| Hotline: 0983.970.780

Người nghèo vẫn khó tiếp cận dịch vụ y tế

Thứ Năm 09/12/2010 , 10:46 (GMT+7)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới tại VN, tỉ lệ hộ gia đình tại VN phải chi cho y tế tới mức “thảm họa” (vượt quá 40% thu nhập của hộ gia đình dành cho các khoản chi tiêu khác) chiếm khoảng 6% số hộ, tương đương gần 1,2 triệu hộ.

Ngày 8/12, Hội nghị khoa học kinh tế y tế lần thứ nhất đã khép lại sau hai ngày diễn ra tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều thành viên tham dự vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng liên quan giữa người nghèo và dịch vụ khám chữa bệnh.

Tăng giá viện phí nhưng khó hạn chế được tình trạng nằm ghép chung giường điều trị.

Nghèo “bao” giàu

Sau rất nhiều năm gắn bó với ngành y tế, lúc này ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận rằng, xã hội đang tồn tại nghịch lý: người nghèo bị mắc bệnh nhiều nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế lại thấp hơn đối tượng khác (khoảng 40% người nghèo ốm nhưng không được điều trị bệnh chỉ vì không có tiền). Cũng vì không có tiền, người nghèo đi khám bệnh 2,9 lượt/năm, trong khi người có điều kiện là 4,7 lượt/năm; 40% người giàu sử dụng dịch vụ ngoại trú tại tuyến tỉnh nhưng nghèo chỉ khoảng 12%.

Thống kê của BHXH VN cho thấy, tính đến hết tháng 6/2010, cả nước có khoảng 53 triệu người tham gia BHYT, chiếm trên 60% dân số, trong đó số người nghèo là 14,96 triệu, trẻ em dưới 6 tuổi là hơn 8,1%, xấp xỉ 10 triệu người là HSSV và số tự nguyện tham gia BHYT là 3,7 triệu người.

Khi nghiên cứu về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, các chuyên gia cũng bất bình hơn khi thấy cũng là một bệnh tiêu chảy nhưng 85% bệnh nhân giàu được bác sĩ khám chữa bệnh, trong khi nghèo chỉ ngoài 20%! Cũng theo ông Kính, khả năng tiếp cận chính sách y tế của người nghèo sống tại miền núi càng “thảm” hơn khi gặp rào cản vì các quy trình, thủ tục cấp phát thẻ BHYT, giấy tờ thiếu ảnh, không được hướng dẫn cụ thể khi chuyển tuyến nên không thanh quyết toán được… Quá trình điều tra, ông còn phát hiện cũng vì rào cản trên mà có hiện tượng “bao cấp ngược”, tức là người nghèo ở miền núi hỗ trợ kinh phí KCB cho người nghèo và người giàu ở miền xuôi.

Cũng liên quan đến người nghèo, TS Trương Tấn Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa băn khoăn khi số tiền do nhà nước cấp 24.500 đồng/lần khám ở BV tuyến xã, 37.000 đồng/lần khám ở BV huyện không phải là rào cản của người nghèo tiếp cận với dịch vụ y tế mà chính là chi phí đi lại, ăn uống, mất ngày công lao động… Để nâng cao chất lượng KCB cho người nghèo, ông Minh kiến nghị nên nhanh chóng bỏ hẳn 5% chi phí BHYT cùng chi trả dành cho người nghèo; tăng mức đóng BHYT cho người có thu nhập ổn định hay thu nhập khá để giảm bớt gánh nặng cho Quỹ BHYT bớt khó khăn. Ngoài ra cần tạo Quỹ dự phòng để điều trị cho những người gặp khó khăn đột xuất, khi bị hoạn nạn, thiên tai, mất mùa, hạn hán… Đây chính là đối tượng dễ bị tổn hại sức khỏe nhiều nhất.

80% DN “trốn” đóng BHYT

Trong rất nhiều cuộc hội thảo, ThS. Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Y tế ít khi phát biểu. Tuy nhiên, tại Hội thảo này, bài phát biểu của ông Dũng đã khiến cho ngành y tế lo ngại khi đưa ra nhiều lời cảnh báo “nóng”. Đó là chỉ khoảng 50% đối tượng thuộc khu vực DN tham gia BHYT, các DN ngoài quốc doanh chỉ đạt 30%. Đại diện cho Bộ Y tế bức xúc hơn khi đọc báo cáo kết luận thanh tra 7 tỉnh của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong 3 năm (2005-2008), chỉ có xấp xỉ 20% DN tham gia BHYT, 80% DN còn lại “trốn” đóng. Hay khi rà soát 42 ngàn DN tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng Nai có tới 2.000 DN chưa tham gia BHYT, BHXH.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phương, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại VN, tỉ lệ hộ gia đình tại VN phải chi cho y tế tới mức “thảm họa” (vượt quá 40% thu nhập của hộ gia đình dành cho các khoản chi tiêu khác) chiếm khoảng 6% số hộ, tương đương gần 1,2 triệu hộ.

Vậy, các DN đã lách luật không đóng BHYT bằng cách nào? Ông Dũng cho biết, DN đã áp dụng rất nhiều cách lách như khai báo số lao động thấp hơn thực tế; ghi số tiền lương thấp hơn thu nhập thực tế hoặc ghi tiền thưởng thực vào các khoản khác. DN nợ BHYT kéo dài hay chiếm dụng số tiền mà người lao động đã đóng hai khoản BHYT, BHXH cũng chiếm số rất đông.

Đại diện ngành y tế cũng khiến nhiều thành viên có mặt tại Hội thảo “bất bình” bởi ngay chính ngành mình đang làm việc khi kiểm tra nhiều bệnh viện cho thấy, cứ có bệnh nhân bị tai nạn là chỉ định chụp CT scanner sọ não ngay mà không cần căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng. Đây là mức phí khá lớn (chiếm gần 50% tổng số tiền thanh toán BHYT), cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Quỹ KCB thâm hụt.

Cũng tại đây, nhiều ý kiến lại phản ứng cách “đổi mới” viện phí của ngành y tế. Cụ thể: tháng 7/2010, Bộ Y tế đã hứa công khai dự thảo viện phí mới để lấy ý kiến người dân, nhưng 5 tháng sau vẫn chưa được thực hiện lời hứa này. Hay như Dự thảo tăng viện phí gần nhất với 12%/tổng số dịch vụ của ngành y tế tăng giá, có dịch vụ tăng giá... 70 lần.

Giải đáp cho những bất cập trên, người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng đã đến lúc phải xác định việc đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Ông cũng thừa nhận, người dân đã chịu đựng hết khả năng của họ về chất lượng dịch vụ y tế và cũng chấp nhận giá viện phí mới để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, họ cũng đòi hỏi ngành y tế phải thực hiện đúng những gì đã “hứa”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.