống. Ảnh: Đình Thung.

Trong giỏ đựng đồ nghề của ông Tứ còn có ổ bánh mì và chai nước uống. Ảnh: Đình Thung.

Sau bà Thiệm, nhiều phụ nữ khác ở dọc đường Nguyễn Thái Học lần lượt mang dao đến nhờ ông Tứ mài. Thấy việc nhiều, đồng nghĩa hôm nay kiếm khá tiền, ông vui hẳn ra. 

Ông Tứ kể năm 28 tuổi, trong 1 chuyến ra xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) làm nghề, duyên phận đưa đẩy ông gặp người phụ nữ quê biển rồi thành vợ thành chồng. Ông đeo đuổi nghề thợ mộc đến năm 75 tuổi đôi tay ông mới chịu buông cưa buông đục.

Cách đây hơn 10 năm, vợ ông bỏ ông đi theo ông bà. Lúc ấy ông đã thôi làm nghề, trong nhà lại vắng người phụ nữ mấy chục năm đầu ấp tay gối, ông thêm buồn. Thế là ông vào nghề đi mài dao, kéo rong cho cư dân thành phố biển.

Mài xong 3 chiếc dao cho bà Thiệm, tôi thấy ông tính tiền chiếc dao Thái Lan chỉ 3.000đ, chiếc dao lớn hơn có lưỡi to bằng 3 ngón tay người lớn ông tính 7.000đ, còn chiếc dao bảng lớn bằng bàn tay ông tính 15.000đ.

“Lâu lắm ông Tứ mới đi qua đường phố này 1 lần. Nhà tôi cũng có đá mài, mỗi khi dao lụt tôi cũng tự mài được, nhưng dao không bén, dùng vài hôm là lụt trở lại. Dao qua tay ông Tứ, phải dùng đến mấy tháng sau dao mới bắt đầu kém sắc.

Cả thành phố Quy Nhơn chỉ có độc nhất mỗi ông Tứ làm nghề mài dao dạo. Ông nay đã cao tuổi quá rồi, tôi sợ sau ông không còn ai làm nghề mài dao, kéo dạo nữa ấy chứ”, bà Thiệm ngậm ngùi.

Trong giỏ đồ nghề của ông Tứ có cả ổ bánh mì và chai nước uống. Ông cười móm mém: “Tui mang theo để đói đâu ăn đó, không phải vào hàng quán tốn tiền. Nhiều khi các chủ mài dao còn cho tui cả đồ ăn ngon, nhà này 1 ít, nhà kia 1 ít, mang chật cả giỏ, ăn cũng không hết”.

Mỗi ngày ông phải lê đôi chân già nua đi bộ đến cả trên chục cây số. Chẳng những vậy, trên vai ông còn mang chiếc ghế gỗ để ngồi mài dao dài khoảng 2m, áng chừng 10kg, đó là chưa kể giỏ đồ nghề.

Tôi hỏi: “Cụ mang chừng này trên lưng mà đi đường dài như vậy sao đi nổi?”. Ông Tứ chia sẻ: Ông Tứ chia sẻ: “Mang riết rồi cũng quen chú à! Khi nào mệt mỏi thì ngồi xuống nghỉ, đỡ mỏi thì đi tiếp. Nếu có khách gọi làm thì thời gian ngồi mài dao là thời gian nghỉ ngơi để lấy sức đi tiếp. Trời nắng còn đỡ khổ, trời mưa còn cực hơn nữa.

Dù có mặc áo mưa mà cũng ướt át nhếch nhác lắm. Mà không đi cứ co ro nằm trong nhà thì càng mệt hơn, lại buồn, lại không có tiền rủng rỉnh trong túi. Cứ vậy mà tui bám trụ với cái nghề mài dao, kéo này đã hơn chục năm rồi.

Tui đi giáp vòng thành phố, ra đến cầu Đôi, lên đến phường Gềnh Ráng, len lỏi trong từng con hẻm nhỏ. Những vùng người lao động ở đông và khu dân cư gần cảng cá Quy Nhơn người cần mài dao càng nhiều, mỗi khi đi qua đó tui kiếm được bộn tiền”.

Người dân ở thành phố biển Quy Nhơn quen thuộc hình ảnh ông cụ có dáng người nhỏ thỏ, lưng lòm khòm, đầu đội chiếc mũ rộng vành, gương mặt khắc khổ nhưng có nụ cười rất tươi. 

Mài dao đã giỏi, ông Tứ mài kéo còn khéo hơn. Do đó, “bạn hàng” của ông ngoài các bà các chị nội trợ, còn có những thợ may ở thành phố Quy Nhơn. Theo người trong nghề may, lưỡi kéo rất mài, nếu mài không đúng kỹ thuật thì lưỡi kéo đã không sắc hơn mà còn cùn đi, thậm chí lưỡi bị vênh không còn cắt vải được.

“Vợ tôi làm nghề may, nên cũng thường xuyên mong ngóng ông Tứ để nhờ mài kéo. Chiếc kéo đang lụt nhây mà qua tay ông Tứ là lập tức bén ngọt, cắt vải đi nhẹ tênh, đường cắt sắt lẻm”, anh Trần Bá Phùng, 1 bạn đồng nghiệp của tôi có vợ làm nghề may, chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngồi ở nhà, người dân Huế vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp

THỪA THIÊN - HUẾ Từ ngày 22/4, người dân Huế có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh VneID.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm