| Hotline: 0983.970.780

Người phụ nữ trong bức ảnh nổi tiếng

Thứ Bảy 28/04/2012 , 15:42 (GMT+7)

Phải qua nhiều nguồn chúng tôi mới biết, "chị" Hà Thị Nhiên là nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng "Sự trừng phạt đích đáng"...

Trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, nổi tiếng nhất có lẽ là hai bức ảnh “Uy thế của không lực Hoa Kỳ” do nghệ sỹ Phan Thoan thực hiện ngày 21/9/1965 tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và “Sự trừng phạt đích đáng” do nghệ sỹ Quang Văn thực hiện ngày15/1/1966 tại Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định).  

Bức ảnh của nghệ sỹ Phan Thoan đặc tả một nữ dân quân trẻ măng, thấp nhỏ, mặt ngẩng cao, tay cầm súng, áp giải một viên phi công Mỹ to béo, cao gấp rưỡi cô, mặt cúi gằm. Nhìn bức ảnh, nhà thơ Tố Hữu đã “xuất khẩu” thành một bài thơ nổi tiếng “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế, to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

Còn bức ảnh của nghệ sỹ Quang Văn cũng là loại ảnh đặc tả, trong ảnh cũng là một nữ dân quân trẻ măng, áo nâu quần đen, gương mặt trái xoan rất xinh đẹp nhưng cũng rất rắn rỏi, vai khoác súng, tay kéo một mảnh xác máy bay Mỹ được buộc bằng sợi dây thừng, bóng của cô dân quân đổ dài trên bãi biển.

Nữ dân quân trong bức ảnh của Phan Thoan là chị Nguyễn Thị Kim Lai, quê xã Hương Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh), còn viên phi công Mỹ là William Adrew Robinson. Chị Kim Lai giờ đã lên chức bà, cháu nội cháu ngoại đề huề, và chị Lai cũng đã gặp lại viên phi công Mỹ mà chị áp giải hồi ấy, khi William Andrew Robinson trở lại Việt Nam với tư cách một người bạn. Còn nữ dân quân trong bức ảnh của nghệ sỹ Quang Văn là ai?

Phải qua nhiều nguồn, chúng tôi mới biết nữ dân quân đó là chị Hà Thị Nhiên, và nơi chị ở hiện tại là ngõ Văn Nhân thuộc phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. Gọi “chị” là gọi theo cái thời chị kéo xác máy bay Mỹ ấy, còn bây giờ thì phải gọi bà mới đúng, bởi bà Nhiên đã ngoại lục tuần, đã là hội viên của Hội Người cao tuổi phường từ lâu.


Bà Nhiên "tào phớ" bây giờ

Cái ngõ nhỏ chỉ rộng vài mét, dài chừng năm chục mét, nối thông giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Bà Trưng của thành Nam, không hiểu sao lại mang một cái tên rất đẹp là ngõ Văn Nhân. Ngõ nằm gần Cửa Đông Nam Định, chỉ có độ mươi hộ dân, mưu sinh chủ yếu bằng việc buôn bán nhỏ. Ngay đầu ngõ là một hàng bún phở thập cẩm, bún cá, một bàn viết sớ chữ nho, một hàng nước nhỏ.

Hỏi bà Nhiên, nhân vật trong bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Văn, chẳng một ai trong ngõ Văn Nhân biết cả, nhưng hỏi bà Nhiên bán “tào phớ” thì mọi người chỉ cho ngay. Gọi thế là vì bà Nhiên bán sữa đậu, tức là tào phớ. "Nhà bà ấy là nhà số 7 kia kìa. Nhưng bây giờ muốn tìm, thì phải ra ngã tư Cửa Đông, bà ấy bán hàng ở đấy", một người mau mắn chỉ đường.

Bà Nhiên kể, bà quê gốc ở xã Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Tỉnh Nam Định có 3 huyện biển là Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy. Bãi biển Nam Định là bãi bồi, toàn bùn non, bước xuống bãi có chỗ thụt ngang lưng, um tùm sú vẹt, chỉ Hải Thịnh là có bãi biển cát nên rất đẹp, ngày nay đã trở thành một điểm du lịch.

Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, Nam Định trở thành một trong những mục tiêu trọng điểm của chúng. Mỗi ngày, hàng chục lượt máy bay giặc từ hướng biển Thái Bình, biển Nam Định vào, trút hàng trăm tấn bom xuống thành phố dệt. Vừa chớm tuổi thanh niên, Hà Thị Nhiên đã tham gia lực lượng dân quân gìn giữ bầu trời, mặt biển quê hương, và chị được biên chế vào trung đội pháo phòng không 12 ly 7.

Ngày 15/1/1966, một toán máy bay giặc sau khi bắn phá ở đất liền, đã theo hướng biển Hải Thịnh quay ra, một chiếc F4 sà xuống rất thấp. Không bỏ lỡ thời cơ, pháo 12 ly 7 của dân quân lập tức tung lửa lên trời, phối hợp với pháo 37 ly của bộ đội pháo phòng không chụp lấy nó. Chiếc máy bay bùng cháy, và dù chỉ còn cách biển nửa cây số đường chim bay, thằng giặc trời cũng không thể lết nổi ra biển, đâm ngay xuống đất Hải Thịnh.

Đồ đạc trong ngôi nhà số 7 ngõ Văn Nhân, nơi ông bà ở cùng người con trai út, rất đỗi bình thường. Bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” được cô con gái phóng to, treo ở một vị trí trang trọng, chỉ được ông bà coi đó là kỷ vật của một thời, chứ không phải là một vật để phô trương. Bởi theo ông bà, nước có giặc thì đánh giặc. Giặc hết, lại trở về mưu sinh, đó là lẽ sống rất bình thường của bất cứ người dân nào. 

Viên phi công lái chiếc máy bay đó đã không có được cái may mắn như William Andrew Robinson. Dân quân, bộ đội và nhân dân hò hét nổ trời vì vui sướng, ào ào chạy đến chỗ chiếc máy bay đã vỡ thành hàng chục mảnh khi tiếp đất. Xắn gọn quần lên đến chạm đầu gối, khoác khẩu súng trường lên vai, tìm được một sợi dây thừng, chị Nhiên buộc vào một mảnh xác chiếc máy bay và cứ thế kéo về sân ủy ban nhân dân xã Hải Thịnh. 
“Tôi cũng không biết ông nhà báo ông ấy chụp ảnh lúc nào nữa. Lúc ấy, chỉ thấy vui quá, tôi kéo nó đi một mạch mà không thấy mệt chút nào”, bà Nhiên kể.


Bức ảnh "Sự trừng phạt đích đáng"

Cũng như chị Nguyễn Thị Kim Lai mãi năm 1967, khi đã trở thành một chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, đã qua một lớp đào tạo y tá cấp tốc rồi được điều vào phục vụ chiến trường, chỉ khi một đồng đội nhận được thư nhà, reo ầm lên “Hình chị Lai trên tem này”, chị mới biết mình được “lên báo”, và hình ảnh của mình đã đi khắp năm châu. Chị Nhiên cũng vậy, mãi năm 1970, khi bức ảnh của nghệ sỹ Quang Văn đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, được trưng bày rộng rãi, chị mới ngỡ ngàng nhận ra cô dân quân trong ảnh chính là mình…

Năm 1975, chị Nhiên lên xe hoa. Người bạn đời của chị, anh Phạm Quang Tiến, pháo thủ của tiểu đoàn pháo số 66 của Quân khu 3, cũng từng chiến đấu ở Hải Thịnh suốt thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tình yêu của họ đã nẩy nở và được vun đắp từ những tháng năm bom đạn đó. Anh Tiến quê ở thành phố Nam Định. Cưới nhau xong, cũng năm đó anh xuất ngũ, và chị Nhiên rời quê biển Hải Thịnh, theo chồng về thành phố. Không được may mắn như chị Nguyễn Thị Kim Lai (sau khi xuất ngũ, chị Lai đi học thêm, trở thành y sỹ và công tác ở Bệnh viện huyện Hương Khê đến lúc nghỉ hưu), do không xin được việc làm, chị Nhiên kiếm một gánh hàng sữa đậu mưu sinh…Và suốt mấy chục năm nay, hình bóng người phụ nữ tảo tần, với gánh sữa đậu trên vai, đã quen thuộc với bà con, nhất là những bà con lao động nghèo ở phố Cửa Đông.

Hàng ngày, từ 3 giờ sáng, chị Nhiên, bây giờ đã thành bà Nhiên, đã phải dậy chuẩn bị hàng. Hôm nào hàng chạy thì đến trưa đã hết, không chạy thì phải đến xế chiều. Và khi vợ bán hàng thì ông Tiến cũng ngồi phụ bán một quán nước nhỏ cạnh đó. 3 nguồn thu nhập từ gánh sữa đậu, cái quán nước và đồng tiền phụ cấp mất sức ít ỏi của ông, cộng lại chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cái gia đình nhỏ ấy chưa khi nào vơi hạnh phúc. Ba đứa con đủ cả nếp tẻ lần lượt ra đời, lớn lên, trưởng thành và bây giờ là thế hệ thứ ba, những đứa cháu nội, cháu ngoại của họ, đều được nuôi dạy tử tế. 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.