| Hotline: 0983.970.780

'Người rừng', những khắc tinh của lâm tặc

Thứ Sáu 08/11/2019 , 09:39 (GMT+7)

Suốt nhiều tháng liền bám chốt giữa đại ngàn, mỗi khi “xuống núi”, những người lính bảo vệ rừng của Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh, Bình Định) được anh em trong cơ quan đón tiếp bằng lời chào: “Người rừng về xuôi kìa anh em ơi”!

11-10-52_1
6 “người rừng” của Trạm BVR Hà Dế.

Từ khi có “người rừng” định cư giữa những cánh rừng nguyên sinh, lực lượng lâm tặc kể như mất đất làm ăn. “Người rừng” được xem là khắc tinh của lực lượng lâm tặc.
 

Phải sống giữa rừng mới giữ được rừng

Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (viết tắt là Cty Hà Thanh) đóng trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý hơn 13.247ha rừng tự nhiên và hơn 2.647ha rừng trồng. Rừng tự nhiên ở Vân Canh giáp ranh với huyện Kông Chro (Gia Lai) và huyện Tây Sơn (Bình Định), đó là những cửa ngõ lâm tặc lợi dụng để lẻn vào khai thác lâm sản trái phép. Trước đây, rừng tự nhiên ở Vân Canh từng là điểm nóng về nạn khai thác gỗ lậu. Đây chính là thách thức lớn của đơn vị quản lý.

Từ khi dừng khai thác rừng tự nhiên, Cty Hà Thanh được nhận khoản hỗ trợ 200.000đ/ha/năm để tổ chức bảo vệ rừng (BVR). Khoản tiền này vừa đủ để mua công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, áo chống đạn, roi điện, dùi cui; trả lương nhân viên; chi phí cho những đợt truy quét và hợp đồng với các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để thực hiện công tác BVR.

Ấy thế nhưng hiệu quả chẳng có là bao. Ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Cty Hà Thanh, chia sẻ: “Mỗi đợt tuần tra, truy quét phải phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, công an, cán bộ xã, ban quản lý làng và nhân viên Cty có đến gần 30 người. Tiền ăn mỗi người 50.000đ/ngày. Đi 4 ngày mất đứt gần 6 triệu đồng, thế nhưng chẳng cho hiệu quả gì. Bởi, khi mình đi truy quét thì lâm tặc “lặn” hết, khi mình về là chúng túa ra làm”.

“Nặn óc” mãi để nghĩ ra giải pháp BVR tốt hơn, cuối cùng, người đứng đầu Cty Hà Thanh quyết định lập chốt BVR giữa những điểm nóng thì mới may ra giữ được rừng. Nghĩ là làm, trong năm 2019, Cty Hà Thanh thành lập 3 trạm và 1 chốt BVR. Đó làm trạm Hà Dế (xã Canh Liên) trấn giữ cửa ngõ giáp ranh với huyện Kông Chro (Gia Lai); trạm Cà Te (xã Canh Thuận) trấn giữ mặt Bắc giáp với huyện Tây Sơn (Bình Định), mặt Tây giáp với huyện Kông Chro (Gia Lai); trạm Canh Liên nằm ngay xã vùng cao Canh Liên và 1 chốt nằm tại điểm cực nóng là tiểu khu 337 cách trạm Canh Liên hơn 30km đường rừng.

11-10-52_2
Mùa mưa, lâm tặc vận chuyển gỗ lậu bằng cách buộc gỗ vào ruột xe ô tô bơm cứng, thả xuống sông để nước đưa gỗ về xuôi.

Cty Hà Thanh còn hợp đồng với 9 làng đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực với mức hỗ trợ từ 2,5 – 3 triệu đồng/làng/tháng. Các ban quản lý làng nắm bắt tình hình, thấy có biến là thông tin cho cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời ngăn chặn. “Thật ra khoản kinh phí trên chẳng bõ bèn gì so với công việc, chỉ đủ để họ đi lại nắm bắt tình hình, nhưng mừng là họ rất tận tình. Là dân địa phương, rành rõi địa bàn nên họ nắm bắt thông tin rất chính xác”, ông Tùng cho hay.

Rừng Vân Canh còn nhiều gỗ gõ thuộc nhóm IA nên lâm tặc luôn lăm le khai thác trộm. Có đợt lâm tặc tổ chức tấn công rừng Vân Canh rất quy mô, đi 1 lúc 10 “bầu” (tiếng lóng của lâm tặc 1 bầu là 10 người), lâm tặc nối đuôi nhau đi cả đoàn từ làng Cam (huyện Tây Sơn) xâm nhập vào rừng. Nhờ người trong ban quản lý làng phát hiện nên Cty Hà Thanh cử lực lượng kịp thời ngăn chặn.
 

Cuộc sống của những “người rừng”

Từ khi Cty Hà Thanh thành lập 3 trạm và 1 chốt BVR giữa điểm nóng, trụ sở của Cty thường vắng như “chùa bà Đanh”, chỉ còn vài cán bộ phụ trách văn phòng và bảo vệ cơ quan, còn thì tất tần tật thay phiên nhau vào rừng bám chốt.

Trạm BVR Canh Liên có 9 người, 6 người trong đó phải “định cư” ở chốt nóng; trạm Cà Te 3 người, trạm Hà Dế 6 người. “Cty phải thắt lưng buộc bụng để trả phụ cấp tiền ăn, tiền lưu trú cho anh em bám trạm, bám chốt. Nhân viên thì mỗi tháng thay quân 1 lần, trạm trưởng thì 3 tháng về nhà 1 lần. Biết anh em sống giữa rừng cơ cực, nên chúng tôi thường xuyên động viên anh em ráng giữ lấy rừng. Phấn khởi là ai nấy đều hết lòng với công việc”, ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Cty Hà Thanh bộc bạch.

Cả đêm lẫn ngày, nhìn qua ngó lại đâu đâu cũng thấy rừng; tai ngóng phía nào cũng nghe tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim rừng khắc khoải. Anh em đồng sự chẳng mấy người, nhưng cả ngày ai nấy đều lội rừng nên chẳng mấy khi được trò chuyện. Đó là cuộc sống những “người rừng” của Cty Hà Thanh.

Từ trung tâm huyện Vân Canh muốn lên trạm Canh Liên, chiếc xe máy phải bò trên những cung đường đèo dốc dựng ngược, cao ngất. Dẫu đã được bê tông hóa, nhưng với những người lính BVR quen đường thuộc lối mà cũng phải mất đến 1 tiếng đồng hồ mới đi đến nơi, còn với người miền xuôi mới đi lần đầu phải mất đến 2 tiếng.

“Trạm Canh Liên có 9 người, thay phiên nhau cắt 6 người thường xuyên cắm chốt tại tiểu khu 337, điểm nóng phá rừng nằm cách trạm hơn 30km. Mùa nắng, từ chốt về trạm còn đi xe máy được, mùa mưa phải đi bộ qua 2 con sông đến làng Cát mất 1 tiếng đồng hồ rồi mới đi xe máy về trạm. Mà phải đi 2 – 3 người chứ một mình không dám đi, bởi giữa rừng, mưa gió tứ bề không biết chuyện gì xảy ra, nguy hiểm lắm.

Mùa nắng anh em cắm chốt còn ăn được đồ tươi do trạm tiếp tế, mùa mưa lũ chỉ biết muối, cá khô, mắm khô. May là trong chốt có điện năng lượng mặt trời nên anh em cũng đỡ buồn. Chỉ khổ là không có sóng điện thoại. Dò tìm mãi mới tìm ra được một chỗ có sóng nhưng rất yếu, anh em đóng ngay chỗ đó chiếc hộp gỗ, 1 chiếc điện thoại được bỏ thường xuyên trong hộp để nhận liên lạc từ trạm”, anh Nguyễn Văn Hải, trạm trưởng trạm Canh Liên kể.

Theo anh Hải, hàng ngày, những người lính BVR ở đây chia thành từng tổ đi tuần tra rừng. Đi tiểu khu gần thì về trong ngày, tuần tra ở tiểu khu xa mất 3 – 4 ngày phải mang võng, gạo, thức ăn theo, đi đến đâu nấu ăn ngủ nghỉ đến đó.

11-10-52_3
Những người lính BVR của Cty Hà Thanh đi tuần tra.

Năm nay đã 51 tuổi, nhà ở tận huyện Phù Mỹ, nhưng trạm trưởng trạm BVR Canh Liên 3 tháng trời mới được về nhà thăm vợ thăm con được một lần. Buồn, khổ, nhưng công việc mà anh cùng các đồng sự đang làm mang lại hiệu quả thiết thực đã trở thành nguồn động viên lớn lao. Theo lời kể của anh Hải, từ khi lực lượng BVR có mặt ở đây, tình hình phá rừng trái phép trong khu vực giảm rõ rệt. Tiểu khu 337 là điểm nóng phá rừng từ xưa, nơi ấy có con sông Bung chảy về Hầm Hô (huyện Tây Sơn). Trước đây, lâm tặc vào đây khai thác gỗ, xẻ thành từng phách, giấu trong rừng. Đến mùa mưa, chúng vô kết những phách gỗ thành bè, cột lên những chiếc ruột xe ô tô được bơm căng, thả xuống sông Bung để nước đưa về Hầm Hô rồi đưa đi tiêu thụ.

“Trong một chuyến tuần tra, chúng tôi phát hiện dọc sông Bung có đến 120 cái ruột xe ô tô chưa bơm dấu dưới những lùm cây từ trước đó, chúng tôi thu tất và tiêu hủy tại rừng. Từ khi chúng tôi đóng chốt, điểm nóng khai thác rừng trái phép đã nguội hẳn”, anh Hải cho hay.

“Từ khi chúng tôi lập các trạm, chốt BVR, tình hình khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn đã giảm thiểu rõ rệt, anh em bám chốt đươc lâm tặc xem như là khắc tinh. Dẫu ở nơi heo hút, nhưng tất cả các trạm BVR của Cty đều được xây dựng kiên cố, có phòng làm việc, phòng ngủ cho nhân viên hẳn hoi. Trong khuôn viên trạm được đào ao thả cá, nuôi gà vịt, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. Sang năm 2020, chúng tôi tiếp tục củng cố mô hình này và tăng cường thêm nhân, vật lực cho những trạm BVR”, ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Cty Hà Thanh.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm