| Hotline: 0983.970.780

Người 'nhặt' được cả ngôi nhà rồi trả lại

Thứ Hai 15/05/2017 , 14:45 (GMT+7)

6 lần trả lại tiền nhặt được mà lần lớn nhất ngang với giá trị của một ngôi nhà, bà lão bán hàng tạp hóa chấp nhận sống trong ngôi nhà cũ kỹ dột nát, ăn cơm dưa cà nhưng lòng mình thanh thản…

Hành trình nhặt của rơi

Bà nhớ lắm lời cha thường dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm. Tất cả từ đôi tay mình làm ra. Cái gì mồ hôi nước mắt của mình hãy hưởng, không tham lam tài sản của người khác các con à!”.

16-55-52_dsc_8104
Bà Mên đang bán hàng tạp hóa

Cả đời cụ thực hiện đến cùng lời dạy ấy. Là Chủ nhiệm HTX đầu tiên của thôn, cái thời mà Chủ nhiệm có thể “thét ra lửa”, cái thời mà phổ biến câu: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe” nhưng đàn con 8 người của cụ vẫn sáng lót dạ bằng một củ khoai nước, trưa, tối ăn cơm độn nửa khoai, nửa muống, vẫn ngủ ổ rơm như thường.

Cụ liêm khiết đến độ xe đạp cũng không có, mỗi dịp đi họp huyện hay tỉnh, bao giờ cũng bọc một bát gạo vào khăn mùi xoa để đến đâu thì nhờ nấu nướng. Suốt đời cụ nghèo khó cho đến khi đàn con tự lập được thì lại mất.

Bà lớn khôn, lập gia đình cùng một thợ cày rồi đẻ 3 người con, cấy 7 sào ruộng, nuôi mấy con lợn, lần hồi dựng được một căn nhà cấp bốn. Đến khi về già, không còn sức lực nữa họ mới chịu thôi cày cấy, mở một tiệm tạp hóa trong con ngõ sâu tít tắp trong làng vừa để bán hàng vừa để trông đàn cháu nội lít nhít trứng gà, trứng vịt.

Hành trình 6 lần nhặt được của rơi và trả người đánh mất của bà như sau: Lần thứ nhất, tối ngày 30/4 năm 2008, ra nhà con trai ở chợ Trương Xá chơi bà thấy một cái ví lớn rơi trên đường, mở ra thấy mấy tập đô la lại toàn là tiền chẵn. Vì cả đời bà chẳng biết đồng tiền ngoại quốc là gì nên liền vào hỏi người con dâu: “Con ơi, xem đô thật hay đô âm phủ hộ mẹ”. Đứa con dâu xem xét một hồi rồi bảo: “Đô thật mẹ ạ”.

Tìm trong ví thấy một cái card visit có in chữ Hoàng Nguyên và điện thoại, bà liền liên lạc. Đó là một người buôn than xuyên Bắc Nam nên rất giàu, thường đi giao dịch làm ăn nên hay mang theo nhiều tiền. Anh Nguyên sững sờ khi nhận lại số tiền đánh mất trị giá đến vài trăm triệu. Số tiền đủ để cho bà xây một căn nhà to đẹp, thoát khỏi cảnh sống chật chội, dột nát trong căn nhà cấp bốn thế nhưng khi anh nài nỉ tặng lại một phần bà đã nhất định chối từ.

Bà Mên bảo: “Tập đô la nhặt được dày cỡ thế này”

Lần thứ hai, vào ngày 27 tết năm 2009, bà nhặt được một cái ví, mở ra thấy khoảng 10 triệu đồng nhưng lại không có giấy tờ hay số điện thoại nào để liên lạc. Suốt cả buổi bà cứ đứng ở cổng ngong ngóng xem có ai đi tìm của mất hay không. Cuối cùng thấy chị Hồng ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) cứ tha thẩn tìm kiếm hai bên đường, bà liền hỏi. Chị bảo tìm ví.

Bà hỏi tiếp, trong ví có bao nhiêu tiền, gồm những loại gì? Khi trả lời khớp hết bà liền trả lại khiến cho chị ríu lên vì xúc động: “Cháu mang tiền đi sắm đồ cưới cho con với lại sắm sanh tết nhất. Nếu mất thì chồng cháu đánh chết. May mà còn có người tốt như bà!”.

Lần thứ ba, quãng tháng 8 năm 2010, một cô tên là Rôm vừa bán xong xe mía ở chợ Trương Xá, tất tật được hơn 500.000đ, cất trong cái túi vải rút, giắt cạp quần vào tiệm của bà mua hàng rồi sơ ý đánh rơi. Dù không có bất kỳ giấy tờ gì nhưng bà vẫn biết cách tìm ra khổ chủ để mà trả lại.

Lần thứ tư, quãng giữa năm 2012, một anh tên Tân ở phố Hiến, thành phố Hưng Yên đi bán mũ từ chợ Hải Dương, chợ Sặt về đến chợ Trương thì đánh rơi cái túi, trong đó có hơn 7 triệu đồng. Bà tìm thấy số điện thoại in trên card visit liền gọi để trả lại.

Lần thứ năm, sáng 27 tết năm 2015 trời mưa lượt sượt, bà ra ngoài thì nhặt được một cái túi vải cũ kỹ, bùn đất bám đầy, trong đó có hơn 1 triệu đồng nhưng không có giấy tờ gì. Bà thở than với chồng: “Cái túi này của ai nghèo khổ lắm đây”. Chồng bà gật gù: “Biết của ai mà trả lại bây giờ?”.

Suốt từ sáng đến chiều không thấy ai hỏi, bà liền đem cái túi ra công an xã nộp. Cuối cùng mới hay người mất là chị Nguyễn Thị Tư - một người trong làng nhưng lấy chồng ở xã Ngũ Lão. Vốn không được “thật người” cho lắm, quanh năm chị phải đi vét bùn thuê. Giáp tết, dù trời rét căm căm nhưng chị vẫn phải dầm mình trong nước lạnh để mà làm.

16-55-52_dsc_8105
6 lần trả lại tiền nhặt được mà lần lớn nhất ngang với giá trị của một ngôi nhà, bà Mên chấp nhận sống trong ngôi nhà cũ kỹ

Tiền công vét bùn cộng tiền chồng cho thêm được tổng cộng hơn 1 triệu, khấp khởi đi sắm sanh ít quần áo mới thì tự dưng bị mất khiến cho chị khóc sưng cả mắt mấy đêm ròng. Đến khi nghe công an loan tin về cái túi vô chủ, mừng như người chết đuối vớ được cọc, chị quấn lấy bà mà kể lể, cả hai đều rơm rớm nước mắt.

Vết bùn in trên cái túi đánh rơi cứ ám ảnh bà mãi về hoàn cảnh của người phụ nữ bất hạnh. Bà bảo: “Nếu tôi mà tiêu một đồng trong cái túi mồ hôi nước mắt ấy thì sẽ áy náy suốt đời, chết cũng không nhắm được mắt”.

Lần thứ 6, vào ngày rằm tháng 7 năm 2016, trong một buổi đi tập thể dục ngoài ngã ba bà trông thấy một túi nilon bên trong nổi hằn lên mấy tờ 500.000đ, mở ra đếm được 7 triệu 528.000đ. Sau khi đi rao khắp cả xóm xem có ai rơi không ra mà nhận không thành công bà lại mang vào công an xã nộp khiến cho họ cũng phải xuýt xoa: “Sao mà bà hay bắt được tiền thế?”.

Cuối chiều có chị Mai ở xã Ngũ Lão biết tin, tất tả tìm đến: “Đó là tiền bán gà của cháu. Bà không tham chứ gặp phải người khác thì nhà cháu kiếm mấy tháng cũng không ra nổi số tiền này”. Kiểm tra một hồi thấy chị trả lời đúng hết bà mới bảo ra xã mà lấy.
 

Ngủ ngon sau mỗi lần trả lại

Mỗi lần nhặt được tiền và trả lại thành công bà thấy thanh thản nên buổi tối ngủ rất ngon. Mấy đứa đứa cháu nội xúm vào hỏi: “Bà ơi, sao bà bắt được nhiều tiền thế mà không giữ lại?”. Bà nhỏ nhẻ bảo với chúng rằng: “Ai mất tiền cũng xót, cũng tiếc. Lấy của người ta là mình gánh tội, ốm thêm còn trả lại người ta thì mình thanh thản, khỏe ra. Thế các cháu muốn khỏe mạnh hay muốn ốm?”. Lũ cháu đồng thanh: “Chúng cháu muốn khỏe ạ”. Bà cháu cùng cười.

Bà Mên nuôi lợn đất giúp người nghèo

Quầy tạp hóa tí xíu nên mỗi ngày lãi lờ vỏn vẹn 20.000-30.000đ đủ để cho vợ chồng bà ăn uống đạm bạc qua ngày. Rau trồng trong vườn, trứng gà nhà đẻ, có đi chợ cũng chỉ vài quả cà, bìa đậu phụ góp thêm. Dù thu nhập của hai không mấy khi quá 1 triệu/tháng nhưng ông bà nhất định không chịu trong danh sách hộ nghèo bởi: “Vẫn còn nhiều người nghèo khổ, bất hạnh hơn mình, nhận làm gì cho thêm xấu hổ?”.

Trong căn nhà cũ kỹ, không có gì ngoài cái xe cúp 81 cũ kỹ, cái tivi màn hình cong, cái đài Trung Quốc. Bà bảo tài sản lớn nhất của mình không nằm ở đó mà là ba đứa con trai và đàn cháu chăm ngoan lúc nào cũng thấm nhuần tư tưởng không tham lam những thứ không thuộc về mình...

Vất vả với con cháu nhưng bà vẫn không quên tham gia hội thiện nguyện, hội chữ thập đỏ của thôn và nuôi thêm lợn đất để cuối năm “mổ ra” giúp thêm những người hoạn nạn. Đó cũng là lẽ sống của chồng bà. Ông thường xuyên tình nguyện đi viện gần, viện xa để chăm sóc cho những bệnh nhân thiếu người nương tựa. Như hôm tôi đến, chỉ có mỗi bà ở nhà bởi chồng đang đi giúp một người mắc ung thư. Bà là Nguyễn Thị Mên, người thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng (huyện Kim Động, Hưng Yên). 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất