| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm đành bỏ xứ đi kiếm kế mưu sinh

Thứ Năm 12/05/2016 , 16:05 (GMT+7)

“Thương lắm chú ơi, cái thằng tánh chịu thương chịu khó, nhưng làm ăn không gặp thời. Thấy người ta nuôi thâm canh cũng bắt chước làm, mấy chục triệu dành dụm bao năm nay mất hết cũng đành, lại nợ thêm tiền thức ăn, thuốc thú y hàng chục triệu”.

Nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ "thiêu cháy” ruộng lúa, vườn cây mà còn “hun khô” cả đồng tôm. Mùa màng thất bát, người nuôi tôm đành bỏ xứ để tìm kế mưu sinh, bỏ lại những đồng tôm hiu hắt.

Bỏ của chạy lấy người

Lưu thông trên tuyến đường Nam sông hậu đoạn ngang qua huyện Long Phú (Sóc Trăng) dễ dàng nhận ra sự đìu hiu của khu nuôi tôm công nghiệp kéo dài ven biển. Theo người dân địa phương, mô hình nuôi công nghiệp tại đây phát triển đã gần chục năm nay. Người khá giả, làm được nhà cửa khang trang nhờ con tôm công nghiệp cũng có, nhưng không ít người phải đổ nợ, đành rời bỏ vùng đất thân thương.

Ở lại vùng quê nghèo với tâm trạng ngày nhớ, đêm mong con cháu nhưng bà Nguyễn Thị Ánh, mẹ anh Nguyễn Văn Bình (ấp Mười Chiến, xã Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng), cũng phải ém nỗi nhớ, động viên con mình gắng đi làm ăn, rồi dành dụm để lấy tiền trả nợ.

“Thương lắm chú ơi, cái thằng tánh chịu thương chịu khó, nhưng làm ăn không gặp thời. Thấy người ta nuôi thâm canh cũng bắt chước làm, mấy chục triệu dành dụm bao năm nay mất hết cũng đành, lại nợ thêm tiền thức ăn, thuốc thú y hàng chục triệu”.

Chỉ tay về phía sau nhà mình, bà Ánh tiếp tục câu chuyện. Trên mảnh đất canh tác nhỏ nhoi chỉ khoảng 2.500 m2 của gia đình mình, trước đây anh Bình nhiều năm rồi vẫn trồng mía. Đến mấy năm gần đây, mô hình nuôi tôm thâm canh phát triển nóng đã đưa cây mía về lại phía sau. Đi theo xu thế, anh Bình cũng tập tành bước chân vào nghiệp nuôi tôm lắm rủi ro này từ năm 2013. Sau 3 năm thăng trầm cùng con tôm, đến nay, anh đang nợ ngân hàng và bà con khoảng 50 triệu đồng.

Anh Bình và vợ mình đành để lại người con nhỏ đang học lớp 6 cho bà nội chăm sóc. Vợ chồng anh đưa người con trai lớn lên thị trấn Long Phú tìm gặp chủ nợ trần tình hoàn cảnh gia đình mình, rồi xin khất nợ đi thành phố làm trả dần. Biết gia đình tuy ít đất đai, nhưng sống đoàng hoàng, chủ nợ đồng ý để anh ra đi mà không cần thuế chấp gì. Khi lên đường còn cho tiền chi phí xe cộ. Vậy là bước đường của gia đình anh Bình đã đổi một hướng khác, vì con tôm thâm canh anh phải xa quê gần nửa năm rồi.

Theo thống kê của xã Long Phú diện tích đang thả nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn khoảng 95 ha thì có đến gần 40 ha đã thiệt hại.

Về vùng nuôi tôm xã Phú Hưng (huyện Cái Nước, Cà Mau), lưu thông trên tuyến đường bê tông thuộc ấp Cái Rắn, chúng tôi ghi nhận cảnh hoang vu trên những đầm nuôi tôm công nghiệp bỏ không. Chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Lam hỏi thăm, được chia sẻ rằng: Cái cảnh đổ nợ phải bỏ xứ đi là chuyện thường, nuôi tôm công nghiệp rất khó, mà mất một vụ thôi cũng đủ chết rồi.

Hất cằm ra khu đất trống trơn cách nhà chừng vài trăm mét, ông Lam nói: Đất thằng Toàn đó, nó ở xã khác đến đây thuê nuôi tôm công nghiệp. Mới thả được 2 vụ rớt hết, đất đai còn trong hạn thuê nhưng không có tiền đầu tư phải bỏ của chạy lấy người. Nghe đâu nó nợ cũng bộn, trốn đi lên Bình Dương làm rồi.

Ông Trần Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, cho biết, năm nay diện tích nuôi tôm - lúa của xã bị thiệt hại rất lớn do thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài và độ mặn quá cao vượt ngưỡng chịu đựng của tôm nước lợ.
Xã có hơn 5.000 ha nuôi tôm lúa thì đã có gần 2.000 ha bị thiệt hại, chủ yếu tôm chết do sốc môi trường. Số còn lại cũng rớt lai rai, thu hoạch không đáng kể.

Cảnh rời bỏ cuộc sống yên bình chốn quê vì nuôi tôm công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đang rất phổ biến. Dường như đi đến vùng nuôi nào hỏi những gia cảnh trên đều có. Nhưng cái mùa hạn mặn năm nay đúng thật đã làm cho người ta phải khốn đốn, mô hình lúa - tôm trước nay vẫn được đánh giá là bền vững, nhưng nay bà con làm mô hình này cũng phải tha hương.

Những cuộc gọi không liên lạc được

Dẫn chúng tôi đi quanh bờ đê của vuông tôm, lão nông Nguyễn Văn Út, ở xã Thuận Hòa (huyện An Minh, Kiên Giang) nói giọng buồn thiu: “Năm nay nắng nóng quá chú ơi. Vụ lúa thất mùa, giờ đến vụ tôm cũng trắng tay. Tôm giống cứ thả được ít ngày, chưa kịp lớn đã chết rụi, càng nuôi càng lâm nợ. Mấy đứa con tui bỏ ruộng đi làm mướn hết rồi. Chứ cứ ở nhà bám vuông tôm kểu này thì chết đói hết, nói gì đến chuyện trả nợ”.

Nói đến con, mắt bà Thu (vợ ông Út) đỏ hoe. Mấy đứa con bà vốn chỉ quanh quẩn ruộng vườn, làm lúa, nuôi tôm, chứ có đưa nào đi xa nhà lâu ngày đâu.

Vậy mà giờ chúng dắt díu nhau đi thành phố kiếm việc làm ăn hết. Bà bảo, chúng gọi điện về nói có việc làm rồi tôi cũng mừng: “Thằng lớn thì đi theo xe tải làm phụ xế, thằng giữa thì đi làm phụ hồ, còn đứa con gái út đang làm tạm chạy bàn quán nước, chờ xin việc khác. Mấy anh em không đứa nào học hết cấp 3, không có bằng cấp gì nên xin vào công ty không được, có việc vậy là mừng rồi. Nhờ thuê nhà ở chung nên cũng đỡ tốn kém, hy vọng có dư để gửi về phụ giúp trang trải cuộc sống gia đình”.

10-01-23_1-b-nguyen-thi-nh-trm-tu-ke-ve-con-duong-phi-x-que-cu-con-minh
Bà Nguyễn Thị Ánh trầm tư kể về con đường phải xa quê của con mình

Chuyện lao động nông thôn ở các huyện vùng U Minh Thượng, vùng nuôi quảng canh tôm - lúa lớn nhất tỉnh Kiên Giang bỏ ruộng vườn đi tìm việc mưu sinh như gia đình ông Út giờ không phải là hiếm. Thậm chí có người nuôi tôm thua lỗ, ôm nợ đành dắt nhau đi bỏ trốn.

Ông Huỳnh Tấn Tài, có hơn 1 ha đất nuôi tôm - lúa ở ấp Tám Xáng 1, xã Đồng Hòa (huyện An Minh) cho vợ chồng anh Đ. thuê với giá 10 triệu đồng/năm. Năm đầu tiên anh Đ. trả trước được phân nửa, còn lại hẹn khi thu hoạch tôm sẽ trả. Nhưng chẳng biết nuôi trúng thất thế nào mà Đ. cứ khất lần hoài và xin làm thêm năm nữa để có tiền trả nợ.

“Thấy hoàn cảnh gia Đ. cũng khó khăn, thương tình tôi cũng cho làm thêm năm nữa. Nhưng mới đây tôi gọi điện cho Đ. thì không liên lạc được. Khi tìm đến nhà Đ. thì thấy trống trơn. Hàng xóm cho biết vợ Đ. đã bỏ nhà đi trước mất tháng, sau đó Đ. cũng dọn đồ bỏ đi luôn. Chắc là trốn nợ đi nơi khác kiếm việc làm, vì đi rất âm thầm, chẳng thấy từ giã gì”, ông Tài cho biết.

10-01-23_3-nh-d-bo-di-de-li-cn-choi-so-xc-diu-hiu
Anh Đ. bỏ đi, để lại căn chòi xơ xác, đìu hiu

Vuông tôm ông Tài cho anh Đ. giờ cạn trơ đáy, mấy chiếc lú (dụng cụ bắt tôm) bỏ luôn tại ruộng, trống trơn chẳng có bóng dáng con gì. Ông Tài đứng tần ngần nhìn vuông tôm, nói: “Kiểu này mắc rẻ gì cũng kêu người sang vuông chứ nuôi tôm chuyên nghiệp như thằng Đ. mà còn phải bỏ chạy thì mình nuôi lấy gì ăn”. Những vuông tôm bên cạnh cũng rong rêu nổi đầy, đìu hiu không một bóng người.

Xem thêm
Kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu trái sầu riêng ở miền Đông Nam bộ

Sầu riêng ở khu vực Đông Nam Bộ đang vào mùa ra hoa đậu quả, nếu nhà vườn chăm sóc tốt thì vườn sầu riêng cho đậu trái và cho năng suất chất lượng cao.

Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Bình luận mới nhất