| Hotline: 0983.970.780

Người Thái đi bầu cử trong hỗn loạn

Chủ Nhật 02/02/2014 , 09:52 (GMT+7)

Ủy ban Bầu cử thì cho biết đang lo lắng bởi những cuộc bạo động và đã chuẩn bị tinh thần cho "trận mưa" khiếu nại và thách thức về kết quả bầu cử.

Cử tri Thái Lan hôm nay bỏ phiếu với hàng rào an ninh thắt chặt, trong cuộc bầu cử có thể đẩy đất nước tới những hỗn loạn và chia rẽ sâu sắc hơn và người chiến thắng tiếp tục phải đối mặt với biểu tình cùng các khó khăn về mặt lập pháp.

72700088-72700049-9922-1391306380.jpg

Một điểm bỏ phiếu tại Thái Lan trước giờ mở cửa. Ảnh: Reuters

Hàng triệu người Thái đang bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử mà phe đối lập và người biểu tình tuyên bố tẩy chay. Người biểu tình chống chính phủ nói rằng họ sẽ phá vỡ bầu cử trên toàn quốc và tiếp tục chiến dịch để buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải ra đi.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8h và Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết kết quả sẽ không có ngay trong ngày. Bà Yingluck đã bỏ phiếu ngay sau giờ mở cửa ở điểm bầu cử gần nhà bà tại Bangkok, BBC cho hay.

Ủy ban Bầu cử thì cho biết đang lo lắng bởi những cuộc bạo động và đã chuẩn bị tinh thần cho "trận mưa" khiếu nại và thách thức về kết quả bầu cử.

"Đã có rất nhiều rào cản, rất rất nhiều, trong mỗi bước để đến được ngày bầu cử này", Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Puchong Nutrawong nói với Reuters.

Nguy cơ đổ máu trong ngày bỏ phiếu tăng cao sau khi 7 người bị thương bởi súng và những vụ nổ trong cuộc đụng độ giữa người ủng hộ và phản đối Thủ tướng Yingluck ở khu vực "sân nhà" của đảng Puea Thai của bà ở phía bắc Bangkok hôm qua.

Những áp phích vận động tranh cử, biển hiệu bóng bẩy và lời hô hào đi bầu cử không hề xuất hiện trước cuộc bầu cử lần này, trong khi hàng triệu cử tri lo ngại bạo lực hoặc bị làm sai lệch kết quả bầu cử.

Bà Yingluck dường như sẽ không thể ăn mừng chiến thắng bởi còn quá nhiều khó khăn trước mắt. Đầu tiên là không đủ số ghế để thành lập quốc hội hoặc bạo lực sẽ phá hỏng ngày bầu cử. Sau đó, bà có thể phải đối mặt với những tấn công pháp lý và không thể thông qua những chính sách và chi tiêu ngân sách quan trọng để khôi phục nền kinh tế.

Tuần trước, bà Yingluck từ chối hoãn cuộc bầu cử dù một phần năm số người đăng ký đi bầu cử sớm không thể bỏ phiếu vì người biểu tình chặn bên ngoài 49 trên 50 điểm bầu cử ở Bangkok. Tại 28 khu vực bầu cử ở miền Nam, không có phiếu bầu để kiểm đếm bởi các ứng cử viên không thể đăng ký tranh cử.

Hôm nay, hơn 130.000 nhân viên an ninh được triển khai trên khắp đất nước, trong đó 12.000 nhân viên được huy động tại Bangkok, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattantabutr cho hay.

"Chúng tôi tự tin sẽ không quá hỗn loạn", ông nói.

Nhiều người Thái cho biết đang chứng kiến lịch sử lặp lại, với những vòng bầu cử, những cuộc biểu tình, can thiệp quân sự và tư pháp, từng chia rẽ đất nước và dẫn đến đổ máu năm 2010. Khi đó những người "áo đỏ" ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra biểu tình phong tỏa thủ đô và thề bảo vệ chính phủ không bị lật đổ.

Đến nay, quân đội Thái Lan thể hiện thái độ trung lập, nhưng ngành tư pháp công bố một số lượng lớn vụ kiện trong hai tháng qua chống lại bà Yingluck và đảng Puea Thai, có thể dẫn đến giải thể đảng này và cấm các chính trị gia của đảng hoạt động.

Cũng có một khả năng khác là cuộc bầu cử phải hủy bỏ, giống như năm 2006. Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay bỏ phiếu và Ủy ban Bầu cử đang lo ngại về khả năng bị kiện và có quá ít nghị sĩ được bầu hợp pháp để thành lập quốc hội.

Không có đủ số đại biểu cần thiết để bầu thủ tướng, dường như bà Yingluck sẽ còn giữ chức thủ tướng tạm quyền trong nhiều tháng tới. Ngay cả với nhiệm vụ mới, chắc chắn bế tắc sẽ vẫn kéo dài, giúp cho các đối thủ của bà có thêm thời gian và các cơ hội pháp lý để lật đổ bà.

"Phe của bà Yingluck ngày càng yếu hơn, dẫn đến một chính phủ lâm thời với thẩm quyền giảm sút và tăng nguy cơ bị công kích, trong khi tình hình phong tỏa Bangkok thì lên đến ngưỡng không thể chịu đựng nổi nữa", Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia về chính trị Thái Lan tại Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, nói.

Theo VnExpress

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất