| Hotline: 0983.970.780

Người nặn hình nhân ở Lý Sơn

Chủ Nhật 29/01/2012 , 08:38 (GMT+7)

Cách đất liền chỉ 15 hải lý nhưng trước đây, để đến được đảo Lý Sơn phải trải qua lắm gian nan...

Lý Sơn, huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được hình thành cách đây hàng chục triệu năm từ sự kiến tạo của địa chấn. Nham thạch của 5 ngọn núi lửa phun trào rồi tắt đi đã tạo cho Lý Sơn có cái “dáng” vừa thơ mộng vừa kỳ bí. Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, hòn đảo rộng chưa đầy 10km2 này còn ẩn chứa nhiều câu chuyện. 

Những "bức tranh đá" tuyệt đẹp thiên nhiên ban tặng đảo Lý Sơn

1. Cách đất liền chỉ 15 hải lý nhưng trước đây, để đến được đảo Lý Sơn phải trải qua lắm gian nan. Đi làm báo, gian nan tôi đã nếm trải không phải là ít, nhưng với gian nan mà tôi được “nếm” trong chuyến công tác đầu tiên ra huyện đảo Lý Sơn cách đây gần 10 năm thì tôi không thể nào quên.

Sáng ấy, trong lúc ngồi nhâm nhi ly cà phê ở quán cóc tại bến cảng Sa Kỳ (Bình Sơn) chờ chiếc ghe gỗ, “cầu nối” duy nhất của đất liền với Lý Sơn khởi hành, bất chợt cô chủ quán hỏi tôi: “Lần đầu tiên anh đi Lý Sơn phải không?”. Tôi ngạc nhiên “Sao cô biết?”. “Em bán quán này đã nhiều năm, khách thường xuyên đi ghe đều quen mặt, có khách lạ là em biết ngay”. Tôi cười. Cô chủ quán lại nói: “Nếu đi lần đầu thì anh đừng lên ghe bây giờ, ghe dập dềnh làm anh say sóng đấy. Khi còi ghe hụ anh hãy lên”.

Nghe lời cô chủ quán, tôi ngồi yên đợi tiếng còi hụ. Đúng 7 giờ, tiếng còi hụ lảnh lói, tôi bước lên ghe. Thật oái oăm, những người khách lên trước đã trải chiếu nằm kín cả 2 khoang ghe. Họ nằm để chống say sóng. Khách đi ghe hầu hết là những phụ nữ chạy chợ và vợ của những ngư dân sang bờ mua sắm lương thực, thực phẩm cho chồng đi biển. Thấy tôi lóng ngóng tìm chỗ đứng, anh chủ tàu nói thiệt tình: “Anh ra sau nằm tạm chứ đứng không chịu nổi đâu”.

Nói đoạn, anh dắt tôi ra phía sau khoang ghe, nơi “yên vị” của 2 con heo thịt to đùng nằm trong rọ và 6 cái giỏ gà. Lấy chiếc chiếu trải lên khoảng giữa của 2 cái rọ được đặt cạnh nhau rồi anh chủ tàu bảo: “Anh nằm xuống đi chứ sóng nhồi lắm, đi lần đầu như anh không trụ được đâu”. Thế là tôi phải trải qua suốt nửa ngày trời trong cảnh sóng nhồi và tiếng cục tác của lũ gà, tiếng heo kêu eng éc mới đến được Lý Sơn.

2. Bây giờ, đi Lý Sơn đã có tàu cao tốc. Ngồi ghế dựa, xem video ca nhạc, chưa đầy 2 tiếng sau là thong dong đặt chân lên cầu cảng. Không bị vật vã trên chặng đường đi, lại chỉ là chuyến thăm thú nên vừa đặt chân lên đảo là tôi lập tức bị “cuốn” vào cảnh quan thiên vô cùng kỳ thú của Lý Sơn. Anh Mai Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lý Sơn, người đã từng là cán bộ đầu ngành văn hóa của huyện đảo không giấu được tự hào: “Lý Sơn có gần 100 di tích văn hóa, lịch sử và thắng cảnh, anh cứ tha hồ”. Lướt qua danh mục các thắng cảnh chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, chúng tôi chọn chùa Hang.

Cổng vào huyện đảo Lý Sơn

Mượn chiếc xe máy công vụ của UBND huyện, chúng tôi dong về hướng núi Thới Lới, ngọn nhất cao nhất đảo Lý Sơn với độ cao 181m. Ì ạch vượt qua đoạn dốc cao, lại rẽ xuống 1 con dốc khác về hướng đông bắc của ngọn núi, chúng tôi đặt chân đến những bậc cấp dẫn xuống chùa Hang. Tọa lạc sát cạnh bờ biển, bao quanh là cảnh quan thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, chùa Hang ẩn sâu trong lòng núi đá với đầy vẻ thâm u, huyền bí. Đi dần xuống những bậc cấp tựa vào vách đá, thấy phía dưới vách đá dựng đứng có nhiều mạch nước ngầm rỉ rả tuôn ra dòng nước trong vắt. “Nguồn nước này không bao giờ cạn, người dân ở đây gọi đó là “giếng trời”, người bạn đồng hành, anh Nguyễn Dự, Chủ tịch UBND xã An Hải giải thích.

Chùa Hang hiện ra vòm cửa rộng, bên trong mờ ảo những ánh đèn thờ và đóm sáng của những cây hương đang được thắp. Bước vào chùa Hang, ai nấy đều “mờ mờ nhân ảnh” do bóng tối bao trùm và khói hương nghi ngút. Anh Dự nói thêm: “Chùa Hang còn được gọi là “Thiên khổng thạch tụ”, ý nói là chùa hang đá do trời sinh với nhiều hang động như hang Dơi, hang Câu. Chùa Hang có chiều sâu 24m, rộng 20m, cao hơn 3 m, diện tích hơn 480 m2 được lập cách đây khoảng 300 năm”.

 Độc đáo, kiến trúc của chùa Hang không hề có bàn tay can thiệp của con người, đó là 1 động đá tự nhiên trong lòng núi Thới Lới. Bên trong động đá có nhiều ngóc ngách thâm u, có nhiều đường đi lên xuống dích dắt. “Người xưa cho rằng đó là đường lên trời và đường xuống âm phủ”, anh Dự thì thầm. Mặc dù thì thầm nhưng tiếng nói của anh Dự vang vọng trong không gian kín bưng. Những bàn thờ trong chùa Hang được làm bằng đá tự nhiên. Chùa không chỉ có các bàn thờ các vị Phật mà còn có bàn thờ những vị tổ tiền hiền, những cư dân đầu tiên đến đảo trong tộc họ Trần có công khai sáng ra chùa Hương và bàn thờ 7 vị tiền bối có công lập nên làng An Hải.

Ra ngoài cửa hang chụm tay vốc nước giếng trời uống, rồi nhìn biển trời mênh mông. Đứng ở độ cao 181m trên núi Thới Lới, nhìn toàn cảnh, Lý Sơn như nằm giữa lòng chảo bao quanh là những khối nham thạch đa dạng hình khối, trông như 1 đấu trường khổng lồ thời La Mã. Nếu như Lý Sơn là hiện thân của cái đẹp thiên nhiên thì chùa Hang là tác phẩm điêu khắc tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho huyện đảo này.

Rời chùa Hang, chúng tôi quay về để sáng mai xuống ghe đi ra đảo Bé. Đảo Bé (xã An Bình) nằm cách đảo Lớn gần 1,7 hải lý. Ngồi trên chiếc ghe “chợ” đi vài chục phút, chúng tôi đã cập bến đảo Bé. Nhìn từ xa, nhà của cư dân đảo Bé nấp dưới những rặng dừa xanh trông thật thơ mộng. Ở đảo Bé, có những đám ruộng trồng tỏi hình bậc thang, bờ ruộng là những viên đá núi lửa xếp chồng lên nhau trông đều tăm tắp. Ra đảo Bé mà không tắm là xem như chưa đến đảo. Ở cái mỏm đảo nhô ra biển Đông là 1 vùng biển trong xanh, bờ biển sạch không đâu sánh bằng. Tắm chán, leo lên những ngọn núi đá nham thạch, như được chạm vào “trăm năm”.

Rời đảo vào làng để được khoái khẩu với 1 món cua có tên là cua dẹt. Những con cua trông dáng vẻ rất khô khốc, hoang dã, thế nhưng khi vừa nướng lên mùi thơm của nó đã tỏa ngan ngát. Bóc lớp vỏ đen cháy, món thịt trắng ngần săn chắc lộ ra, chấm vào muối ớt…những ai thưởng thức nó lần đầu không thể không buột miệng khen. Anh Lê Đợi, một cư dân ở đây cho biết: “Trước kia, du khách nào đến đảo Bé muốn ăn con cua dẹt không phải là chuyện dễ bởi không phải ngày nào cũng bắt được chúng. Chúng chỉ bò lên từ những hốc đá sâu sau những cơn mưa dông. Bây giờ thì khác rồi, đã có nhiều hộ nuôi được chúng. Du khách sang đảo Bé đã có thể thoải mái thưởng thức chúng bất cứ lúc nào mà những con cua dẹt còn “vượt biển” sang tận thành phố Quảng Ngãi trở thành món đặc sản”.

3. Lý Sơn còn ghi dấu chiến công hiển hách của những cư dân đầu tiên trong công cuộc gìn giữ biển đảo quê hương. Thuở vàng son ấy vẫn còn được người dân Lý Sơn lưu giữ trong Âm Linh tự, 1 di tích lịch sử nổi tiếng của huyện đảo là nơi thờ cúng những người đã khuất. Và những người đang “sống” trong Âm Linh tự chính là những chiến binh của nhiều thế hệ cư dân trên đảo, vâng mệnh vua Đại Việt ra Hoàng Sa trấn giữ “cửa ngõ” của nước Việt rồi bỏ mạng ngoài biển cả.

Âm Linh tự và người giữ đền

Trấn nhậm phương Nam vào thế kỷ 16, Chúa Nguyễn rồi các vua triều Nguyễn luôn xem Hoàng Sa là “lá chắn” của nước Việt giữa biển Đông. Và những cư dân của đảo Lý Sơn thời ấy đã vinh dự được nhận nhiệm vụ trông coi “lá chắn” ấy bằng “Đội hùng binh Hoàng Sa”. Thân thể của những chiến binh đã vĩnh viễn ở lại với biển, nhưng linh hồn của họ thì được người thân “gọi” về “nhập” vào Âm Linh tự. Âm Linh tự hiện đang lưu giữ hàng trăm bài vị, mỗi bài vị là hiện thân của 1 chiến binh đã hy sinh. Có thể, đó chỉ là tượng trưng, chứ suốt mấy trăm năm giữ đảo, đến giờ chưa có con số nào thống kê bao nhiêu chiến binh đã hy sinh.

Cách Âm Linh tự khoảng 1km về phía đông là khu “Mộ lính Hoàng Sa", là nơi linh hồn của thủ lĩnh Phạm Quang Ánh và những chiến binh của ông trong “Hải đội Hoàng Sa” yên nghỉ. Thực ra, đó chỉ là những mộ liếp (mộ gió). Dân làng đã dùng đất sét nặn thành nhiều hình nhân, sau đó lập đàn “chiêu hồn nhập cốt” vào hình nhân rồi an táng tại đây.

Hiện nay, tại đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ phong tục nặn hình nhân bằng đất sét để thay thế thân xác của những ngư dân chẳng may bị mất tích giữa biển khơi. Và người duy nhất làm nghề nặn hình nhân trên đảo Lý Sơn là ông Võ Văn Toại (75 tuổi) ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Ông Toại là truyền nhân đời thứ 8 của dòng họ Võ ở đảo Lý Sơn làm nghề này. Cụ kỵ dòng họ Võ đã từng nặn hình nhân cho các chiến binh của Hải đội Hoàng Sa. Họ Võ là một trong 7 tộc họ lớn, trong đó có Võ Văn Khiết từng làm cai đội, dẫn quân ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền cách nay hơn 200 năm.

 Riêng ông Toại đến nay đã có hơn 50 năm nặn hình nhân. Bây giờ, con trai ông Toại, anh Võ Nhành, 41 tuổi cũng đang theo nghiệp ông cha. “Cái chết, hay sự hy sinh đều đồng nghĩa với mất mát. Nhưng chết mà mất cả xác thì không một nỗi đau nào lớn hơn. Tôi muốn góp một chút công sức của mình để xoa dịu nỗi đau ấy cho người thân của những ai xấu số, như ông cha tôi đã làm trước đây với những chiến binh trong Hải đội Hoàng Sa”, ông Toại tâm sự.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất