| Hotline: 0983.970.780

Người Sài Gòn chung sống với nước ngập đến bao giờ?

Thứ Bảy 08/12/2018 , 09:05 (GMT+7)

Chỉ một cơn bão số 9 lướt qua và tạo ra một cơn mưa dai dẳng, cả Sài Gòn chới với trong nước ngập mênh mông. Nhiều ngày sau, vài khu vực ngoại thành vẫn phải bì bõm ứng phó với vấn nạn Thủy Tinh.

Bình thường, hễ mưa thì nước ngập. Người Sài Gòn đã quen như vậy, nhưng cơn bão số 9 kéo theo hiện tượng nước ngập quá hãi hùng. Mấy ngày sau khi bão tan, nhiều tuyến đường ở Thủ Thiêm vẫn phải khiến những ai muốn đi học, đi làm phải lặp ngụp trong vất vả. Nhiều tuyến đường được xem như điểm nóng về ngập nước ở nhiều quận khác nhau, càng trở nên thảm hại hơn với cảnh vật đau lòng.

15-22-17_nuoc_ngp_1

Nói cho sòng phẳng, sau cơn bão số 9 vừa rồi, người Sài Gòn không còn rụt rè hỏi nhau nơi nọ nơi kia có ngập nước không, mà phải cay đắng hỏi nhau nơi nào chưa ngập nước? Và sự thật nơi nào chưa ngập nước là may mắn, vì giải pháp chống ngập nước cho Sài Gòn đang bế tắc, giữa bao nhiêu lời hứa hẹn thơm tho và bao nhiêu lời cam kết hoành tráng!

Chuyện chống ngập ở đô thị cũng giống như chuyện tưới tiêu ở nông thôn. Việt Nam qua tích luỹ sản xuất nông nghiệp đã có không ít chuyên gia thủy lợi cho vụ chiêm vụ mùa trên đồng ruộng, nhưng lại quá khan hiếm những chuyên gia về thoát nước cho thành phố.

Xung quanh Sài Gòn hiện tại đã có ba hồ chứa nước có dung tích lớn là hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng và hồ Phước Hòa, nhưng đưa nước về cho dân sinh hoạt lại dễ dàng hơn thoát nước ra cho dân khỏi phải bơi trên cạn. Hệ thống thoát nước TP.HCM được xây dựng từ những năm 1870 và đến nay đã quá cũ kỹ, quá lạc hậu. Vì sao? Vì lúc ấy, quy hoạch hệ thống thoát nước chỉ tính toán cho dân số 2 triệu người, mà bây giờ Sài Gòn đã phải gánh gần 20 triệu người nếu tính cả dân trong hộ khẩu và ngoài hộ khẩu. Nhìn vào thực trạng hệ thống thoát nước của Sài Gòn không khó để nhận ra, kích thước của cống quá nhỏ, nước không kịp thoát và gây ngập. Hệ thống thoát nước trước đây không còn đắc dụng, mà hệ thống thoát nước được xây dựng thêm trong vài năm gần đây cũng không phát huy được giá trị.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Bùi Xuân Cường thì dù cố tỏ vẻ lạc quan vẫn không giấu được nỗi bi quan: “Chưa tính hệ thống kênh rạch, hệ thống cống thoát nước đô thị của TP.HCM có tổng chiều dài 4.176 km, với 68.000 cửa thu nước và hơn 1.000 cửa xả. Để đảm bảo cho hệ thống cống thoát nước hoạt động, Cty TNHH MTV Thoát nước - Đô thị đã bố trí hơn 800 người trực tiếp làm công tác nạo vét và hơn 300 công nhân phải chui xuống cống hàng ngày. Các công nhân còn phải thường xuyên kiểm soát nguồn rác thải, vệ sinh trên vỉa hè, kiểm soát rác không để rơi xuống hố ga hoặc cống. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước của TPHCM vẫn có rất nhiều cửa xả, miệng cống thường xuyên bị rác che lấp và bốc mùi”.

Lối sống tùy tiện của cư dân khiến hệ thống thoát nước lắm phen tắc nghẽn vì rác thải. Đó chỉ là một nguyên nhân rất phụ. Bởi lẽ, khả năng bao quát và tu chỉnh hệ thống thoát nước tại Sài Gòn còn quá nhiều bất cập. Riêng vấn đề thường xuyên đánh giá hiện trạng nhằm xác định cụ thể các đoạn cống hư hỏng hoặc những đoạn cống có kích thước không phù hợp để sửa chữa, thay thế đã không được thực hiện một cách thấu đáo. Ngoài ra, chưa thấy cơ quan nào khẩn thiết với nhu cầu phải có ngay bản đồ hiện trạng hệ thống thoát nước Sài Gòn với các thông số kỹ thuật đầy đủ về đường kính, chiều dài, độ dốc từng đoạn cống, độ sâu chôn cống…để các chuyên gia và người dân cùng chung tay hiến kế cho hành trình chống ngập gian nan của đôi thị lớn nhất phương Nam.

Nếu nói Sài Gòn không tích cực chống ngập thì cũng oan uổng. Dự án vẫn triển khai, tiền tỷ vẫn rót đều đều. Nổi bật nhất là công trình chống ngập có kinh phí 10 nghìn tỷ đồng được nhiều giới, nhiều ngành quan tâm. Trước đây, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã lập quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020, nhưng chủ yếu phục vụ cho vùng nội thành cũ và một phần khu vực phát triển mới. Quy hoạch này chưa đầy đủ, thời hạn quy hoạch sắp hết và số liệu quy hoạch đã lạc hậu. 

15-22-17_nuoc_ngp_2

Trên lý thuyết thì chỉ cần có dự án thì Sài Gòn sẽ hết ngập, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bởi lẽ, khu vực ngoại thành Sài Gòn đã thay đổi mục đích sử dụng đất và bê tông hóa mạnh mẽ, còn khu vực nội thành thì hệ thống tthoát nước xuống cấp và không được tu bổ hữu hiệu. Quan trọng hơn, hệ thống thoát nước tự nhiên như kênh rạch đã bị san lấp, lấn chiếm thu hẹp dòng chảy. Muốn Sài Gòn hết ngập thì trả lại kênh rạch ngày xưa? Đó là thách thức mà nhiều thế hệ lãnh đạo TP.HCM không thể trả lời được. Lý do, đã ban hành những quy hoạch thiếu cân nhắc về môi trường.

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các đô thị phải đảm bảo diện tích mặt nước tối thiểu là 17% diện tích tự nhiên. Thế nhưng, TPHCM lại đưa ra quy hoạch phát triển không gian đô thị đến năm 2025 với diện tích sông rạch còn trên 32.000 ha, chiếm 15,3% tổng diện tích đất tự nhiên, bao gồm cả diện tích sông lớn như sông Sài Gòn, Nhà Bè và vùng Cần Giờ. Như vậy, mảnh đất kênh rạch chằng chịt với địa danh Bến Nghé thuở nào, đã chấp nhận không còn kênh rạch cho quá trình thoát nước. Sài Gòn không thiếu tiền để chi phí cho các công trình chống ngập nước, nhưng không còn sự hỗ trợ của hệ thống kênh rạch, thì mọi giải pháp đều trở nên mơ hồ. May ra, thay thế cho kênh rạch chỉ còn cách xây dựng các hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản. Liệu có làm được không?

(Kiến thức gia đình số 49)

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.