Cách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tới thăm Trại thí nghiệm thuộc Sở Nông lâm Hà Nội đã thử đẩy máy cấy lúa thủ công của Nam Ninh (Trung Quốc) sản xuất có công suất bằng 10-15 lao động, gieo lên khát vọng mới cho người nông dân Việt Nam. Thế mà hiện nay, tình hình cơ giới hóa- khâu nặng nhọc của nghề trồng lúa vẫn còn rất khiêm tốn…
Với diện tích cấy lúa hàng năm tới 189.862ha nhưng Hà Nội chỉ có khoảng 5% là cấy máy hay gieo thẳng, đồng nghĩa 95% còn lại phải cấy tay, hơn 5 triệu công lao động nặng nhọc phải dầm mình trong bùn đất lúc giá rét căm căm hay khi nắng hè đổ lửa…
Cảnh tượng hệt như tổ tiên của mình vẫn thường còng lưng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cơ giới hóa đồng bộ đối với sản xuất lúa của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng khâu nào cũng tương đối thuận lợi trừ mạ khay, máy cấy.
Nhiều nông dân có thể vay mượn để đầu tư mua máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hợp nhưng rất hiếm ai dám mua máy cấy, lại càng khó tìm ai dám mở xưởng sản xuất mạ khay kể cả tiền nong có dư dật đi chăng nữa. Thế nhưng có một người dám nghĩ lớn khi mở lối đi riêng là Phạm Minh Đức, Giám đốc Cty Dịch vụ Nông nghiệp Phú Hưng (xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên).
Phạm Minh Đức đang bê khay mạ để giới thiệu cho mọi người về kỹ thuật mới |
Vốn là một cán bộ nhà nước thuộc một cơ quan cũng vào loại có tên, có tuổi bỗng một ngày Đức xin nghỉ việc để về quê làm nông nghiệp trong sự ngăn cản quyết liệt của cha mẹ lẫn người thân: “Đang quần là áo lượt, sung sướng không muốn lại về muốn làm nông dân cho cực khổ hả con?”.
Thế nhưng trước những lời khuyên nhủ thật tâm ấy, Đức vẫn một mực làm theo ý mình. Mấy năm về trước anh đã thành lập ra công ty chuyên làm dịch vụ nông nghiệp mạ khay, cấy máy cho bà con quanh vùng.
Nếu như người nông dân ngâm lúa gieo mạ có hai lần trong một năm thì anh ngâm lúa, gieo mạ quanh năm, suốt tháng để thí nghiệm theo dõi khả năng sinh trưởng, tính toán từng thời điểm phát triển của cây mạ xong rồi lại…bỏ.
Bao đam mê, bao tâm huyết đổ xuống ruộng đồng mới có được cơ nghiệp như hôm nay, nhưng đối với Đức thế vẫn là chưa đủ. Kết hợp với nhà cung cấp máy Chính Đạt, anh mua các thiết bị của Công ty Kubota rồi tiến lên một bước là thành lập hẳn trung tâm mạ khay tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên của huyện.
Ngày 30/11 vừa qua, một lễ khai trương giản dị tại xã Thụy Phú đánh dấu cho sự ra đời của cơ sở này. Đây là 1 trong 5 trung tâm mạ khay của Hà Nội thành lập trong năm nay và dự kiến đến vụ xuân 2019 Thủ đô sẽ có thêm 2 trung tâm nữa.
Điều đặc biệt là khác với hầu hết các trung tâm thuộc hệ thống của ngành khuyến nông, do các trạm khuyến nông huyện quản lý vận hành, đây là trung tâm tư nhân, hoàn toàn chưa nhận bất kỳ sự tài trợ, hỗ trợ nào của nhà nước.
Cty đang có 1 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cấy lúa kiểu ngồi 6 hàng, 2 lò sấy công suất 30 tấn, gần 3 vạn khay mạ, năng lực đáp ứng được 8 vạn khay mạ mỗi vụ, tương đương khoảng trên dưới 300 ha canh tác cho các xã lân cận và cả các huyện bạn.
“Về mạ khay cấy máy người Nhật đã đi trước người Việt khoảng 50 năm, khi thành lập trung tâm này tôi muốn học hỏi sự quy củ, tỉ mỉ và khoa học của người Nhật để mà áp dụng”, anh nói.
Hiện nay mỗi khay mạ làm theo kiểu Việt Nam nặng khoảng 4kg nhưng chuẩn của Nhật chỉ khoảng 2,5 - 2,7kg. Mới nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để đạt trọng lượng đó là cả quá trình kỹ càng từ bao nhiêu hạt giống một khay, ngâm ủ ra sao, chiều cao, màu sắc thân, rễ, lá cũng như độ cứng của cây thế nào… Khay mạ lúc đó vừa nhẹ nhàng tiện cho việc vận chuyển vừa thuận lợi nhất cho sự phát triển sau này của cây lúa sau khi cấy.
Phạm Minh Đức mơ ước về một quy trình khép kín từ cấy lúa đến thu hoạch, sấy, chế biến và thương mại. Tháng 1, tháng 2 tới Cty của anh sẽ cho dựng khoảng 1 - 2 mẫu nhà màng để khi thời vụ lúa thì sản xuất mạ khay, còn hết thời vụ có thể gieo rau màu luân phiên quay vòng khép kín. |