| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm lao đao vì nắng hạn

Thứ Ba 30/03/2010 , 10:12 (GMT+7)

Tình hình nắng hạn gay gắt liên tục kéo dài đã làm cho độ mặn tăng cao, chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đang gây bất lợi cho sự phát triển của tôm...

Tình hình nắng hạn gay gắt liên tục kéo dài đã làm cho độ mặn tăng cao, chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đang gây bất lợi cho sự phát triển của tôm nhưng lại là điều kiện thuận lợi cho những tác nhân gây bệnh cơ hội bùng phát như virus gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi, bệnh do nấm, vi khuẩn… phát triển mạnh. Hiện đã có hàng trăm ha tôm nuôi của người dân ở các huyện An Minh, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) bị thiệt hại.

Theo kế hoạch, vụ tôm 2010, Kiên Giang sẽ thả nuôi khoảng 80.000ha, trong đó có 66.000ha được thả nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến (mô hình tôm - lúa). Đến nay, nông dân đã xuống giống được 57.000ha theo hình thức này và chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng. Điều đáng lo ngại hiện nay tình hình nắng hạn gay gắt đang khiến người nuôi gặp không ít khó khăn. Song song đó là nỗi lo về dịch bệnh hoành hành, khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt. Ông Võ Hoàng Việt – Trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết, mặc dù hiện nay mới là đầu vụ nuôi nhưng đã có 336/31.176ha tôm nuôi của huyện bị thiệt hại. Các xã bị thiệt hại nhiều là Đông Hòa (120ha), Thuận Hòa (107ha), Vân Khánh Tây (52ha), các địa phương còn lại cũng bắt đầu xuất hiện tình hình tôm chết rải rác. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do tình hình nắng hạn, mực nước trong vuông xuống thấp (từ 20-30cm), nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệnh quá lớn đã gây sốc cho tôm. Độ mặn của nước sông tăng cao nên khi người dân đưa nước vào vuông đột ngột cũng làm tôm bị sốc. Ngoài ra, do thời gian qua giá tôm luôn ở mức cao nên một số người dân hám lợi đã bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, thả nuôi trước thời vụ dẫn đến bị thiệt hại.

Tại huyện Vĩnh Thuận, tình hình tôm bị dịch bệnh và chết cũng đã bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 2 cho đến nay. Toàn huyện đã có 312ha tôm bị chết với mức độ thiệt hại từ 70-100%. Những hộ dân có tôm bị chết cho biết, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi thì chất lượng nguồn nước kém (thường khi vuông tôm bị dịch bệnh người dân lại xả trực tiếp ra kênh rạch) cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng. “Chắc chắn tôm chết là do sốc nguồn nước hoặc trong nước đã có sẵn mầm bệnh. Tôm của tôi thả nuôi đã được hơn 1 tháng, đang phát triển bình thường vậy mà sau khi bơm thêm nước vào ít ngày là tôm phát bệnh và lăn ra chết rất nhanh” – anh Trịnh Văn Thông (xã Phong Đông, Vĩnh Thuận) nhận định.

Một điều đáng lo ngại nữa là chất lượng tôm giống hiện nay rất kém, được người dân mua bán trôi nổi ngoài thị trường rất khó kiểm soát. Ông Nguyễn Vân Thanh – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết, với diện tích nuôi thả như hiện nay, mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng 4-5 tỷ post tôm giống. Trong khi đó, các cơ sở trong tỉnh mỗi năm chỉ có thể cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 1 triệu post. Còn lại, người dân phải nhập từ nơi khác về (chủ yếu từ miền Trung) ương vèo lại và trao đổi mua bán.

Ông Nguyễn Vân Thanh  – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang nhận định, tình hình thời tiết năm nay rất giống với năm 2008, thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Nếu các biện pháp kỹ thuật không được người dân tuân thủ một cách triệt để thì chắc chắn diện tích bị thiệt hại sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn mẫu tôm nhập về hiện nay thường không đạt chất lượng. Trong tổng số 375 mẫu tôm giống vận chuyển về vùng U Minh Thượng được Chi cục Thú y Kiên Giang xét nghiệm thời gian qua thì đã có tới 142 mẫu bị nhiễm bệnh, chiếm tỷ lệ gần 38%. Theo phản ánh của người dân, tôm giống nhập về hiện nay thường rất nhỏ, chỉ khoảng post 8-10, trong khi theo khuyến cáo thả nuôi phải từ post 12 trở lên. Tôm post càng nhỏ thì càng khó phát hiện dấu hiệu mầm bệnh, nhất là bằng cảm quan khi mua.

Để đối phó với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang khuyến cáo bà con nên tuân thủ lịch thời vụ, trước khi nuôi phải cải tạo vuông nuôi thật tốt, đầm nén bờ vuông thật kỹ để giữ nước. Sau khi thả nuôi nên duy trì mực nước trên mặt ruộng từ 0,5 m trở lên để hạn chế nắng nóng. Khi nhiệt độ môi trường cao hơn 34oC hoặc thấp hơn 25oC và hàm lượng oxy hòa tan dưới 3mg/lít gây bất lợi cho tôm thì phải tiến hành thay nước tốt (đã được xử lý tại ao lắng) trong vuông nuôi. Thường xuyên kiểm tra, quan sát biểu hiện bên ngoài cũng như tập tính của tôm để phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường để có biện pháp khắc phục kịp thời. Khi tôm bị dịch bệnh thì phải thông báo với trạm Thú y tại địa phương để tiến hành cô lập, xử lý phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất