| Hotline: 0983.970.780

Người nông dân số 1 Lâm Hà

Thứ Hai 10/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Nói về anh, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định thế. Với 32 ha trang trại trồng cà phê xen mắc ca, bơ Mỹ và một trại heo rừng, anh thu mỗi năm ngót 20 tỷ đồng.

Cà phê của anh luôn trĩu quả, năng suất từ 4,5 đến 6 tấn/ha

Nói về anh, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định thế. Với 32 ha trang trại trồng cà phê xen mắc ca, bơ Mỹ và một trại heo rừng, anh thu mỗi năm ngót 20 tỷ đồng.

>> Đào Nhật Tân trên vùng đất Bazan

Đó là trang trại của anh Trần Văn Ngọ, ở thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà. Thời trai trẻ, chàng thanh niên gốc Hà Nội này từng nổi tiếng ngỗ ngược, quậy phá. Vì thế anh mới có biệt danh là Ngọ “sẹo”.

TÔI LÀ NGƯỜI CẦN CÙ

Trang trại 32 ha của anh Ngọ trải dài từ đỉnh xuống đến chân một ngọn đồi thấp. Con đường đất đỏ bazan dẻo quánh dài gần cây số từ cánh cổng ghi dòng chữ “Trang trại Năm Ngọ” xuống đến chân đồi. Hai bên đường, những lô cà phê trĩu quả xen bơ Mỹ cũng lúc lỉu trái. Căn nhà nhỏ của Năm Ngọ nằm giữa vườn cà phê, sát bên một hồ nước trong vắt. Một chiếc xe hơi đời mới hiệu Toyota đang im lìm đậu trước sân. Khung cảnh khá lãng mạn, yên bình.

Nghe mọi người kể, Năm Ngọ từng một thời “phá làng, phá xóm” nên tôi không kìm được sự tò mò. Nghe tôi hỏi: “Từ đâu mà anh có biệt danh Ngọ “sẹo” thế?”. Anh cười bẽn lẽn (chẳng giống một người đàn ông dạn dày sương gió, làm kinh tế siêu giỏi tý nào): “Tôi quê gốc ở Vân Hà, Phúc Thọ, Hà Nội, là con một, bố liệt sĩ. Hồi đó học xong cấp 3, tôi được tiêu chuẩn đi Liên Xô (cũ) 7 năm, nhưng trớ trêu là ngay lúc đó tôi bị áp xe gan, phải cắt bỏ gần một nửa. Không đủ sức khỏe nên không đi được nữa. Thế là xách ba lô vào Nam lập nghiệp. Ban đầu ở Sông Bé, đến năm 1985 mới lên Lâm Hà. Nói vui là giang hồ chứ chẳng qua lúc đó còn trẻ, hiếu thắng, tính cũng hơi bướng, việc làm thì không ổn định nên hay tụ tập bạn bè “quậy” tý”.

Sau mấy năm làm đủ thứ việc kiếm cơm, năm 1990, Năm Ngọ lấy vợ, cũng từ đây, chàng trai nghịch ngợm ngày nào bắt đầu đổi tính đổi nết: “Lúc lấy nhau, vợ chồng tôi chỉ có 2 bàn tay trắng. Nhưng tôi nghĩ, chơi được thì phải làm được. Bây giờ lấy vợ rồi, mai kia có con, không làm thì lấy gì nuôi họ? Nghĩ thế nên tôi gom góp chút tiền mở quán cơm, sau thấy người ta bán dê sống rất rẻ nên mua mấy con về làm thịt bán dần, làm thịt không kịp, nó đẻ, tôi để nuôi luôn. Sau đó, dê có giá, tôi bán 6-7 triệu đồng/con. Bán được dê tôi gom tiền đầu tư thêm đàn bò".

"Lúc đó tôi làm say lắm, năm 2000, vợ chồng tôi có lưng vốn, biết nghề nấu ăn nên mở nhà hàng, làm thêm dịch vụ tiệc cưới, từ cho thuê rạp, âm thanh đến nấu ăn. Hồi đó, dịch vụ nấu tiệc của vợ chồng tôi nổi tiếng ở vùng này đấy. Thời điểm năm 2002 mà có tháng kiếm 2-3 trăm triệu từ dịch vụ nấu ăn! Nhưng cái nghề “làm dâu trăm họ” ấy vất vả quá nên tôi không làm nữa, đổ hết tiền vào mua mấy ha đất trồng cà phê, chanh dây. Cứ như thế, hơn chục năm trời làm cật lực, được bao nhiêu tiền lại đổ hết vào mua đất, mở rộng diện tích”, anh Ngọ kể.

Nhưng, điều khiến nhiều nông dân khác phải phục anh Ngọ là biết tính toán, năng động. Những năm đó, chanh dây là một loại cây mang lại lợi nhuận khá cao, nhưng chưa có nhiều người trồng, nghĩ thế nên anh dành ra 5 ha trồng loại cây này. Và, sự tính toán của anh đã không sai. “Hồi ấy mỗi vụ tôi thu hoạch trên trăm tấn chanh dây, bán 11 ngàn đồng/kg, thu về hơn 1 tỷ”, anh Ngọ nói. Sau khi có tiền từ chanh dây, anh lại đầu tư cho cà phê.

VÀ THỨC THỜI

Hiện nay, trang trại của anh Ngọ không chỉ có cà phê, cho năng suất từ 4,5 đến 6 tấn/ha, anh còn đầu tư trồng 5.000 cây mắc ca, 10 ngàn cây bơ Mỹ. Nói về cây mắc ca, anh Ngọ tỏ ra rất rành. Theo anh, mặc dù đây là loại cây nông nghiệp cao cấp, nhưng không phải dễ “ăn”, vì mắc ca có đến 18 loại giống khác nhau, nhiều giống không ra trái trong khi giá một cây giống hiện nay đến 80 ngàn đồng. Nếu người trồng không tìm hiểu kỹ, rất có thể bị đánh lừa.

 “Vì sao anh rành về cây mắc ca vậy?", tôi hỏi. “Theo tôi biết thì mắc ca rất có giá trị nên tôi tự tìm hiểu qua sách báo, qua mấy người bạn là kỹ sư, sau đó tôi đến các Viện nghiên cứu về cây trồng của Bộ NN-PTNT để hỏi mà”, anh Ngọ đáp.

Cách đây 3 năm, sau khi tìm hiểu, thấy cây mắc ca giống có giá đến 60 ngàn đồng, nếu mua 5.000 cây, phải bỏ ra 300 triệu, một số tiền không nhỏ. Nghĩ thế nên anh đến Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên mua 70 kg hạt (1 triệu đồng/kg, mỗi kg chỉ có 100 hạt) rồi mang về ươm. Sau đó, anh mua mầm cây (lấy từ cây đầu dòng, sai quả) và thuê kỹ sư về ghép. Tính ra, chi phí rẻ hơn nhiều lại chắc chắn sẽ cho quả. Và, điều quan trọng nữa là trong quá trình kỹ sư ghép cây, anh đã học lỏm được kỹ thuật. Sau đó anh mày mò tự làm và cuối cùng đã tự ghép được.

Theo anh Ngọ, mắc ca có giá 350 ngàn đồng/kg, một ha có thể trồng 400 cây, chỉ cần mỗi cây cho 200 ký trái, đã có 7 triệu đồng/cây. Như vậy 1 ha có thể thu 2,8 tỷ! Cây nào lợi bằng? Trong khi trồng cây mắc ca như trồng cây rừng, không phải đầu tư, không tốn công chăm sóc lắm. Tuy nhiên, anh Ngọ nói: “Trồng cây mắc ca quan trọng nhất là khâu chọn giống. Nếu anh chọn đúng giống để trồng, thì cũng phải đến năm thứ 8 cây mới ra trái, nhưng nếu chọn không đúng thì sẽ mất trắng. Cho nên, cây mắc ca không phải ai cũng trồng được đâu”, anh Ngọ cảnh báo.

“Năm Ngọ là một trong những nông dân không chỉ cần cù chịu khó, mà còn rất năng động, sáng tạo, biết tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ngoài ra anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho rất nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Có thể nói, “hắn” là số một ở Lâm Hà này đấy”, ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nói.

Giống như trồng mắc ca, cây bơ cũng được anh Ngọ áp dụng cách mua hạt giống về ươm, sau đó ghép mầm. Đến nay, trang trại của anh đã có gần 10 ngàn cây bơ từ 3 đến 5 tuổi. Bơ Mỹ ra trái vụ, thường thu hoạch vào dịp tết, bên cạnh đó, giá trị dinh dưỡng cũng cao hơn hẳn các loại bơ khác, có thể để đến 20 ngày chưa bị hư. Chính vì thế, 1 ký bơ Mỹ có giá cao gấp 10 lần bơ thường (tức khoảng 50 ngàn đồng/kg).

“Trung bình sau 5 năm cây ra trái, nhưng đến lúc trưởng thành, mỗi cây bơ có thể cho từ 1 đến 3 tạ trái/vụ. Vài năm nữa, trang trại của tôi có thể thu vài ba chục tấn bơ/vụ. Hiện nay tôi đã bắt đầu thu hoạch. Dự kiến tết này sẽ thu vài tấn quả”, anh Ngọ nói.

Trang trại của Năm Ngọ đã từng được rất nhiều người trong và ngoài Lâm Hà đến tìm hiểu, học hỏi và được anh góp ý tận tình. “Không chỉ biết tính toán, còn phải biết học hỏi và đôi khi cũng phải có một chút máu liều nữa mới thành công được, tôi vẫn nói với họ như thế”, anh Ngọ tâm sự. Và, không ít người sau khi đến tham quan, học hỏi từ mô hình này, trở về họ đã thành công.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất