| Hotline: 0983.970.780

Người mang “mệnh sứ quân”

Thứ Tư 26/08/2009 , 10:40 (GMT+7)

“Anh Tấc” đó là cái tên mà bạn bè yêu mến gọi nữ thi sĩ Đỗ Thị Tấc. Với tôi, chỉ xin gọi chị là người đàn bà cực kỳ thú vị.

"Anh" Tấc

“Anh Tấc” đó là cái tên mà bạn bè yêu mến gọi nữ thi sĩ Đỗ Thị Tấc, bởi chị đi nhiều, toàn đến những vùng gian khó. Chị chính là nhà báo đầu tiên lội bộ đến A Pa Chải, nơi ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào. Chị còn cái tên khác nữa, đó là Lý Mì Mừ. Tên này, người dân Hà Nhì vì kính trọng mà đặt cho. Còn với tôi, chỉ xin gọi chị là người đàn bà cực kỳ thú vị.

Chị vẫn luôn tự nhận mình là người con của rừng. Trong lá số tử vi của chị còn viết rõ ba chữ “mệnh sứ quân” – nghĩa là cuộc đời chị phải gắn bó với miền biên ải mới nên người.  

Lần đầu gặp “anh Tấc” ở thị xã Lai Châu đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Người phụ nữ đã bước gần sang cái tuổi ngũ thập, mái tóc đã điểm bạc, ăn nói mạnh bạo hơn tôi tưởng. Đang giữ chức Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu; tưởng làm “quan” nói năng phải ngó trước ngó sau, ai dè chị xởi lởi, tính tình thẳng như ruột ngựa: “Tao sống thật cho thanh thản với lòng mình. Lòng trong như nước suối biên thuỳ biết đâu lại thọ lâu?” 

Từ vận động viên đến phóng viên 

Chị sinh năm 1963, trong một gia đình có đến tới 7 người con. Bố mẹ chị quê gốc ở Hưng Yên, lên Lai Châu làm công nhân làm đường. Họ không ở một chỗ cố định mà đường đi đến đâu nhà chuyển đến đó. Cuộc sống của công nhân làm đường khi ấy đói rét, triền miền. Năm chị 15 tuổi, bố bỏ mẹ về quê lấy vợ hai, để lại mình mẹ chị với 5 đứa con nhỏ bơ vơ giữa núi rừng Tây Bắc.  

Từ đó chị là lao động chính trong nhà. Nhà vốn nghèo, đói rét triền miền, nên hàng ngày chị phải vào rừng chặt củi, phát nương, làm rẫy… để giúp mẹ già nuôi đàn em nhỏ. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chị em củ sắn bẻ đôi, bát cơm xẻ nửa để nuôi nhau ăn học. Ngày đi kiếm việc lấy tiền nuôi các em, tối về chị lại chong đèn uốn nắn các em học từng con chữ.  

Năm 1979, chị thi đỗ hệ trung cấp trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), chị tạm thời chia tay phố núi nghèo về xuôi “tầm sư học đạo”. Suốt ba năm học, mẹ không gửi cho một đồng nào, vì mẹ cũng không kiếm được tiền để lo cho con gái.  

Chị có khiếu ở môn điền kinh, trong những năm học phổ thông chị luôn rinh giải về cho trường. Những tháng nghỉ hè chị về quê cùng các bạn, gặt lúa, trồng ngô, trồng khoai... còn Tết ở lại trường một mình. Năm thứ nhất rồi năm thứ hai, đến năm thứ ba chị cũng vẫn phải ở lại trường ăn Tết một mình kiểu đó. 

Ra trường, một tương lai sáng lạn đang đợi chờ chị. Tuy nhiên, chị lại nghĩ đến đàn em thơ nơi quê nhà. Sau ba năm chị mới về, tìm về nhà thì không thấy mẹ và các em đâu. Phải đi bộ hơm chục cây số và hỏi thăm mãi, chị mới tìm thấy mẹ và các em ở trong căn nhà gianh tre tươm tướp ở cung đường 107 (xã Mường Tùng). Sau đó chị được nhận về Phòng Giáo dục huyện Điện Biên dạy học.   

Dường như ước mơ được đi, được viết từ thuở thiếu thời của chị luôn “quẫy đạp” buộc chị phải làm gì đó để được đi, được sống đúng cuộc đời mình. Dạy học được 4 năm, chị lại xin chuyển về huyện Phong Thổ làm ở phòng Văn hóa - Thể dục thể thao. Về đây chị có điều kiện để đi biên giới, vùng sâu, vùng xa. Vốn đam mê viết lách từ nhỏ, chị thu thập tư liệu rồi viết cho Đài Phát thanh truyền hình huyện rồi tỉnh và cả Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1990, ước mơ làm nhà báo được toại nguyện khi chị được chuyển sang làm Phóng viên Đài Truyền thanh huyện Phong Thổ. Vì quá đam mê báo chí, nên năm 1992, chị tiếp tục thi vào khoa Báo chí trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí tuyên truyền). Khi ra trường, bạn bè có thể lo cho chị một “suất” phóng viên ở Thủ đô. Tuy nhiên như chị nói ban đầu: "Cái số tao phải gắn với miền biên ải mới thành người". Chị lại trở về Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lai Châu.  

Đi đến trọc cả đầu 

Thực ra trước những ngày được học báo chí, chị cũng đi rất nhiều nơi để viết. Những năm đó biên giới còn nhiều bất ổn, việc lên các đồn Biên phòng sẽ gặp không ít những khó khăn, hiểm nguy. Chị vẫn xin đi, đến đâu cũng có bài vở gửi về đều đặn. Tác phẩm đầu tiên mà chị nhớ nhất là bài Vành đai xanh trên tuyến đầu biên giới phía Bắc. Bài này viết về các chiến sĩ ở đồn Sì Lờ Lầu vào năm 1990. Năm đó từ trung tâm xã Dào San (huyện Phong Thổ) đi bộ lên Đồn Sì Lở Lầu phải vượt qua được 12 tầng dốc.

Mà mỗi tầng phải đi mất đến vài tiếng đồng hồ. Chị vốn bị huyết áp thấp bẩm sinh, bao giờ cũng có một củ gừng nướng và gói đường nhỏ trong túi như bài thuốc dấu của người dân tộc để mỗi khi tụt huyết áp thì lại cắn miếng gừng lẫn đường, chiêu vài ngụm nước nằm chờ cho lại sức rồi đi. Cố gắng đi! Chị nhớ lại: Sau nhiều giờ luồn rừng, khi mình dừng lại ở một hẻm núi thì nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh bay trên nóc một vòm cây cổ thụ. Có gì đó cứ rưng rưng, cứ nghẹn ngào như len vào từng tế bào, từng chân tóc. Lần đầu tiên hai từ Tổ Quốc buột ra từ trong tâm thức tôi thiêng liêng đến thế. Lên đồn, anh em biên phòng ai cũng lo cho mình như người em gái. Từ cái ăn, đến cái mặc, đến giấc ngủ…  

Sau khi học xong Đại học, chị về công tác tại Đài phát thanh truyền hình Lai Châu. Như rắn được vẽ thêm chân, chị càng có điều kiện đi và viết. Chuyến đi dài ngày nhất của chị là đến các Đồn biên giới dọc tuyến biên giới Việt – Lào – Trung của tỉnh Lai Châu. Ngày đó vào các đồn Biên phòng chỉ có nước là đi bộ, cứ trèo đèo, luồn rừng, lội suối mà đi. Được cái bù lại chị có vinh dự là người phụ nữ, nhà báo đầu tiên của cả nước đi bộ đến đồn Leng Su Sìn – nơi ngã ba biên giới, một con gà gáy 3 nước cùng nghe. Ngoài ra chị cũng đã in dấu chân mình lên dọc tuyến đường biên giới, qua các đồn biên phòng mỗi khi nhắc tới ngay cả cánh nhà báo quen đi rừng cũng khiếp đảm như Ka Lăng, Vàng Ma Chải, Pao Ủ... Tổng cộng hành trình luồn rừng đó kéo dài hơn hai tháng. 

Đi rừng vắt cắn, đói, rét... gian khổ trần ai. Về cơ quan thì chị bị kỉ luật. Với lý do là đi quá ngày cho phép. Buồn hơn là sau chuyến đi đó, tóc chị rụng hết, vì bị sốt rét ác tính. Một thời gian dài sau tóc mới mọc lại. Trên làn da đầu đỏ hồng, tóc mọc lên lún phún toàn màu trắng.  

Sau khi bị kỉ luật, chị nghỉ phép về Hà Nội xin việc, một cơ quan thông tin có danh tiếng đã đồng ý nhận chị về làm. Nhưng vừa về tới Hà Nội chuẩn bị nhận việc thì chị lại thấy nhớ rừng: “Rừng ngấm vào máu rồi. Vài ngày không được gửi thấy cái mùi ngai ngái của rừng và tiếng thác đổ, suối reo, hay giọng nói và những gương mặt hiền như đất của bà con dân tộc là tao không chịu được. Mày có tin không? Nhiều khi tao nhớ vô cùng cái mùi nước đái trâu quyện vào hương hoa bưởi tháng ba ở bản. Nó như có chất gây nghiện…” (Còn nữa)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những đoàn xe thiện nguyện đuôi nhau chở nước về vùng hạn mặn

Mỗi ngày các địa phương ven biển ĐBSCL, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre… tiếp nhận hàng chục, hàng trăm chuyến xe và nhiều sà lan mang theo những giọt nước nghĩa tình.

Bình luận mới nhất