| Hotline: 0983.970.780

Người ở phố biển nghe 'Khúc hát sông quê'

Thứ Bảy 27/08/2016 , 08:30 (GMT+7)

Nếu ngắm nhà thơ Lê Huy Mậu hiện lên trong âm bản phim chụp máy cơ xưa, ắt sẽ thấy xù xì góc cạnh, với ánh mắt trắng dã như hăm dọa người soi phim, thêm gương mặt có phần dữ dội...

Ấy vậy mà ngoài đời anh hiền lành hết chịu nổi. Đó chính là bản màu của anh, nhìn cục mịch không có dáng của một thi nhân. Ngỡ như một kẻ vai u thịt bắp, thì anh lại khoan thai, lưa thưa đưa mắt nhìn đây đó, thỉnh thoảng cười rất tình.

Nếu cách đây độ mươi năm trở về trước, chính Lê Huy Mậu tự nhận mình chểnh mảng với thơ, ít ham hố và có phần khép mình. Anh yêu văn chương từ khi còn là một anh lính trẻ, trên mặt trận Tây Nguyên. Hình ảnh nhà văn Khuất Quang Thụy ngày ấy trong chiến trường sao mà đầy khích lệ đến vậy. Nhưng rồi yêu chỉ để trong lòng, chỉ bầu bạn với sách vở, chứ không nghĩ mình sẽ viết như thế nào.

Khi xuất ngũ trở về thi đại học năm 1975, lại bị phân vào khoa Triết học, vì là đảng viên, chứ không phải khoa Văn như ước nguyện. Nhưng tình yêu văn chương vẫn không hề lay chuyển, thế là Lê Huy Mậu đàn đúm với cánh thơ Bùi Việt Phong, Lương Minh Cừ, Nguyễn Hòa Bình... để sáng tác.

Cả nhóm đều có thơ in trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tưởng vậy mọi chuyện sẽ thông đồng bén duyên văn chương, nhưng ai dè khi tốt nghiệp, Lê Huy Mậu bị “ưu ái” đưa về làm việc ở Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế là cái barie hải quan chắn ngang mọi hoài bão của anh suốt 10 năm. Lê Huy Mậu đứng trước hai lựa chọn, một là trở nên giàu có nếu không vượt qua mọi sự cám dỗ, hoặc là một kẻ lạc lõng, xa lạ với bầu trời thi ca.

Trong thời gian này, Lê Huy Mậu có dịp gặp gỡ các bạn viết, các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Nhật Ánh...

Trong lòng anh càng khao khát những ước mong, được viết, được đi và được say mê với con chữ, áng thơ. Nhưng rồi cuối cùng không là cái gì cả. Giàu có cũng không, mà sáng tác cũng dở dang, Lê Huy Mậu quyết định dứt áo ra đi khỏi cái nơi mà nhiều kẻ ao ước. Khi đó ai cũng nói Lê Huy Mậu “hâm”.

Biết sao được, khi chuyển sang Ban Tuyên giáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 1984, anh chỉ có một nguyện vọng được tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ nhiều hơn. Trong thời gian này, anh còn giúp tỉnh chuẩn bị đề cương thành lập Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chính anh là người đã bỏ công đi nhiều nơi tìm người có tài đức, để giới thiệu và đề xuất với tỉnh, đưa vào vị trí Chủ tịch Hội. Nào là nhà văn Chu Lai, đến nhà thơ Vũ Quần Phương được mời, rồi cuối cùng nhà văn Xuân Sách nhận lời. Đến năm 1987, Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập, với công sức không nhỏ của Lê Huy Mậu. Nhưng rồi anh vẫn ở lại Ban Tuyên giáo tỉnh cho đến hai mươi năm sau, với bao lận đận trong cuộc mưu sinh và nhất là lại bị tai nạn mấy lần, tưởng như kiệt sức với thơ ca. Đặc biệt trong thời gian này, anh kể, mình không còn sự say mê với thơ ca nhiều như trước nữa.

Hơn nữa, với vai trò một chuyên viên ở Ban Tuyên giáo, hay Trưởng Phòng Văn hóa văn nghệ, Lê Huy Mậu như có lần tự phán về mình một cách hóm hỉnh như sau: Tay nghề viết diễn văn, điếu văn, báo cáo, lời chào mừng thuộc vào loại chuyên gia, thượng thặng. Chưa hết, không ít lần anh còn tự nhận mình là một tên tồ bẩm sinh. Nói thế nghĩa là hết hy vọng trên con đường văn chương. Vậy đó! Nhưng thật không ngờ, lần bị chấn thương sọ não lần thứ hai, khi nằm điều trị tại bệnh viện, thì cơn cớ khao khát sáng tác trỗi dậy. Những điều mới lạ lóe sáng trong những cơn đau, và ước mơ của một thời trai trẻ như con thuyền căng buồm ra khơi...

Những vần thơ tha thiết được Lê Huy Mậu viết bằng nỗi nhớ sâu thẳm về quê hương, cha mẹ, cánh đồng, lũy tre... Có thể nói bước ngoặt bắt đầu từ “Khúc hát sông quê”, khi trường ca này, được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trích phổ nhạc, vào năm 2002.

Nhà thơ, kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có lần kể, vừa phổ nhạc cho bài thơ xong, có nhắn nhà thơ Lê Huy Mậu tới nghe. Ban đầu Lê Huy Mậu tỏ ra thản nhiên lắng nghe, nhưng sau mỗi câu nhạc, gương mặt nhà thơ càng đần ra như một sự ngỡ ngàng. Đến câu kết, thì Lê Huy Mậu lặng đi một lúc rồi ngã vật xuống giường, dang hai tay ra, nằm bất động. Bất thình lình, anh đập mạnh hai tay xuống giường, và kêu lên mấy câu với Nguyễn Trọng Tạo đại để rằng, mình sắp nổi tiếng đến nơi rồi, vì bài hát sẽ được nhiều nghệ sĩ biểu diễn. Ca khúc này sẽ sống mãi với thời gian.

Quả nhiên tính cho đến nay, bài “Khúc hát sông quê” vẫn còn được coi là một bài “tủ” của không ít ca sĩ nổi tiếng như NSND Thu Hiền, các ca sĩ Anh Thơ, Lê Mận, Minh Phương, Tân Nhàn... và hàng chục ca sĩ trẻ. Đặc biệt trong nhiều cuộc thi đơn ca, dòng dân ca, bài hát này được nhiều ca sĩ thể hiện với tình cảm da diết và giàu âm sắc độc đáo của chất liệu dân ca miền Trung ngọt ngào sâu sắc. Lê Huy Mậu đúng là nổi tiếng từ đây.

Tất nhiên, những vần thơ chan chứa nỗi nhớ và tình yêu quê hương đã được Lê Huy Mậu viết từ trước đó, nhưng để bạn đọc biết đến thật không dễ dàng, nếu không có âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo nâng cánh thơ bay cao, bay xa. Và có thể nói, “lộc” văn chương đến một cách bất ngờ cũng từ đây. Ai cũng rõ, trong năm 2002, anh cho ra đời luôn hai cuốn, tập truyện ngắn “Giá người” và tập thơ “Cám ơn mưa phùn”. Năm 2007, nhà thơ Lê Huy Mậu chuyển sang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 23 năm công tác tuyên giáo.

Nếu tính đến nay, bài “Khúc hát sông quê” vẫn tươi nguyên cảm xúc với người yêu thơ đã dư 10 năm. Biết bao dự định, biết bao cảm xúc dâng trào, từ ngày sang công tác Hội, nhà thơ Lê Huy Mậu không còn bị coi là “tồ bẩm sinh” nữa mà đã “hiện nguyên hình” là một “người tình bẩm sinh” với nhiều bài thơ mới, rất lạ.

Nhất là chuyện ông Chủ tịch Hội này bắt đầu khôn ra, khi mày mò chơi cái facebook, đua với nhiều cánh thơ trẻ và yêu “Khúc hát sông quê”. Khiếp thế đó, nhìn cái ảnh chụp trên tập thơ mới nhất của anh mới thấy lãng tử hẳn lên, không còn cục mịch như xưa. Tập thơ “Mời em cạn nửa chén tình”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, với hình minh họa cô gái khỏa thân ở bìa một, ta lại thấy có một Lê Huy Mậu khác hẳn. Hình như Lê Huy Mậu tính tới cái chuyển vùng thơ, từ quê lên tỉnh chăng. Liệu có còn những nỗi niềm ấm áp sâu nặng một thuở sông quê?.

Người đọc bắt đầu thấy anh tình tứ và đáo để hơn, hoặc triết lý và tự sự xôn xao hơn với các thi phẩm: Mầu nhớ, Thu đã chết, Người đàn bà quyến rũ, Chiêm bao em và chơi, Mời em cạn nửa chén tình, Biện chứng của tình yêu... Đổi mới với chính anh? Có thể lắm, trong khi khoảng 60 bài thơ, anh làm liền một mạch trong vòng ba tháng (từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2013). Hầu hết những bài thơ này, anh sáng tác ngay khi mở máy, viết trên trang facebook. Nhà thơ tâm sự, đó là những cơn sáng tác bỗng dưng ập đến, không dừng lại được. Càng được bạn trên facebook tán thưởng, bình luận đều đều, càng lên cơn say. Thơ thành tập lúc nào không hay. Thế là in.

Có lần nhà thơ kể, mình có thói quen ít tranh luận hay cãi vã với ai, cho dù có ấm ức hay bực dọc. Cái chất đồ Nghệ nín nhịn mãi không chịu được thì về nhà đóng cửa tự xả một mình, hay cùng lắm là cãi nhau trong cơn mơ, cho hả giận. Thế rồi, hôm sau gặp đối tác mà mình đã nổi nóng, mắng một trận trong cơn mơ ấy, lại hể hả cười, làm như không hề có chuyện gì xảy ra. Chính vì thế, anh không hề giận ai bao giờ, bởi anh luôn luôn: “Khép cửa một mình hun hút gió/ Một mình riêng một cõi xôn xao”.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.