| Hotline: 0983.970.780

Người nghèo "chê" vốn

Thứ Tư 13/11/2013 , 09:59 (GMT+7)

Được vay vốn lãi suất ưu đãi luôn là nhu cầu lớn thậm chí là ước mơ của người nghèo, để làm ăn mà không phải rơi vào bẫy vay nặng lãi. Thế nhưng, ở xã biên giới Tân Đông (huyện Tân Châu, Tây Ninh), bà con Khmer lại lắc đầu, chê vốn.

Được vay vốn lãi suất ưu đãi luôn là nhu cầu lớn thậm chí là ước mơ của người nghèo, để làm ăn mà không phải rơi vào bẫy vay nặng lãi. Thế nhưng, ở xã biên giới Tân Đông (huyện Tân Châu, Tây Ninh), bà con Khmer lại lắc đầu, chê vốn.

Vay ăn hết, lấy gì trả nợ?

Ba ấp Kà Ốt, Suối Dầm và Tầm Phô của xã Tân Đông có đông người dân tộc Khmer sinh sống. Bà con người Khmer ở đây được thụ hưởng khá nhiều chương trình cho vay vốn lãi suất thấp như: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở…

Các dòng vốn thông qua Hội nông dân xã, Hội phụ nữ xã, Đoàn thanh niên, sẽ đến tay các hộ gia đình có nhu cầu. Trong đó, Hội nông dân có vốn mạnh nhất do đông hội viên.

Ông Chầm Rơn, trưởng ấp Tầm Phô cho biết, cán bộ các hội đoàn thể đã đến từng nhà giải thích quyền lợi vay vốn cho bà con, thậm chí phát thông báo trên loa phát thanh ngày 2, 3 lần, nhưng nhiều người nghèo vẫn “chê”, dù lãi suất các chương trình cho vay chỉ từ 0,65% đến 0,9%/tháng.

Nhà bà Tuốt Dếch thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 4 công đất làm lúa. Thu hoạch lúa mỗi năm may ra đủ gạo ăn. Vợ chồng bà và con trai vẫn đi làm mướn. Căn nhà vách nứa của bà rách tơi tả. Nhưng bà kiên quyết không vay vốn vì: “Nhà tui thuộc diện hộ nghèo, sẽ được xây nhà đại đoàn kết, nên tui không vay vốn làm nhà. Còn vay vốn làm ăn, lỡ ăn hết, lấy gì trả nợ?”.


Bà Tuốt Dếch kiên quyết không vay vốn

Anh Danh Vuông, có thể xem là “đại gia” ở đây, có trong tay 6 mẫu đất trồng mì và cao su non. Nhưng “đại gia” Danh Vuông cũng sợ vay vốn làm ăn. Tới kì mua phân bón cho rẫy, anh kẹt tiền và xoay xở bằng cách “đi mót mì mấy ngày kiếm tiền mua phân chớ không vay vốn”.

Anh từng vay 30 triệu của ngân hàng chính sách để nuôi trâu, nhưng do vụng tính nên đến kỳ tới hạn, anh phải bán hết đàn trâu trả nợ, may mà huề vốn, xem như mất tiền công. Sau lần đó, anh sợ vay vốn. Anh nói: “Làm rẫy lúc thất lúc trúng nhưng vẫn có cơm có cháo ăn, mượn tiền phải tính toán mệt cái đầu lắm mà có khi mang nợ”.


Anh Danh Vuông: “Đi mót mì lấy tiền mua phân chứ không vay vốn”

Ở ấp Tầm Phô, từng có một gia đình vay vốn thế chấp để kinh doanh, nhưng kinh doanh thất bại, nhà bị phát mãi, nhiều người xem đó là “bài học” và lắc đầu quầy quậy khi nói tới vay vốn.

“Cán bộ tính sao có lời, tui mới vay”

Trong vốn năm 2013, Ngân hàng Chính sách huyện Tân Châu phân bổ cho 3 ấp Tầm Phô, Kà Ốt, Suối Dầm 500 triệu cho người dân tộc Khmer vay vốn. Cán bộ các hội, đoàn thể đã tiếp cận các gia đình để vận động, nhưng đến nay, mới chỉ giải ngân được hơn một nửa.

Ông Ngô Khắc Lợi, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Đông cho biết, năm 2007, khi chương trình vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường được triển khai, ông đi vận động bà con rất kiên trì, nhưng chỉ có hơn chục hộ chịu vay vốn.


Chi hội nông dân ấp Tầm Phô họp với các hộ nghèo

“Bà con Khmer ở đây quen tắm suông rồi, họ không chịu vay vốn làm nhà vệ sinh, sợ tốn kém” - ông Lợi nói. Sau gần 7 năm kiên trì bám địa bàn để vận động, đến nay cũng mới có 200/600 hộ chịu vay vốn, nhưng với ông Lợi, đó đã là thành công lớn.

Đến chương trình vay vốn sản xuất, vay vốn giải quyết việc làm, nhiều hộ lại lắc đầu. Hội nông dân xã đã vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, bỏ vườn tạp, trồng mì, trồng cao su. Nhờ chuyển sang chuyên canh mì và cao su, đời sống nhiều người dân đã khá lên trông thấy. Nhưng khi cần vốn để mua phân bón, đầu tư tái sản xuất, họ lại… bó tay.

Anh Sà Rút An, đã từng “bó tay” khi có rẫy mà không có tiền đầu tư. Ông Lợi khuyên anh mượn 30 triệu mua cây giống, mua phân bón đầu tư trồng cao su, lãi suất chỉ 0,9%/tháng, trả chậm trong 5 năm. Thuyết phục mãi, anh Sà Rút An “làm liều” vay vốn làm theo.

Kết quả, rẫy cao su cho thu nhập khá, anh Rút An trả được nợ đúng hạn. Nay gia đình anh tạm gọi có của để dành. Từ đó, đã có một số gia đình trẻ mạnh dạn vay vốn nuôi trâu, làm rẫy nhưng vẫn ra kèo: “Cán bộ hội phải tính giùm, tính sao có lời tui mới dám vay, có gì cán bộ phải chịu đó”.


Đã có một số hộ “dám” vay tiền nuôi trâu

Trước đây, người dân Khmer ở xã biên giới Tân Đông rất nghèo, chỉ làm lúa có 1 vụ, tâm lý chắc ăn, an phận đã bám rễ trong suy nghĩ của nhiều người, dù nay đã có một số hộ sản xuất giỏi, vươn lên khấm khá.

Có nhiều hộ sau vụ mùa trúng đậm, hỏi cán bộ Hội nông dân nên làm gì với số tiền chục triệu, trăm triệu trong tay. Ông Lợi khuyên gửi ngân hàng để lấy lãi, đến khi cần mua phân bón, thuê người làm thì rút ra. “Bà con suy nghĩ tới lui, rồi cuối cùng lấy tiền đi mua đất cho chắc ăn. Họ cầm tiền thì sợ xài hết, gửi ngân hàng cũng thấy… chưa chắc lắm” - ông Lợi kể.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất