| Hotline: 0983.970.780

Người nông dân nghèo& cỗ xe chó kéo

Thứ Sáu 24/06/2011 , 13:36 (GMT+7)

Về đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, hỏi tới bà Châu Thị Mỹ, gần như ai cũng biết, vì cỗ xe chó kéo do bà tự chế...

Bà Châu Thị Mỹ chỉ là một phụ nữ già nghèo khó. Nhưng về đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, hỏi tới bà, gần như ai cũng biết, vì cỗ xe chó kéo do bà tự chế từ nhiều năm nay đã trở thành “đặc sản” ở đây.

1. Những ngày này đang là những ngày buồn của bà Mỹ. Đã nghèo khó mà lại bị sỏi túi mật, phải xuống TP HCM nằm viện tới hơn tháng trời, tốn không ít tiền. Giờ bà đã về nhà, nhưng vẫn còn mệt mỏi trong người, ngày ngày mấy bận thuốc thang, đành phải nương nhờ con cái, chưa thể tung tẩy tự mình bươn chải kiếm sống như trước.

Nhưng buồn hơn cả là việc con chó Bích vừa bị mất trộm cách đây hơn tháng trời. Nhắc đến chuyện đó, đôi mắt già nua sau lớp kính lão của bà lại rơm rớm nước. Bà nghẹn ngào: “Tôi bệnh, con gái kêu về thị xã ở cùng để tiện chăm sóc. Tôi đạp xe về, còn con Bích kéo xe chạy theo. Cái xe chất đầy đồ, đoạn đường từ Phước Vinh về tới thị xã hơn 20 cây số, vậy mà mình nó cứ kéo chạy băng băng. Lên đây được 2 ngày thì chẳng thấy nó đâu nữa. Chắc bị người ta bắt mất rồi. Không còn chó để kéo xe nữa rồi, chú ơi!".

Vậy là toàn bộ những con chó kéo xe chủ lực nhất của bà Mỹ đã không còn. Trước con Bích, 3 con chó cũng mang những cái lên dựa theo cỗ bài Tây là Cơ, Rô và Chuồn, rồi các con chó trong cặp tên Xe, Pháo và Ngựa, cùng một số con chó khác, đã lần lượt bị mất. Con thì khi bơi qua sông, ngang qua cái ghe nọ, bị mấy gã đàn ông nọ đập chết để làm mồi nhậu. Con khác bị đám trộm chó giật dây bắt đi. Hay con chó nọ, ban đêm bà Mỹ quên buộc dây lại, nó lang thang ra ngoài rồi chẳng thấy về nữa ...

Mỗi lần bị mất một con chó, bà Mỹ lại thấy đau xé lòng như vừa mất đi một người thân vậy.

2. Bà Mỹ vốn gốc ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Gần như cả cuộc đời bà gắn liền với chữ nghèo.

Sau năm 1975, toàn bộ ruộng đất của các hộ dân ở xã Thanh Điền được vận động đưa vào tập đoàn. Tuy nhiên, cung cách làm ăn tập thể hồi ấy lại khiến cho đời sống nông dân ở Thanh Điền sa sút hơn hẳn so với trước đó. Chịu không nổi cái đói, bà Mỹ dắt díu đàn con, rời bỏ quê hương, lên Phước Vinh làm thuê, làm mướn, mót lúa, mót khoai...

Dần dà, những đứa con của bà lớn lên, lần lượt lập gia đình riêng. Con cái ai cũng thương mẹ, cũng muốn mẹ nghỉ ngơi vì đã tuổi cao, sức yếu. Nhưng thấy con nào cũng nghèo, cũng cực, nên bà không đành để con cái phải vướng bận tới mình. “Mấy chục năm lặn lội nuôi cả bầy con còn được, giờ tự nuôi mình không nổi hay sao?”, nghĩ vậy, bà Mỹ kiên quyết đi thuê nhà ở riêng, tự làm lụng, nuôi cái thân già.

Không có một cục đất chọi chim, không có tiền để buôn bán nhỏ, lại chẳng còn sức khoẻ đi làm thuê, làm mướn, bà Mỹ kiếm sống bằng cách đi mót lúa, mót khoai, mì, trái cây... Mấy chục năm bươn chải, lặn lội nuôi cả gia đình, sức khoẻ của bà Mỹ nhanh chóng suy giảm thấy rõ, nhất là từ khi bà bước qua tuổi 60. Chẳng thể kêu con cái đi theo phụ giúp, quãng thời gian đầu đi ở riêng, thật là quá cực đối với bà, nhất là những khi cần phải mang những nông sản vừa mót được đi bán.

Một hôm nọ, khi xem ké truyền hình ở nhà hàng xóm, bà Mỹ thấy cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở vùng ven Bắc Cực xa xôi. Bà chợt nghĩ: “Thử dạy cho mấy con chó của mình kéo xe xem sao?”. Bà âm thầm đi xin ống nhựa, xin bánh xe đạp mini mà người ta bỏ đi, về hì hục, cưa đục, lắp ráp. Sau mấy ngày trời cỗ xe cũng hoàn thành. Lúc ấy, bà có 2 con chó nhỏ là Cơ và Rô. Bà buộc luôn cả 2 con vào xe, tập cho chúng cách kéo cỗ xe này.

Lúc đầu, cỗ xe vận hành không như ý muốn vì 2 con chó đều chưa quen với công việc quá mới mẻ này. Phải qua rất nhiều ngày kiên trì dạy dỗ, bà Mỹ mới tạo được một cỗ xe chó kéo ưng ý. Ngày đầu tiên bà Mỹ đạp xe đi mót lúa, kề bên là cỗ xe do hai con chó kéo chạy băng băng trên đường làng, trở thành một sự kiện lạ ở Phước Vinh.

“Chó của tôi là chó ta, nhỏ con thôi mà kéo khoẻ lắm. Có những lần, lúa, khoai chất lên xe tới 70, 80 ký mà chúng vẫn chạy băng băng. Tôi đạp xe đi theo mà không kịp”, bà Mỹ nhớ lại. Có lần, bà tới một đám ruộng đang thu hoạch, chờ khi họ cắt lúa xong sẽ xin xuống mót. Thấy cỗ xe chó kéo đi bên cạnh bà, chủ ruộng liền bảo :“Nếu 2 con chó này kéo nổi 4 giạ lúa (80 kg), tôi cho bà liền 4 giạ đó, khỏi cần phải mót chi cho cực".

Bà Mỹ chấp nhận lời thách đố đó và đã thắng cuộc trước sự ngạc nhiên, thú vị của ông chủ ruộng khi nhìn theo cỗ xe đầy lúa đang được mấy con chó của bà kéo đi một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, vì thương lũ chó, bà ít khi chất nặng lên xe, mà thường chỉ giới hạn từ 50 kg trở xuống.

Cũng nhờ cỗ xe chó kéo độc đáo mà các nông sản mót được của bà Mỹ, dù chẳng phải loại tốt, luôn nhanh chóng được người ta xúm lại mua hết. Không chỉ ở Phước Vinh, bà Mỹ còn đưa cỗ xe chó kéo cùng mình đi làm ăn xa hơn, tới Thanh Điền, Hậu Đước trong huyện Châu Thành, rồi lên thị xã Tây Ninh, lên huyện Tân Biên, tới tận cửa khẩu Xa Mát.

Không chỉ dạy cho chó kéo xe, bà Mỹ còn dạy cho chúng biết làm nhiều công việc khác, nhất là làm liên lạc mỗi khi bà ốm đau không đi lại được. Có lần, đang mót lúa bên ruộng, bà bỗng thấy đau bụng. Bà vội tháo con Cơ ra khỏi xe, lấy mảnh giấy viết lên đó, buộc vô cổ nó rồi kêu nó về tìm con bà. Con Cơ nhận lệnh, vượt sông tìm đến đúng nhà con bà Mỹ. Nhờ đó, các con bà đã mua thuốc, đưa qua sông cho bà uống kịp thời.

3. “Tôi sống được là nhờ mấy con chó”, khi trò chuyện về lũ chó kéo xe của mình, bà Mỹ cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy. Vậy mà lòng tham, sự bất nhẫn của những tên bợm nhậu, bọn trộm chó cứ lấy đi dần những con chó tình nghĩa của bà. Mỗi con chó mất đi, lại lấy của bà không ít nước mắt.

“Hết bệnh là tôi sẽ đi mót lúa, mót khoai, tự kiếm ăn. Chỉ dám nhờ con cái lúc ốm đau thôi”, bà Mỹ quả quyết. Bà mới xin được 2 con chó, đặt tên là Bòn (anh) và Ôn (em). Nhưng 2 con này đã hơi lớn nên bà sợ khó huấn luyện. Ước mơ nhỏ nhoi của bà già nghèo nhưng đầy nghị lực này là xin được thêm mấy con chó nhỏ để huấn luyện cho chúng kéo xe và không còn bị ai đó bắt trộm những con chó tình nghĩa của mình nữa.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm