| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi gà bỏ nhà biệt xứ

Thứ Sáu 24/08/2012 , 09:46 (GMT+7)

Trong khi giá lợn, gà hơi chạm đáy hơn 4 tháng qua chưa có tín hiệu nào cho thấy sự hồi phục, người chăn nuôi trong nước lại tiếp tục đón nhận tai họa khi dịch bệnh đến gõ cửa.

Trong khi giá lợn, gà hơi chạm đáy hơn 4 tháng qua chưa có tín hiệu nào cho thấy sự hồi phục, người chăn nuôi trong nước lại tiếp tục đón nhận tai họa khi dịch bệnh đến gõ cửa.

Người nuôi gà bỏ nhà biệt xứ

Thôn Bãi Thảo, xã Bắc An, TX.Chí Linh là vùng nuôi gà thả vườn lớn nhất nhì tỉnh Hải Dương. Nhờ gà, những năm qua cuộc sống nơi đây thay da, đổi thịt. Nhưng cũng chính bởi con gà, rất nhiều hộ gia đình tại Bãi Thảo phải bỏ nhà biệt xứ làm thuê vì thua lỗ.

NHỮNG NGÔI NHÀ KHÔNG MÁI

Con đường nhỏ từ thị trấn Sao Đỏ, TX.Chí Linh vào thôn Bãi Thảo, xã Bắc An giờ không còn xe cộ chạy nườm nượp ra vào mua gà, bán cám như thời hoàng kim cách đây không lâu nên hoang vắng lạ thường. Một điều khiến chúng tôi thấy vô cùng làm lạ, hàng chục ngôi nhà tầng mới mọc lên tại Bãi Thảo hầu hết đều chưa được sơn và lợp mái. Đem thắc mắc này hỏi Trưởng thôn Bãi Thảo 1 Nguyễn Thị Xanh, chúng tôi mới hay biết tất cả đều từ con gà mà ra.

Cuối tháng 7, thôn Bãi Thảo xuất hiện loại dịch bệnh lạ, khiến gà chết hàng loạt, tuy không chết ngay một lúc cả đàn nhưng mỗi ngày cũng vài chục đến vài trăm con. Các hộ chăn nuôi ở đây đem gà ra tận Cục Thú y rồi Viện Thú y ngoài Hà Nội mổ để xác định bệnh, mua thuốc về chữa trị nhưng rốt cuộc vẫn chẳng ăn thua, gà vẫn chết đều đều.


Các hộ còn sót gà chưa bị dịch ở Bải Thão đang sống trong sợ hãi

Sợ mất cả chì lẫn chài, hàng trăm hộ dân ở Bãi Thảo bán chạy, bán tháo gà khi chưa đến tuổi xuất chuồng với giá rẻ như cho mong gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó. Bà Xanh lấy máy tính ra nhân và tổng kết, nhà nào lỗ ít chục triệu, nhiều lên tới hàng trăm triệu, riêng thôn Bãi Thảo 1 có trên 100 hộ, bình quân mỗi gia đình mất 50 triệu, tính ra dịch bệnh, giá cả đã cướp trắng của người chăn nuôi nơi đây trên 5 tỷ đồng. Bản thân nhà bà Xanh cũng phải cắn răng bán chạy 1.000 con gà mía với giá 35.000 đồng/kg, lỗ hơn 10 triệu đồng.

Còn nguyên nhân vì sao có những ngôi nhà không sơn và không mái, bà Xanh thật thà cho biết, năm ngoái khi giá lợn và gà lên đỉnh điểm, người dân Bãi Thảo nhiều hộ kiếm được tiền trăm (trăm triệu - PV) nên đua nhau xây nhà tầng. Tuy nhiên, chưa kịp hoàn thiện thì gặp lúc giá gà lao dốc không phanh, gà mía chỉ còn 40.000 đồng còn gà lai chọi 50.000 đồng/kg.

“Nuôi gà lâu năm có kinh nghiệm nên chúng tôi cứ đinh ninh giá gà chỉ xuống dăm bữa nửa tháng sẽ phục hồi nên vẫn tiếp tục vào đàn gối nhau từ 15 ngày đến 1 tháng. Nhưng không hiểu tại sao lần này giá gà xuống 4-5 tháng rồi mà không thấy nhúc nhích khiến các lứa gà lỗ chồng chất lên nhau. Chính vì thị trường nằm ngoài quy luật dự đoán cộng thêm dịch bệnh càn quét cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa rồi, 100% các hộ nuôi gà ở Bãi Thảo đều chết kỹ với 3 lứa gà gần đây. Hàng chục cặp vợ chồng đã phải đóng cửa nhà gửi con cho ông bà vào miền Nam làm thuê vì vỡ nợ do chăn nuôi gà”, bà Xanh ngậm ngùi.

Chúng tôi tìm gặp Trạm trưởng Trạm Thú y TX.Chí Linh Nguyễn Văn Luật tìm hiểu loại dịch bệnh gì khiến gà tại thôn Bãi Thảo và các vùng lân cận chết hàng nghìn con như vậy thì được ông cho biết đó là bệnh Newcastle (dịch tả gà) và tụ huyết trùng.

Ông Luật thú thật, đúng nguyên tắc thì bệnh Newcastle cũng phải công bố dịch vì chúng lây lan và làm chết gà nhanh không kém gì cúm gia cầm H5N1. Nhưng ông bảo làm thú y ở cơ sở rất khó, công bố dịch thì lại phải khoanh vùng, cấm vận chuyển mua bán nên cuối cùng chỉ khổ người chăn nuôi. Mặt khác, ngày nào ở TX.Chí Linh cũng có gia cầm chết vì loại bệnh này, nếu công bố thì có dịch quanh năm.

SỢ KHÔNG DÁM TÁI ĐÀN

Chúng tôi vào gia đình anh Trần Văn Phong, thôn Bãi Thảo 1 đúng lúc vợ chồng anh đang ngồi đăm chiêu trước căn nhà xây dở dang. Năm ngoái, chăn nuôi được giá vợ chồng anh Phong bán 4.000 con gà lai chọi lãi hơn trăm triệu đồng nên bấm bụng xây căn nhà mái bằng. Cùng lúc đó, vợ chồng anh Phong vào tiếp 3 đàn gà lai chọi, mỗi đàn 2.000 con với hy vọng có được thêm mấy chục triệu tiền lãi để sơn hoàn thiện ngôi nhà.

Nhưng người tính không lại với trời, 3 đàn gà của anh xuất bán đúng vào thời điểm giá gia cầm khủng hoảng. Lứa đầu bán vào tháng 5 với giá 65.000 đồng/kg, vợ chồng anh Phong vẫn lãi được chục triệu, đàn thứ 2 xuất bán vào tháng 6 giá 55.000 đồng/kg, hòa vốn, nhưng đến đàn thứ 3 giá chỉ còn 30.000 đồng/kg do các hộ gia đình xung quanh bị dịch chết như ngả rạ, anh Phong phải bán chạy đàn gà 2.000 con chưa đầy 1kg/con cho các trang trại chăn cá sấu, tính lại lỗ hơn 60 triệu đồng, vậy là nhà đành phải chờ sơn vì hết sạch tiền.

Dẫn tôi thăm khu đồi rộng gần chục ha đáng nhẽ giờ này năm ngoái gà kiếm ăn từng bầy thì nay hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Sau khi bị dịch, anh Phong vãi vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng vẫn lưỡng lự chưa dám tái đàn.


Anh Trần Văn Phong vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng chưa dám tái đàn

Anh chia sẻ, dù trong thâm tâm nghĩ hiện nay người chăn nuôi đều bỏ chuồng nên có thể dịp tết gà sẽ đắt nhưng đấy chỉ là dự đoán chứ không ai dám chắc. Mặt khác, dịp cuối năm là lúc dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất, mà một năm bị dịch tới 2 lần coi như sạt nghiệp. Chính vì vậy, anh vẫn cố gắng nhẫn nại nghe ngóng tình hình xem giá cả, dịch bệnh ra sao mới quyết định có “đánh bạc” với con gà nữa hay không.

Cách nhà anh Phong vài bước chân, gia đình chị Hầu Thị Chín như đang ngồi trên đống lửa. Tâm sự với chúng tôi, chị Chín mặt méo xệch than thở, hiện gia đình vẫn còn 2.000 con gà mía 2 tháng tuổi chưa bị dịch bệnh. Trước đó một tuần, vợ chồng chị lỗ ngót 100 triệu đồng khi 2 đàn gà bị dính dịch. Lô đầu bán được gần 30.000 đồng/kg, lô còn lại quá bé nên 2.000 con bán theo mớ thu về chưa đầy 5 triệu đồng.

+ "Nếu công bố thì có dịch quanh năm". Lời tâm sự của ông Trạm trưởng Thú y TX.Chí Linh cũng chính là thực trạng chung của chăn nuôi nước ta hiện nay.

+ Chuyện là, một chủ trang trại ở xã Bắc An (Chí Linh - Hải Dương) đánh cả một xe đầu dọc vào các hộ gia đình có gà chết vì dịch xin về cho cá ăn để rồi cuối cùng cả ao cá và đàn lợn của anh cũng chết sạch. Chúng tôi gọi điện hỏi ông Phạm Thế Thoại - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương có biết tình hình dịch bệnh ở Chí Linh không thì ông cho biết, tại cuộc họp giao ban vừa rồi, không thấy Trạm Thú y Chí Linh thông báo có dịch!

Do thua lỗ triền miên mấy lứa gà liền nhau, chồng chị Chín đã giao lại cơ ngơi cho vợ để vào miền Nam làm thuê kiếm tiền trả nợ. “Tôi đêm nào cũng mất ngủ thấp thỏm mong đến ngày bán tống khứ được đàn gà này đi để cho đầu óc nhẹ nhõm. Nói thật với anh, người dân chúng tôi đã quá mệt mỏi với con gà hơn 4 tháng qua rồi.

Chẳng biết từ giờ đến lúc đó ông trời có phù hộ hay không nữa? Nếu lần này mà dính dịch bệnh nữa chắc tôi cũng phải gửi con cho ông bà nội đi làm thuê kiếm tiền trả nợ thôi”. Chị Chín thở dài lo âu. Đến lúc này để ý, tôi mới nhận ra gia đình chị Chín cũng thuộc hội những gia đình nhà “chưa lợp mái”.

Là hộ nuôi gà có máu mặt nhất nhì khu vực TX.Chí Linh nhưng nay anh Lục Văn Nhàn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Chế biến gà đồi Chí Linh cũng chỉ dám duy trì 2 đàn gà mía 4.000 con bởi cho dù có trường vốn nhưng cứ lỗ triền miên cũng chết. Anh Nhàn vò đầu bứt tai cho biết, anh đang có nguy cơ mất trắng gần 1 tỷ đồng tiền cám do các hộ chăn nuôi gà chết sặc vì giá và chết kỹ vì dịch nên mất khả năng thanh khoản.

Chỉ vào căn nhà chưa lợp mái phía đối diện, anh Nhàn ví von rằng, người dân quê anh chăn nuôi gà cũng gần giống như tư duy xây nhà vậy. Thấy có lãi thì đổ xô vào nuôi cái đã còn bán được hay không tính sau. Đến khi gặp giá cả thấp hay dịch bệnh thua lỗ lập tức chán nản, bỏ nghề. "Chính vì tư duy làm ăn kinh tế ngẫu hứng, không có kế hoạch nên nông dân mình hễ nặng bị lại đứt quai”, anh Nhàn đúc kết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm