| Hotline: 0983.970.780

Người thắp lửa

Thứ Bảy 02/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Năm 2009 được coi là một năm có nhiều khởi sắc, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp ở tỉnh miền núi Thái Nguyên. Làm nên sự chuyển dịch này, từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh đều phải chung tay, nhưng nếu những người cầm chịch không sốt sắng, không vì trách nhiệm, thì việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đồng ruộng cũng chỉ chìm trong phẳng lặng. 

Mũi tên 2 đích

Cây đậu tương là chuyện đáng nói của nông nghiệp Thái Nguyên năm qua. Đó là sự chuyển đổi cơ cấu giống, khai thác hiệu quả hàng vạn ha đất một vụ trong tỉnh. Việc triển khai hướng đột phá này, ngành nông nghiệp được Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Viết Thuần, cực kỳ ủng hộ. Sự đổi mới này, Võ Nhai - huyện miền núi có tới 60% diện tích chỉ cấy được 1 vụ lúa mùa là một điển hình. Võ Nhai còn có 17,8 ngàn ha đất trồng ngô trên nương rẫy thường bỏ hoá vụ hè thu, diện tích này có thể đưa cây đậu tương vào gieo trồng. Vụ xuân và hè thu năm 2009, Viện Di truyền NN hợp tác với tỉnh Thái Nguyên chuyển giao các giống đậu tương mới, vào cơ cấu đậu tương của một số huyện. Mô hình được thực hiện ở Bình Long, một xã thuộc diện 135 của Võ Nhai, đã thành công. Kết quả các giống DT90, DT96, DT2001 và DT2008 đều phát triển tốt trong đó DT2008 là giống nổi trội, năng suất đạt 34,8-43,2 tạ/ha, cao gấp 3-4 lần giống địa phương đối chứng.

Các giống DT84, DT96, DT90 vụ xuân đều đạt năng suất trên 20 tạ/ha, DT2001 vụ hè thu đạt 39,3 tạ/ha, gấp từ 1,8-2 lần so với giống đối chứng, lãi thuần 1 ha giống này đạt 29 triệu đồng trong khi đó giống địa phương chỉ lãi 2,6 triệu đồng/ha. Nếu như ông Phó Chủ tịch tỉnh nói về “mũi tên 2 đích” của cây đậu tương trên đất Thái Nguyên, thì ông Nông Thế Mạnh, chủ tịch UBND xã Bình Long, không giấu nổi niềm vui, khoe rằng: “Bình Long có làng nghề truyền thống làm đậu phụ, 30/50 hộ ở xóm An Long làm đậu chuyên nghiệp, kinh tế của xóm này khá hơn các xóm khác.

Khi diện tích đậu tương tăng lên, chủ trương của xã sẽ nhân rộng thêm nhiều xóm làm nghề đậu phụ”. Thế là ở Bình Long, cây đậu tương giống mới của Viện Di truyền NN rõ là mũi tên 2 đích. Xã đã vậy, còn huyện thì phấn khởi hay tin tỉnh có kế hoạch phê duyệt đề tài ứng dụng khoa học công nghệ giai đoạn 2010-2011, đưa giống đậu tương mới chịu hạn, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao trên đất 1 vụ, góp phần phát triển thương hiệu sản xuất đậu tương ở Võ Nhai.  

Ông Đặng Viết Thuần (người đứng giữa ) cùng PGS . TS Mai Quang Vinh trên ruộng đậu tương giống mới tại xã Bình Long 

Nuôi cá hồi: Chuyện không lạ

Về Võ Nhai tưởng chỉ để nghe chuyện cây đậu tương, ngờ đâu, chúng tôi lại nghe được thông tin mới, cũng từ huyện này đã tìm ra mỏ nước lạnh nuôi cá hồi, một sự kiện của tỉnh Thái Nguyên.

Quê hương cá hồi vốn xứ lạnh. Cá hồi du nhập vào nước ta từ đầu năm 2005, lô hàng 25.000 trứng cá hồi được nhập từ Phần Lan về trại nuôi cá hồi và cá tầm Thác Bạc dưới chân đỉnh Phansipan, thuộc xứ Sa Pa bốn mùa sương phủ của tỉnh Lào Cai. Con cá hồi được “nội địa hóa”, nhưng không phải tỉnh nào có vùng núi cao cũng có suối nước lạnh dưới 20oC để có cơ hội nuôi. Thế nên, việc phát hiện dưới hang Phượng Hoàng ở huyện Võ Nhai có suối nước lạnh Mỏ Gà là cơ hội để Thái Nguyên tính đến chuyện nuôi thả cá hồi.

- Sao nhà báo thạo tin vậy. Chúng tôi mới thả 370 con cá hồi đợt 1 ngày 27/11 và đợt 2 (600 con) ngày 4/12/2009, vậy mà mới có mấy ngày, chị từ Hà Nội đã đến hỏi tin rồi? Ông Nguyễn Văn Phúc, kỹ sư thủy sản, Trưởng phòng kỹ thuật nói với tôi như vậy, khi đưa tôi lên gặp Phó GĐ Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên Nguyễn Văn Lừng. Ông Phó GĐ cho biết: Đây là đột phá lớn của ngành thủy sản Thái Nguyên. Ngày 2/12/2009 tỉnh có quyết định phê duyệt đề tài: “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cá tầm và cá hồi trong điều kiện nuôi thả tại một số địa phương trong tỉnh”; dự án được đầu tư kinh phí trên 561 triệu đồng, thực hiện trong 24 tháng từ tháng 12/2009-12/2011.

- Dự án mới phê duyệt làm sao các anh chuẩn bị kịp cơ sở để thả cá?

- Nếu cứ chờ dự án phê duyệt mới triển khai thì đúng là vậy. Nhưng chúng tôi được anh Thuần - Phó Chủ tịch tỉnh động viên là dự án chắc chắn được phê duyệt nên Trung tâm chủ động ứng nguồn vốn trước để chuẩn bị cơ sở nuôi thả cá. Không chỉ động viên bằng lời, chính anh Thuần cũng lội rừng lội suối cùng chúng tôi tìm ra suối nước lạnh.

Mỏ Gà (Võ Nhai) và suối nước ở Bằng La (Đại Từ) dưới chân núi Tam Đảo, là điều kiện cho chúng tôi làm các thí nghiệm kiểm tra chất nước, độ lạnh qua các mùa, để đi đến kết luận có đủ điều kiện nuôi thả cá hồi và cá tầm. Thú thật với chị, lúc đầu chính chúng tôi cũng không sốt sắng. Phần vì lo dự án không được phê duyệt, phần thì lo nuôi cá hồi khó thành công, và lúc đó tránh sao khỏi những lời dị nghị. Hiểu được tâm trạng của chúng tôi anh Thuần phải “lên dây cót”. Có người nghe thì không bằng lòng, riêng tôi thì thấm thía. Đã 37 năm trong ngành thủy sản, tôi cho đó là bước đột phá về tư tưởng. Có đột phá về tư tưởng mới có hành động cụ thể.

Tư tưởng ở đây là đổi mới, là hội nhập, là dám nghĩ dám làm, nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng anh Thuần, một người năng nổ luôn lo nghĩ cho ngành nông nghiệp. Hiện chúng tôi đang xây dựng cơ sở để đầu năm 2010 có thể thả được lứa cá tầm đầu tiên ở suối xã Bằng La. Học kinh nghiệm ở Trung tâm nuôi cá nước lạnh Thác Bạc – Sa Pa của Viện nuôi trồng thủy sản 1, chúng tôi đã tính bài toán xây bể bằng gạch xi măng và thấy rằng dùng bể inox kinh tế hơn, do đó đã chọn vật liệu này làm các bể nuôi cá. Cũng do kinh nghiệm từ các cơ sở nuôi cá hồi ở Sa Pa nên chúng tôi đưa cá giống về cũng nhiều loại to nhỏ khác nhau. Thường thì 6 tháng sau khi thả sẽ có cá thu hoạch, nhưng để có sản phẩm cá hồi kịp đón xuân Canh Dần và cũng là để báo cáo thành công ban đầu của dự án, chúng tôi sẽ có cá hồi thu hoạch vào dịp Tết.

Người sự kiện

Mặc dù đã hết giờ làm việc buổi chiều nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần vẫn dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn nhỏ. Nghe tôi kể về chuyện cây đậu tương, về con cá hồi ở suối Mỏ Gà, rồi hệ thống tưới sương mù ở vùng chè Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, làm nên vụ chè đông nổi tiếng của quê chè Thái Nguyên, mà một vụ chè đông bằng thu hoạch cả 6 tháng vụ chè đông xuân với hè thu, rồi chuyện lần đầu tiên sản xuất thành công 30 ha hạt giống lúa F1 đạt năng suất gần 3 tấn hạt lai/ha... Tôi cứ nói hồn nhiên vậy. Đợi tôi nói xong, ông Thuần bảo: Đúng là năm qua ngành nông nghiệp Thái Nguyên chúng tôi làm được nhiều việc khởi sắc, nhưng có những việc thì đã thành công, có những việc thì chỉ mới khởi đầu.

Ông kể những ngóc ngách của ngành nông nghiệp tỉnh không cần sổ sách. Như chuyện đây là năm đầu tiên tỉnh ký hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) để Viện hỗ trợ chuyển giao TBKT gieo trồng các giống đậu tương mới, sản xuất lúa lai và sản xuất nấm. Lại nói diện tích sản xuất lúa lai có người bảo Thái Nguyên đạt 11% là khá rồi, tỉnh Bắc Giang mới đạt 5,5%, thế nhưng so với Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang thì chúng tôi còn xếp hạng thấp, thế nên tỉnh đã đưa vào nghị quyết năm 2010 phải đưa diện tích lúa lai lên 15%, phấn đấu đến năm 2015, đạt 30%.

Hiện nay diện tích lúa Khang Dân của chúng tôi chiếm tới 70%, dự kiến năm 2010 phải giảm xuống còn 50% tiến tới giảm còn 30%; phải đưa diện tích lúa gieo sạ lên 30%. Còn chuyện cây chè, ai cũng biết vùng chè Tân Cương Thái Nguyên nổi tiếng cả nước, vậy mà bây giờ chúng tôi lại có vùng chè Phổ Yên nổi tiếng thế giới với loại chè Olong gắn thương hiệu của Cty Vạn Tài. Chè Tân Cương giá bình quân 100 ngàn đồng/kg, còn chè Olong - Phổ Yên, giá bình quân trên thị trường thế giới 1,5 triệu đồng/kg. Nông nghiệp Thái Nguyên năm qua có nhiều chuyện đáng nói, theo dõi lĩnh vực này, tôi có 3 phát hiện, thứ nhất tỷ lệ lúa lai còn thấp, tỷ lệ đàn lợn nái ngoại còn thấp, chỉ 8%, nhiều nơi đất nông nghiệp còn bỏ hoang qua các vụ sản xuất. Vậy nên phải mở ra cơ chế cho nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân hợp tác cùng nhau sản xuất giống cây con gì có hiệu quả, hạn chế đất bỏ hoang, kéo người dân xa quê lên thành phố, đô thị làm ăn, trở về với đồng ruộng...

Nguyên là GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư, ông mới đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách kinh tế, thế mà đã nhanh chóng bóc tách rạch ròi từng mảng nông nghiệp của tỉnh nhất là sự đổi mới, đột phá công nghệ nông nghiệp Thái Nguyên. Chỉ có một điều ông Phó Chủ tịch tỉnh không nói, nhưng qua nhiều kênh thông tin chúng tôi được biết, trong 10 sự kiện được bình chọn năm 2009 của tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần là người chỉ đạo làm nên 2 sự kiện, đó là việc xây dựng 4.000 nhà ở cho các hộ nghèo vượt 4 lần chỉ tiêu của tỉnh đề ra và xây dựng được 52 tòa nhà ở cho sinh viên, đứng đầu tiêu chí này trên toàn quốc...

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.