| Hotline: 0983.970.780

Người ở biển lên núi trồng rừng

Thứ Năm 07/10/2021 , 09:33 (GMT+7)

Khi còn là thủy thủ đi tàu viễn dương, ông đã dồn tiền lên núi mua 120ha đất để trồng rừng, bây giờ ông trở thành tỷ phú rừng trồng ở Bình Định.

Người miệt biển mê rừng

Năm 1979, ông Đỗ Duy Thụy (SN 1960) thực hiện nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia. Vốn dân thị xã Hoài Nhơn, vùng đất phát triển mạnh nghề biển, thế nhưng trong thời gian phục vụ trong quân ngũ tại nước bạn, ngày ngày tiếp xúc với rừng, tối tối nghe tiếng lá rừng xào xạc, ông bỗng đâm mê rừng.

Năm 1985 ra quân, vốn dân quê biển nên ông theo học ngành hàng hải, sau đó đi tàu viễn dương. Cuộc đời thủy thủ ông cho ông điều kiện đến với nhiều nước bạn trong khu vực. Khi đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan, những đất nước phát triển mạnh nghề trồng rừng, nhìn những cánh rừng keo bạt ngàn xanh mướt mắt, máu mê rừng trong ông lại trỗi dậy.

Những ngày tàu của ông còn lưu tại cảng để bốc dỡ hàng, ông lên bờ lang thang về những địa phương trồng rừng nhiều để thăm thú, học hỏi. Bạn bè thủy thủ gọi trêu ông là “Thụy điên”. Ai đâu cả đời lênh đênh trên sóng nước mà đầu óc lúc nào cũng nghĩ về rừng.

Phút nghỉ ngơi của ông Đỗ Duy Thụy trong cánh rừng đã gắn chặt đời ông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Phút nghỉ ngơi của ông Đỗ Duy Thụy trong cánh rừng đã gắn chặt đời ông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm 1988, Công ty Vận tải biển Nghĩa Bình khi ấy thanh lý hơn 200ha diện tích đất rừng ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định). Máu mê rừng trong ông Thụy gặp thời được thỏa chí. Ông dốc hết số tiền tích lũy được trong những năm đi tàu viễn dương mua tất diện tích đất rừng nói trên.

Tôi không khỏi ngạc nhiên: “Ủa, sao công ty vận tải biển mà lại có đất rừng mà thanh lý”. Ông Thụy kể: “Khi ấy cả nước phát động phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Vân Canh là huyện miền núi, có nhiều diện tích đất rừng nên là địa phương trọng điểm thực hiện phong trào. Người dân chưa có khái niệm trồng rừng, nên tỉnh giao cho những đơn vị có tiềm lực kinh tế thực hiện. Tiếp nhận đất, công ty đầu tư đường điện vào đến nơi, tốn khối tiền. Lúc ấy trồng rừng chỉ tập trung vào cây bạch đàn nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi tỉnh Nghĩa Bình tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, công ty thanh lý diện tích đất rừng ở Vân Canh, vậy là tôi mua luôn”.

Lúc dốc tiền mua thanh lý đất rừng, bạn bè thủy thủ ai cũng bảo là ông điên thật rồi. Chỉ có điên mới trút tiền vào vùng đất heo hút chỉ nghĩ đến thôi đã rùng mình. “Ngẫm đi nghĩ lại tôi thấy việc mình làm cũng không giống ai, họ bảo mình điên cũng phải, nhưng cứ mê là làm thôi”, ông Thụy tự trào rồi cười sảng khoái.

Con hào ông Thụy đào ngăn cách diện tích rừng của ông với bên ngoài để ngăn chặn bò vào dẫm chết cây rừng mới trồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Con hào ông Thụy đào ngăn cách diện tích rừng của ông với bên ngoài để ngăn chặn bò vào dẫm chết cây rừng mới trồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mua đất xong, ông tiếp tục trồng bạch đàn và giao cho người em trông coi, còn mình tiếp tục rong ruổi đời thủy thủ. Tiền lương tháng ông lại tiếp tục đầu tư vào công cuộc trồng rừng. Thế nhưng cây bạch đàn tiếp tục khẳng định sự không hiệu quả, tiền bán gỗ nguyên liệu mỗi vụ thu hoạch không đủ trả tiền thuê nhân công phát chồi.

Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu giống cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, năm 2004 ông bắt đầu chuyển sang trồng keo lai. Khi ấy, đo đạc lại đất thì ông Thụy thấy diện tích đất mình mua bị “bốc hơi” rất nhiều. Bởi, thời gian đầu do quản lý lỏng lẻo nên đất của ông bị người dân địa phương xâm chiếm. Vả lại, đất ông mua khi ấy được đo đạc bằng phương pháp thủ công nên không chính xác.

“Khi quyết định chuyển sang trồng keo lai, thấy diện tích còn ít nên tôi tiếp tục mua thêm đất của các hộ chung quanh để bây giờ mới được 120ha. Xác định cây giống là yếu tố chính làm nên năng suất rừng trồng, nên tôi chỉ trồng giống cấy mô mua của các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp chuyên nghiệp, đa số tôi mua của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh. Nhờ chuyển sang trồng keo lai mà sự nghiệp trồng rừng của tôi mới khởi sắc”, ông Đỗ Duy Thụy chia sẻ.

Nhân công cắt chồi trong khu rừng trồng của ông Thụy. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân công cắt chồi trong khu rừng trồng của ông Thụy. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Độc chiêu” trị mối, sùng đất và các loại nấm hại rừng trồng

Người trồng rừng sợ nhất là trồng cây giống xuống thì bị mối, sùng đất và các loại nấm gây hại. Loài mối thường hại cây giống bằng cách ăn sát mặt đất, ngay điểm tiếp giáp giữa mặt đất và thân cây. Còn loài sùng đất thì phá bộ rễ của cây khi nó mới phát triển. Thậm chí cây đã trồng 2 - 3 tháng vẫn bị sùng đất tàn phá bộ rễ.

Nóng ruột trước cảnh rừng mới trồng mà cứ bị chết yểu do mối gây hại, ông Thụy mua thuốc viên chống mối về trị lũ mối cứu rừng nhưng không hiệu quả. Nghĩ ngợi mãi, ông sực nhớ đến loại thuốc chống muỗi mà khi còn trong quân đội người lính được cấp để sử dụng mỗi khi hành quân trong rừng rất hiệu quả. “Hay là mình dùng thuốc này trị mối thử xem sao”, ông Thụy nghĩ vậy. Ông thử nghiệm và đã mang lại hiệu quả đến bất ngờ.

Vận chuyển cây giống vào rừng để chuẩn bị trồng vụ mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vận chuyển cây giống vào rừng để chuẩn bị trồng vụ mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tôi mua thuốc chống muỗi Permethrin 50 EC giá gần 1 triệu đồng/chai (1 lít). 1 chai thuốc này có thể trị mối cho 10ha rừng trồng. Cứ 200ml thuốc mình pha với 40 lít nước trong thau to hay thùng phuy, khuấy đều. Trước khi trồng, mình nhúng bì cây giống (50 cây/bì) vào nước đó khoảng 10 phút rồi lấy ra để ráo, sau đó chuyển cho nhân công mang đi trồng xuống những chiếc hố đã được đào và bón phân sẵn. Cây giống đã được nhúng loại thuốc này là khi trồng lũ mối tránh xa không dám bén mảng tới.

Loại thuốc này còn trị được sùng đất nên rễ cây không bị phá. Cả những loại nấm chuyên gây hại cũng không xuất hiện. Nhờ cây giống được bảo vệ ngay từ đầu nên 6 tháng sau là cây rừng phát triển ào ào. Những diện tích rừng chưa được 1 năm tuổi mà cây đã cao lút đầu, cành lá phát triển ngời ngời”, ông Thụy vui vẻ cho hay.

Nhân công chăm sóc rừng trồng của ông Thụy nghỉ ngơi buổi trưa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân công chăm sóc rừng trồng của ông Thụy nghỉ ngơi buổi trưa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để phòng cháy rừng, những đường biên tiếp giáp với rừng của những hộ chung quanh, ông Thụy cho đào hào sâu 1m, rộng 1,5m và chừa khoảng cách rộng đến 8m. Theo ông Thụy, con hào còn có chức năng ngăn không cho bò từ bên ngoài vào phá cây rừng. Những diện tích rừng có độ tuổi khác nhau được ông phân lô, đường ranh giữa các lô được ông trồng cây xà cừ để dễ phân biệt. Những đường ranh xà cừ đến nay đã được 10 năm tuổi.

Tính đến nay, 120ha rừng trồng của ông Thụy đã qua 3 chu kỳ khai thác, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính từ năm ngoái đến nay ông Thụy đã khai thác và trồng mới 80ha những diện tích rừng từ 7 - 9 năm tuổi.

Những diện tích rừng 9 năm tuổi cho ông thu nhập khoảng 140 triệu đồng/ha, rừng 7 năm tuổi cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha. Số diện tích còn lại hiện đã được 2 - 3 năm tuổi.

Mới đây, ông Thụy tham gia dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai cấy mô được công nhận” có chu kỳ 10 năm của Trung tâm Khuyến nông Trung ương với diện tích 26ha.

Bình Định đang vào mùa mưa, cũng là mùa trồng rừng mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định đang vào mùa mưa, cũng là mùa trồng rừng mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Thụy, rừng gỗ lớn có thời gian kéo dài đến 10 năm nên phải trồng liên vùng để tránh tác động từ bên ngoài. “Ví như diện tích rừng gỗ lớn của mình nằm bên cạnh diện tích trồng rừng ngắn hạn, rừng mình mới nửa đường rừng họ đã thu hoạch. Thu hoạch xong họ đốt thực bì để trồng mới dễ dẫn đến tình trạng cháy rừng lây lan.

Do đó, khi tôi tham gia vào dự án trồng rừng gỗ lớn, tôi vận động 6 hộ trồng rừng chung quanh cùng làm luôn. Chung quanh diện tích rừng gỗ lớn cũng cần trồng những loại cây bản địa để chắn gió như người trồng cà phê ở Tây Nguyên để rừng của mình được an toàn trong mùa mưa bão.

Trên diện tích đất rừng, tôi chọn khu vực thích hợp để làm khu chăn nuôi. Tôi nuôi hàng trăm con bò Úc, heo rừng lai, dê và đào ao thả cá để có thêm nguồn thu. Tôi mong được Nhà nước làm chứng chỉ FSC cho nông hộ trồng rừng để nâng cao giá trị rừng trồng”, ông Đỗ Duy Thụy chia sẻ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất