| Hotline: 0983.970.780

Người mẹ với nếp nhà

Thứ Bảy 18/08/2018 , 14:05 (GMT+7)

Cái làm nên khác biệt căn bản giữa văn hóa Hán với văn hóa Việt là vị trí của người mẹ trong nhà và trong cộng đồng. Rất lạ. Nho giáo đã từng gần như độc tôn suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc; mà Nho giáo thì chỉ độc tôn phụ quyền - người cha.

Người Việt khi viết chữ “an” nghĩa là yên ổn bằng chữ Hán như người Hán là 安 – có bộ miên trên (mái nhà) chữ nữ dưới, nghĩa chiết tự là trong nhà phải có người phụ nữ, mới yên ổn an lạc. Nhưng Trung Quốc không có nữ thần, mãi về sau, khi tiếp xúc với phương Tây, cảm thấy sự bất ổn về điều ấy, nên mới cải từ nam thần Bồ Tát thành nữ thần Quán thế âm Bồ Tát (bà Nữ Oa đội đá vá trời chỉ là cổ tích dân gian.) Còn Việt Nam có tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong tứ thánh bất tử; những câu thành ngữ như “phúc đức tại mẫu”, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Thuận vợ thuận chồng, bể đông tát cạn”, “của chồng công vợ”…thì ai ai cũng nhuần thấm. Mẫu ở Việt Nam là mẹ dân theo nghĩa tâm linh; khác với “mẫu nghi thiên hạ” của Trung Quốc chỉ là Hoàng hậu thế quyền, có thể chỉ vì yêu ghét, mà “mẫu nghi thiên hạ” bị giam vào lãnh cung, bị xử tội chết.

Bàn về vai trò người mẹ trong nếp nhà, trong văn hóa dân tộc cũng là một điều đáng để tâm; nhất là trong bối cảnh không gian sinh tồn của chúng ta cứ bị kéo ra khỏi quê hương bản quán, do công việc, do mưu cầu sự sống…

Tôi may mắn được là học trò GS Nguyễn Khắc Phi, là đồng nghiệp của nhà văn Nguyễn Khắc Phi. Họ đều là con của cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954), và là em của BS Nguyễn Khắc Viện. Năm 19 tuổi, cụ Niêm đỗ Hoàng giáp, được dự ngự yến. Vua Thành Thái hỏi các tân khoa chiến lược trị quốc an dân, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm ứng khẩu 4 câu (gọi là tứ tôn châm):

Tôn tộc đại quy

Tôn lộc đại suy

Tôn tài đại thịnh

Tôn nịnh đại nguy

Cụ Niêm làm quan đến Án sát rồi Bố chánh Nghệ An; Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Cụ không ưa Pháp và Pháp cũng không thích cụ, nên xin nghỉ hưu sớm, năm 1942, khi mới 53 tuổi. Theo nhà văn Sơn Tùng, cụ Niêm nổi tiếng thanh liêm, ủng hộ những người cách mạng, đã từng ngầm trao mật gấu cho người tù chính trị bị tra tấn rồi nới lỏng cho trốn đi; năm 1945, cụ được mời làm ủy viên Liên Việt khu 4.

Làm quan thì dẫu thanh liêm cũng có thể tậu ruộng, xây nhà cao cửa rộng. Nhưng bằng chứng về mặt thanh liêm là cụ không biết trong nhà có bao nhiêu tiền. Năm 1945, nhân Tuần lễ vàng, tại cơ quan huyện, cụ được gợi ý quyên góp vàng cho kháng chiến và cụ đã xung phong hiến 20 lượng vàng.

Cụ bà kêu giời: Ối ông ơi, ông có biết một lượng vàng là bao nhiêu mà xin hiến hai mươi lượng? Rồi cụ vét nhẵn đồ trang sức của mình, tiền tích cóp cũng chỉ được vài lượng. Nhưng nhời hứa của chồng là gia lệnh tối nghiêm, là gia sỉ với dân nước. Cụ phải bán gần hết số ruộng, rồi vay mượn thân nhân đằng ngoại mới đủ số vàng đưa cụ ông đi quyên góp.

Đó là cụ Đoàn Thị Viên (1902 - 1986), kế thất của cụ Niêm. Vợ cả cụ Niêm là Nguyễn Thị Cán, sinh 7 lần, nuôi được 6 người con, BS Nguyễn Khắc Viện là trưởng nam, con thứ ba. Năm 1922, cụ Cán mất, cụ Niêm lấy cụ Đoàn Thị Viên và họ sinh được 9 người con. Điều rất lạ là năm 1954 - 1956, gia cảnh cụ Viên lâm vào thế ngặt nghèo, oan khốc và đói khát nhưng đàn con khác mẹ của cụ thì đã cố kết quanh “mự” mà qua cơn bĩ cực.

Cụ Đoàn Thị Viên (1902 - 1986)

Các con khác mẹ của cụ, ngoài những người đã trưởng thành tham gia kháng chiến như Nguyễn Thị Vàng, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương (trưởng nam của cụ) hơn mười người còn lại đã mỗi người mỗi việc, mò cua bắt ốc, cấy thuê gặt mướn, cô gái út 7 tuổi thì đi bán trứng luộc ngày đêm ngoài Ga Vinh, nhưng tất cả đều quấn túm bên mẹ hai mà nuôi nhau. GS Nguyễn Khắc Dương kể:

“Mẹ tôi rất tiết kiệm, đôi khi hơi thái quá. Sau này chúng tôi nhắc lại thời thơ ấu, có ý phê bình bà cụ. Bà cụ bảo: “Ai lại không muốn ăn ngon mặc đẹp. Nhưng, ngay từ lúc đầu về với thầy, thầy bảo rằng: "Bà là nội tướng, bà liệu làm sao cho vừa với đồng tiền lương chứ tôi không có bổng lộc gì khác đâu. Một số quan lại tham nhũng phần lớn là do người vợ không biết cần kiệm. Tôi có giữ được thanh liêm, phần lớn là nhờ bà”. Vì vậy mự lo lắng lắm: phải chi tiêu có chừng mực, con thì đông, việc họ việc làng, còn phòng khi đau ốm nữa, chứ đâu phải keo kiệt gì”.

BS Nguyễn Khắc Viện nói về mẹ kế:

“… Mẹ kế tôi cũng là mẫu người của xã hội xưa, không được đi học, sau này chúng tôi mới dạy bà chữ quốc ngữ, nhưng thực chất bà cũng có một trình độ văn hóa nhất định. Vốn xuất thân từ gia đình nhà Nho, từ bé đến lớn nghe các bác, các chú, các anh học hành, thành ra bà thuộc lòng khá nhiều văn thơ. Đặc biệt là Truyện Kiều, bà nhớ không sót một câu nào. Kể cả văn thơ chữ Hán, bà cũng thuộc nhiều. Có lần, khi có dịch thổ tả, bà con nhờ thầy tôi chép lại bài Chính khí ca để dán lên nhà. Thầy tôi không có bản gốc, mà cũng quên, thế là mự tôi đọc cho ông chép lại cả bài….”

Từ ngày về hẳn quê ở (1942), gương cần kiệm của cụ lại còn tác động tốt tới con cái về những mặt khác. Cụ còn cùng bà con nông dân bửa cau, phơi thóc, cuốc cỏ. Cụ vẫn làm đủ loại bánh trái theo kiểu Huế, nhưng cụ còn trực tiếp làm tương, muối cà thành thạo theo kiểu Nghệ. Cụ trực tiếp nuôi tằm, trực tiếp may lấy hầu hết quần áo cho các con. Đặc biệt vườn trầu do cụ trực tiếp trồng, chăm sóc có lẽ là vườn trầu đẹp nhất huyện Hương Sơn. Có một người mẹ như thế, đàn con, dù là con nhà quan mới bước từ thành thị về, làm sao có thể lười biếng xa hoa được, làm sao có thể sống tách biệt với bà con dân làng được? Nhiều vườn ruộng, nhưng cụ chỉ thuê duy nhất một tá điền, giúp việc là Nguyễn Đình Trung, gọi là con nuôi. Còn mỗi con mỗi việc. Việc cụ Viên trực tiếp cùng làm rồi bảo ban các con là nuôi hươu sao lấy nhung và trồng cau trầu. Cụ liền trầu nổi tiếng đẹp với triết lý, lá bao ngoài phải to phải đẹp, nhưng lá bên trong nếu toàn bé xấu thì người mua “nhận ra” ngay cái lòng dạ của người liền. Hôm sau sẽ mất khách. Ăn ở với bạn bầu, họ hàng cũng vậy. Nhà mình có bát ăn, họ hàng đằng ngoại hai bề (cụ Cán ở Sơn Thịnh cùng huyện, cụ Viên ở Thanh Chương) họ đằng nội bốn bên mỗi khi đến nhà không thể không chu đáo. Lỡ bữa thì nhịn miệng đãi khách, chứ để lỡ mang tiếng thì nhục với cả hai bề bốn bên. Đã nhục thì nhục cả đời.

Cái cách thương yêu con của cụ Viên thật công bằng theo nghĩa đứa yếu bấy hoặc cá tính khác biệt thì cần chăm chút đặc biệt, chứ không kể nó là con ai đẻ ra. Trong một bài thơ dài, bà Nguyễn Thị Thiếu Anh viết về mẹ kế đã chứng minh điều ấy, xin trích một đoạn:

Mồ côi mẹ từ khi lên một

Nhưng không hề phải chịu cảnh cô đơn

Tôi là kẻ trời ban riêng diễm phúc

Thấy trong đời “bánh đúc có nhiều xương”!

(…) Bàn tay ấy luôn kiên trì cặm cụi

Bón hàng giờ, mới dỗ được tôi ăn

Những đêm tôi khó thở vì hen

Bàn tay ấy nâng đầu tôi trên gối…

(…) Hoa - em tôi, vẫn thường hay ghen tị:

“Mự lúc nào cũng cứ chị Thiếu Anh

“Thương chị ấy còn nhiều hơn con đẻ,

Út là con, mự vẫn chẳng cưng bằng!”

 

Công sinh thành tôi dành cho mẹ đẻ

Vốn từ lâu bất hạnh đã qua đời.

Ơn nuôi dạy, tôi dành cho mẹ ghẻ

Mẹ thứ hai, người mẹ kế tuyệt vời

Còn đây là chuyện của bà Nguyễn Thị Nhuần, vào tuổi 80, đã kể về mẹ đẻ:

“Thầy quả có con mắt tinh tường, khéo chọn cho chúng con một người mẹ. Thật diễm phúc khi được làm con của mự.

Mự, điển hình một phụ nữ phương Đông toàn diện: đài các mà dung dị, thông minh sắc sảo nhưng lại nhân hậu công bằng, vị tha.

Tháo vát, tần tảo, chu toàn …

Nhận thức về văn hóa, xã hội sắc bén, khoáng đạt.

Tất cả đặc trưng ấy được thể hiện qua việc làm, lời nói, đối nhân xử thế trong đời thường. Ngoài ra, con cảm nhận ở mự chấm phá ít nhiều phong cách phụ nữ phương Tây (mạnh mẽ, quyết đoán, quan điểm tiến bộ trong hôn nhân gia đình…)

(…) Trẻ em vô tư, chúng con đã ngủ lăn lóc một giấc dài, trở mình nghe giọng nói khẽ: "Các con dậy đi vệ sinh kẻo lại đái dầm". Mự vẫn thức, con lại ngủ tiếp. Ngủ chán, mơ màng thức giấc, một ánh sáng le lói, bóng mự thấp thoáng quanh màn, dùng đèn dầu cẩn thận bắt muỗi; sáng ra thấy xác muỗi đầy đèn, đoán chắc mự thức rất khuya. Lại nữa, nhẹ nhàng vén màn, tay cầm chén nước, tăm bông lần lượt bắt giun kim cho từng đứa (ban đêm giun bò ra khỏi hậu môn).

“Chưa xong, lại dò dẫm đi sang nhà nuôi tằm, cho tằm ăn đêm, khi tằm lớn phải hai, ba lần ăn trong một đêm (ăn như tằm ăn rỗi), hai bàn tay mự rắc lá dâu xanh mướt lên nong tằm như điệu múa xòe; còn nữa, những đêm đông giá rét, lại quạt than sưởi ấm nong kén cho tằm nhả tơ, cũng không quên dùng màn che chắn cho tằm tránh ruồi muỗi chuột bọ quậy phá. Ngoài ra, đến mùa hươu cái sinh con, mự lại vòng qua chuồng hươu chăm nom hai mẹ con hươu sao…”

Với bà Nhuần và không chỉ với riêng bà, hình ảnh người mẹ mà hai đàn con đều gọi là mự ấy, dù đã xa khuất họ hơn 30 năm nhưng đã và vẫn sẽ là “đốm sáng soi tỏ mọi ngõ ngách cuộc đời cho hơn 100 con cháu chắt chút của cụ”; như đã từng soi dẫn họ đi qua những chặng hiểm nghèo.

Nhưng cây quế thơm đến lá cũng thơm. Tôi chỉ là học trò, là bạn của con cụ, chưa bao giờ có hân hạnh biết cụ nhưng bài học về nhân cách cụ thì nhuần thấm trong tôi trong quá trình phục dựng nếp nhà mình. Tôi hình dung 14 người con trưởng thành, nhiều người có danh vọng như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi…ở giữa giữa như Nguyễn Khắc Phê rồi rất nhiều phụ nữ ít người biết đến. Nhưng tất cả đều biết quý trọng và sử dụng thơ văn, hẳn họ đã tạo dựng thành 14 nếp nhà đậm đà hình ảnh cụ dù không có cụ. Nếu mỗi nếp nhà, nếp họ góp làm nên nếp văn hóa dân tộc như cụ Đào Duy Anh nhận định, thì gia đình cụ Nguyễn Khắc Niêm - Đào Thị Viên đáng kể là công đầu. Họ tạo nên nét nhân văn, khoáng đạt, trung chính và khoan dung công bằng.

Vâng, phúc đức tại mẫu!

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm