| Hotline: 0983.970.780

Người Phú Thọ mê 'dì hai'

Thứ Sáu 19/08/2016 , 08:46 (GMT+7)

Có một thứ “dì hai” khiến cho từ cán bộ đến nông dân Phú Thọ đều mê mẩn lạ thường nên tôi đi đâu cũng nghe chuyện người ta bàn tán về nó…

dsc-5255100419930
Bà con Phú Thọ chuộng giống lúa J02

 

Xin được nói ngay kẻo bạn đọc hiểu nhầm, “dì hai” ấy là do dân Phú Thọ yêu mến, gọi chệch từ giống lúa Nhật J02 mà ra. Nhưng phàm cái gì mới đều không phải một chốc, một lát mà được tin tưởng ngay.

Vụ xuân năm 2016, một ông trưởng khu ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy khi cấy giống “dì hai” J02 cũng nửa tin, nửa ngờ về chất lượng của hạt gạo Nhật. Ông bí mật gặt thử trước một ít, tự phơi ở sân rồi mang ra xát. Tổng trọng lượng gạo được 2,6kg gạo, ông cho chủ máy xát 6 lạng, cho một lãnh đạo địa phương 1kg, còn lại 1kg mang về nhà nấu ăn.

Khi cơm sủi đã bắt đầu thấy mùi thơm và khi cơm chín đưa lên miệng thì ối chà chà: “Từ bé đến giờ chưa bao giờ tôi được ăn thứ cơm ngon như thế này. Kể cả “lúa quạ” (giống cổ truyền) ngày xưa mà bảo là ngon nhất cũng không là gì so với lúa này”.

Bởi thế, nhiều người dân ở xã Tu Vũ đã khẳng định: “Lúc đầu cán bộ bảo cấy J02 nhưng nghe đồn giống khó nảy mầm nên dân ai cũng sợ. Thực tế cấy rồi mới biết chẳng khó lắm, chất lượng gạo lại ngon thế này, sang năm không cần ai bảo chúng tôi cũng cấy tất”.

Sự tiên phong trong bất cứ việc gì đều được đánh giá cao. Thanh Ba có thể nói là nơi đầu tiên ở miền Bắc trồng J02 trên diện rộng. Vốn là huyện khó khăn của Phú Thọ, địa phương này có đồng đất chia thành ba vùng rõ rệt: đồng bằng, gò đồi và dộc. Xác định dân số nông nghiệp đông trên 70%, an sinh xã hội, gốc của nông thôn mới vẫn phải đi lên từ ruộng đồng nên đội ngũ lãnh đạo nơi đây rất trăn trở.

Hồi đó anh Vi Mạnh Hùng đang là Phó Chủ tịch huyện, một buổi gõ cửa phòng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Nguyễn Thị Tâm để hỏi xem có loại giống lúa gì mới ưu việt không? Hồi ấy, J02 còn chưa được công nhận chính thức nhưng khi nghe giới thiệu các ưu điểm anh Hùng liền quả quyết đưa vào sản xuất ở huyện mình với diện tích rộng tới 50ha. Nếu mô hình hỏng là uy tín của cá nhân bị giảm sút ngay nhưng anh hoàn toàn chấp nhận. Bởi thế, Thanh Ba cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh Phú Thọ có cánh đồng mẫu lớn J02.

Anh Hùng kể: Thường các mô hình nông nghiệp sau khi dự án xong là kết thúc luôn nhưng cánh đồng J02 này sau đó còn phát triển bền vững, còn được nhân rộng ra. Năm đầu tiên chỉ 50ha, năm thứ hai gần 100ha, thấy khả quan năm thứ ba Thanh Ba quyết định làm quyết liệt. Huyện khuyến khích các lãnh đạo xã đi thăm cách sản xuất rồi về thực hiện mô hình, ít nhất cũng phải được 5ha với cơ chế hỗ trợ 10.000đ/kg giống.

Cái khó của lúa Nhật J02 là công tác gieo mạ ban đầu, do vỏ trấu dày nên yêu cầu kỹ thuật ngâm ủ khác biệt mới nảy mầm. Bởi thế, chỉ trong có 1 tháng mà 8 lần chị Nguyễn Thị Tâm bị “điều” lên huyện để họp với các cơ quan, ban ngành bàn cách hỗ trợ kỹ thuật ngâm ủ cũng như tiêu thụ sản phẩm. Mọi thứ được vạch ra chi tiết cứ như một trận đánh. Xã nào cũng thử, nơi nào thích nghi thì mở rộng thêm, chính vì thế năm thứ 3, năm thứ 4 Thanh Ba đã có trên 1.000 ha J02.

Chất lượng của loại gạo Nhật này khỏi chê. Ăn quen thì các loại gạo khác đều nhạt. Giá bán vì thế rất sướng, từ 11.000 - 13.000đ/kg. Đã chất lượng lại còn năng suất. So với giống lúa thuần nổi tiếng là Khang dân 18, J02 năng suất còn cao hơn nên theo anh Hùng đầu tư coi như ngang nhau nhưng hiệu quả kinh tế, giá trị tăng thêm phải gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Huyện Thanh Ba vừa ra Nghị quyết về sản xuất hàng hóa bền vững trong đó có cơ chế hỗ trợ cho lúa J02 gắn với phát triển thương hiệu, tổng trị giá là 1,2 tỉ đồng. Một bãi đất rất đẹp huyện vẫn để dành sẵn để làm cơ sở kho tàng, sấy, chế biến cho J02.

Nghĩa là thảm đã rải sẵn, chỉ chờ doanh nghiệp đến đầu tư nữa mà thôi. Kinh nghiệm cho thấy, các giống mới cũng như KHKT mới, nơi nào lãnh đạo quyết liệt thì vào nhanh, nơi nào để dân tự phát thì loang từ từ. Đồng hành cùng J02 những ngày đầu ở Thanh Ba, người cán bộ máu lửa năm xưa Vi Mạnh Hùng nay đã là Bí thư Huyện ủy.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.