| Hotline: 0983.970.780

Người tâm huyết với nhiên liệu sinh học

Thứ Ba 25/05/2010 , 10:27 (GMT+7)

Ông là PGS.TS Hồ Sơn Lâm, cán bộ nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (IAMS), tác giả của công nghệ ép các loại hạt cây có dầu tạo ra nhiên liệu sinh học và nhiều sản phẩm hữu ích khác…

PGS.TS Hồ Sơn Lâm

Ông là PGS.TS Hồ Sơn Lâm, cán bộ nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (IAMS), tác giả của công nghệ ép các loại hạt cây có dầu tạo ra nhiên liệu sinh học và nhiều sản phẩm hữu ích khác… Gặp chúng tôi, ông vui vẻ chia sẻ về ý tưởng trong những công trình nghiên cứu mới nhất của mình…

HÀNH TRÌNH TÌM NGUỒN NHIÊN LIỆU SINH HỌC

Chúng tôi tìm gặp PGS.TS Hồ Sơn Lâm đúng lúc ông vừa đi giảng trên lớp về, tại phòng làm việc, ông lôi ra hàng “tá” kết quả các công trình nghiên cứu khoa học đã được công nhận, nhưng hầu hết vẫn còn cất trong… kho, chưa có điều kiện chuyển giao. Đặc biệt, công trình nghiên cứu thành công gần đây nhất của ông cùng nhóm các nhà khoa học trong Viện Khoa học vật liệu ứng dụng về việc ép các loại hạt cây có dầu tạo ra nhiên liệu sinh học và nhiều sản phẩm khác như thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học… Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu công trình này, ông Lâm hào hứng kể: Từ những năm 1995 -1999, khi đang có chương trình 5 triệu ha rừng ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, qua khảo sát thực tế ở các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng thấy có trồng rất nhiều loại cây có dầu như cây dầu hạt sở, cây đen, trẩu...

Với diện tích mỗi loại cây có khoảng từ 30.000-40.000 ha. Tuy nhiên, hầu hết những loại cây này đều bị bỏ hoang, người dân địa phương đang đốn dần để chuyển sang trồng cây khác khiến diện tích bị thu hẹp dần. Theo ông Lâm, những loại cây này có đặc điểm lá xanh quanh năm, rất dễ trồng, phát triển trên vùng đồi núi rất tốt, giữ nước, chống xói mòn đất và hạn chế được nạn cháy rừng. Đặc biệt, những loại cây này còn dùng để chế biến được nhiều sản phẩm khác từ hạt và kể cả thân cây, rễ cây… Do vậy, IAMS đã yêu cầu ông Lâm tiến hành nghiên cứu về các loại cây có dầu nhằm giúp người dân nghèo nơi đây sẽ ổn định kinh tế được bằng việc trồng và phát triển những loại cây này. Đồng thời, ông Lâm cũng mạnh dạn đề xuất với các tỉnh nên kết hợp đưa các loại cây có dầu vào chương trình phát triển 5 triệu ha rừng rất phù hợp.

Ngay thời điểm đó, ông Lâm đã phải “cắm chốt” tại các tỉnh này tiến hành thu thập các loại mẫu cây dầu, hạt dầu, cây đen, cây lai, cây sở, trẩu… để về nghiên cứu thổ nhưỡng, giống… Năm 1999, ông bắt đầu xây dựng đề tài và sau đó hình thành cả một chùm đề tài nghiên cứu về cây có dầu trên địa bàn tỉnh Hà Giang để phục vụ cho chương trình phát triển 5 triệu ha rừng; hay chế biến dầu hạt trẩu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho tỉnh Cao Bằng (vì Cao Bằng đang có sẵn nhà máy chế biến dầu hạt trẩu, nhưng chất lượng không cao, chỉ hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả)… Từ những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được Viện IAMS đánh giá rất cao và khuyến khích tác giả tiếp tục nghiên cứu sản xuất thử nghiệm ở quy mô pilot, với công suất 20 kg/mẻ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu bã trẩu vào sử dụng các chất hoạt tính sinh học, bột trẩu làm thức ăn gia súc; còn vỏ trẩu và vỏ sở làm ván ép…

TIỀM NĂNG VẪN CÒN BỎ NGỎ

Năm 2005-2008, ông bắt đầu nghiên cứu sản xuất thử nhiên liệu sinh học ở qui mô pilot, với công suất 100 kg/ngày. Bên cạnh đó nghiên cứu thêm nhiều loại hạt khác có sẵn trong phạm vi cả nước như cây cọc rào (Gia Lai), hạt cao su (Bình Phước), hạt gòn, chôm chôm (Tiền Giang), hạt bông (Ninh Thuận), hạt chè (Lâm Đồng)… Tất cả đều sử dụng công nghệ chiết lấy chất hoạt tính và lấy dầu béo làm nhiêu liệu sinh học. Còn lại bã của những loại hạt này dùng làm thức ăn gia súc và làm phân bón sinh học.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tế nhiều năm (khoảng 10 năm) cho đến nay ông Lâm tự hào khẳng định chúng ta đã có thể sản xuất thành công nhiên liệu sinh học bằng nguồn nguyên liệu các loại hạt có dầu tại VN. Từ đó có thể hình thành tiếp cụm công nghệ không bã thải gồm: nhiên liệu sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, thức ăn gia súc, phân bón sinh học, glyxerin thô… để chuyển hóa thành xăng sinh học rất hiệu quả. PGS.TS Hồ Sơn Lâm dẫn chứng cụ thể: Ví dụ cứ 1 kg hạt chôm chôm có từ 350-400 gram vỏ, hạt, sau khi ăn xong người dân thường thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm thì họ có thể thu gom lại để bán cho nhà máy chế biến thành phân bón hay các loại thức ăn gia súc rất tốt vì chúng có lượng đạm cao.

“Hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học của chúng tôi đã được công nhận kết quả tốt, nhưng khi triển khai sản xuất thì lại không có nguồn kinh phí. Hơn nữa, nhà nước rất ít quan tâm đến những đề tài này, khiến đội ngũ những nhà khoa học chúng tôi rất mệt mỏi. Nếu có đơn vị nào cần tiếp nhận toàn bộ công nghệ để triển khai thì Viện cũng sẵn sàng chuyển giao!”, PGS.TS Hồ Sơn Lâm nói.

Hoặc với hạt chè cũng có thể chế biến từ các chất hoạt tính để làm thuốc trừ sâu, còn bã làm thức ăn gia súc, phân bón… Theo ông Lâm, trình độ chuyên môn của các nhà khoa học VN lĩnh vực này không thua kém bất cứ nước nào trong khu vực cũng như trên thế giới. Dù vậy, từ những kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ở các nước khác mới có điều kiện để phát huy tốt, còn ở VN dù đã có kết quả nghiên cứu tối ưu vẫn… bó tay vì không có đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để thực hiện chuyển giao ứng dụng. Tiềm năng vẫn mãi còn bỏ ngỏ, chưa phát huy được hiệu quả!

Trao đổi với PV NNVN, PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho biết, có nhiều đơn vị tìm đến Viện đặt vấn đề chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu dự án xong đều “lặn” mất tăm không dám quay lại chỉ vì “vướng” nguồn kinh phí đầu tư, hoặc có thể do họ chưa thực sự tin tưởng. Theo ông Lâm, để chuyển giao được hiệu quả, lẽ ra mình phải có được sản phẩm thực tế, chứ đằng này chỉ dựa vào kết quả dự án mà các nhà khoa học đã nghiên cứu thì cũng không tạo được niềm tin khách hàng. Do vậy, để tạo ra được sản phẩm thì lại cần có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, phải xây dựng được nhà máy. Vòng luẩn quẩn như vậy đã từng được “mổ xẻ” tại rất nhiều hội nghị, hội thảo cấp quốc gia nhưng cũng chẳng giải quyết đến đâu, khiến cho đội ngũ các nhà khoa học thường… mất hứng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất