| Hotline: 0983.970.780

Người “say” rượu đoác

Thứ Sáu 28/05/2010 , 08:38 (GMT+7)

Đây là thứ rượu được lấy từ cây đoác (còn gọi là cây tà-vạt), ngâm với vỏ cây chuồn đã phơi khô mà thành, tuyệt nhiên không có trộn lẫn một hoá chất nào...

Ông Lê Văn Hoàng lấy rượu đoác từ trên cây
"Đây là thứ rượu được lấy từ cây đoác (còn gọi là cây tà-vạt), ngâm với vỏ cây chuồn đã phơi khô mà thành, tuyệt nhiên không có trộn lẫn một hoá chất nào. Rượu đoác uống vào nồng nồng, cảm giác chỉ lâng lâng chứ không say” lời giới thiệu của ông Quỳnh Hồng 78 tuổi (thôn 4, đội 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), người làm rượu đoác ngon nhất bản, đã không hoài công khi chúng tôi lặn lội gần 70km đường đèo để đi tìm tới đây.

Bốn đời làm "rượu trời"

Rượu đoác là thức uống mang đậm nét văn hoá của người Tà Ôi ở miền rẻo cao A Lưới. Trong các lễ hội, mùa tết, cưới hỏi, rượu đoác luôn có sẵn trên bàn tiệc của người Tà Ôi. Vào nhà nghệ nhân Quỳnh Hồng, khi chúng tôi có ý định tìm hiểu về rượu đoác, ông xua tay: “Hỏi nhiều mà làm chi, tui nói mấy anh cũng không hiểu hết đâu. Vào nhà làm vài bát, biết cái hương vị của nó ra răng (như thế nào) rồi mới viết được. Lên A Lưới mà chưa uống rượu đoác thì xem như chưa lên đó nhé”.

Mang chiếc can nhựa đựng rượu có màu trắng sữa từ trong buồng, ông trút đầy trong cốc, mời chúng tôi, uống một hơi cạn. Trong men rượu cay nồng, một chút đắng chát thanh thanh đầu lưỡi bởi vỏ cây tự nhiên, ông kể: “Với người Tà Ôi, không biết rượu đoác có từ lúc nào. Nghe mấy cụ truyền tai nhau, khi xưa những người thợ đi săn, lạc trong rừng mấy ngày liền, cơm không có ăn, nước không có uống. Lúc sắp tuyệt vọng họ phát hiện ra loại cây có thân, lá như cây dừa, bắt gặp dòng nước chảy ra từ thân cây, họ liền chặt ngọn có nước uống rất mát, ngon. Khi thoát chết trở về, họ “nhớ mặt” loại cây này, từ đó biết làm rượu từ cây đoác để uống. Dần dần, người dân biết đến rượu đoác và sử dụng rộng rãi trong bản làng. Đến nay, ngoài gia đình tui, còn hơn chục hộ biết làm rượu đoác. Nhà tui làm rượu đoác đến nay đã được 4 đời, mỗi thời kỳ dù ít hay nhiều gia đình đều có làm để giữ nghề. Có khi làm ra để thưởng thức, có khi bán hay biếu bà con thôn bản làm quà”.

Từ nhỏ, ông Quỳnh Hồng đã biết theo cha băng rừng cắt cây đoác, ông học hỏi những kinh nghiệm về chọn loại cây to, lấy được nhiều rượu, nhận diện được loại cây chuồn, mang về ngâm với rượu đoác làm cho hương vị rượu thêm nồng, có mùi vị đặc trưng. Cứ như thế, năm này qua năm khác, dân bản truyền nhau kinh nghiệm làm rượu đoác, lúc rảnh rỗi mùa rẫy, dân bản lại theo ông Hồng lên các cánh rừng dọc đại ngàn Trường Sơn tìm cây đoác, cây chuồn mang về làm rượu bán. Khi rượu đoác đã phổ biến, người dân A Lưới đã biết mang hạt giống cây đoác, cây chuồn từ rừng về trồng, lấy rượu cho tiện. Từ đó, công nghệ làm rượu đoác cũng ra đời.

Chỉ tay ra phía vườn sau, nghệ nhân Quỳnh Hồng cho hay: “Từ đời bố tui, hơn chục cây đoác này đã được trồng, lấy rượu mãi cho đến nay vẫn không cạn. Cây đoác càng già cho rượu càng ngon. Mấy chục năm nay, tui giữ được nghề cũng nhờ vườn cây này”.

Nghệ nhân Quỳnh Hồng (bìa phải) thưởng thức rượu đoác

Làm rượu trên… cây

Dẫn chúng tôi ra vườn, chỉ vào thân cây đoác non vòng tay người ôm, nghệ nhân Quỳnh Hồng giới thiệu về công nghệ chọn cây làm rượu đoác: “Khi tìm thấy cây đoác thân lớn, già ưng ý, phải dùng rựa dọn sạch cây leo, lá bụi bám quanh cây, với những cây đoác cao thì phải lấy rượu từ trên cây. Dựa vào bẹ lá cây đoác khá chắc, mình cho làm giàn (như nhà sàn) ở trên cây, lấy dao sắc cắt một đường ngang ở ngọn cây, dùng nilon bịt lại trên đầu phòng khi nước mưa, sương sớm vào làm nhạt rượu, để như thế một tuần sau đó dùng ống tre lồ ô chọc vào vết cắt cho rượu chảy từ vết cắt ra vào can.

Công đoạn cắt ngọn cây đầu tiên được làm khá tỉ mỉ để làm sao cho ngọn cây đoác không bị thối, cho được nhiều rượu trong nhiều tháng sau đó. Nếu cây đoác lâu năm, thân tốt, sau tuần đầu, ngày đầu tiên hứng rượu có thể cho cả chục lít. Sau một ngày phải cắt ngọn cây một phân để cây cho rượu mới. Mỗi ngọn cây đoác từ 4-5 năm tuổi cho rượu từ 3-4 tháng mới hết, sau đó cho cây nghỉ sức, thời gian sau mới lấy rượu lại được. Rượu đoác được lấy hoàn toàn từ tự nhiên, không trộn lẫn bất cứ một hoá chất nào, vì thế người uống vào không đau đầu, không say bí tỷ, không độc hại như rượu ngoài thị trường”.

Khi rượu đoác được hứng vào can có vị thơm, ngọt, để tăng thêm hương vị cay nồng, thơm vị men đặc trưng cho người uống, những nghệ nhân làm rượu đoác thường lấy vỏ cây chuồn phơi từ 3-4 ngày nắng, sau đó mang ngâm vào rượu chừng một ngày là có thể uống được. Hỏi về kinh nghiệm làm rượu đoác, nghệ nhân Quỳnh Hồng chia sẻ: “Ngoài công đoạn cắt ngọn cây đoác sao cho nhiều rượu, nếu sau khi cắt một tuần mà đoác vẫn không cho nước, có thể lấy ớt chín chà vào vết cắt, lấy lá môn giã mịn bịt lại, khi cây đoác cho rượu, thấy bọt trắng sủi lên xem như công đoạn làm rượu đoác đã thành công”.

Ở thôn 4 thị trấn A Lưới, có hàng chục gia đình ngày đêm băng rừng cắt đoác về làm rượu bán. Khi những cây đoác trồng sau vườn đã qua mùa khai thác, cần cho cây nghỉ lấy sức, cũng là lúc dân bản cắt rừng tìm đoác. Theo ông Lê Văn Hoàng (54 tuổi), một người làm rượu đoác nức tiếng ở A Lưới thì cây đoác thuộc họ dừa, phân bố nhiều trên cánh rừng trường sơn hay các mạn giáp Lào. Cứ mỗi lít rượu đoác được bán từ 6 đến 7 nghìn đồng vì thế cũng mang lại thu nhập kha khá cho những hộ dân làm rượu đoác.

Với nghệ nhân Quỳnh Hồng, làm rượu đoác không chỉ để uống, để bán hay để biếu thôn dân trong bản mà còn là niềm đam mê, gìn giữ nét truyền thống, một đặc sản hiếm có của người Tà Ôi. Ông Hồng tâm sự: “Trong các lễ hội truyền thống của người Tà Ôi từ xưa đến nay không thể thiếu hương vị của rượu đoác. Trong khi lớp trẻ hiện nay đua đòi theo các thứ rượu ngoài thị trường, uống vào vừa hại sức khoẻ, vừa gây mất an ninh trật tự, hạnh phúc gia đình thì giữ được nghề truyền thống làm rượu đoác cho buôn làng là điều thiết thực hơn cả”.

Với quan niệm giữ lửa truyền thống cho dân bản, trong mấy chục năm qua, nghệ nhân Quỳnh Hồng đã không quản ngại khó khăn, gian khó băng rừng cắt đoác, giữ được nghề làm rượu đoác của người Tà Ôi. Ông như người “say” rượu đoác đến bất tận!

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tiền Giang lý giải việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Tỉnh Tiền Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn tại huyện Tân Phú Đông.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió: Cấm lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả

Lực lượng chức năng cấm tất cả phương tiện (trừ xe 2 bánh) lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả do sự cố sụt lún khu vực hầm đường sắt Bãi Gió.

Bình luận mới nhất