| Hotline: 0983.970.780

Người thầy luôn bị trò... đánh

Thứ Năm 20/11/2014 , 09:27 (GMT+7)

Gần 30 năm theo đuổi nghiệp karate, HLV Lê Công có lẽ là một trong số những người thầy có nhiều học trò nhất làng võ Việt Nam.

Tất bật làm thêm

Karate đến với HLV Lê Công như một cái duyên khi ông tình cờ nhặt được quyển “Linh trường công thủ” tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Sẵn có lòng ham học, ông tự mày mò nghiên cứu các đòn thế và đúc rút lại thành các bài quyền tập hằng ngày.

Hòa bình lập lại, HLV Lê Công gạt bỏ tương lai theo con đường binh nghiệp để trở về căn nhà cũ ở phố Lê Phụng Hiểu (Hà Nội), bỏ tiền túi mở lò võ để thỏa mãn niềm đam mê. Tuy nhiên vào thời bấy giờ, chuyện mở lò võ chưa được phép công khai.

Ông phải mượn cầu thang của khu tập thể, hay dùng chính căn phòng của mình làm võ đường.

Cuộc sống thời bao cấp không dễ dàng, đặc biệt là với một người theo nghiệp võ. Để theo đuổi ước mơ được làm thầy, ông đã làm thêm đủ mọi nghề để kiếm sống. Ông từng nói vui: "Chỉ có mỗi bán phở là tôi chưa làm”, còn sửa xe máy, tủ lạnh, làm nước đá, tất cả ông đều từng kinh qua.

Sau những giờ dạy trên võ đường, ông lại tất bật đi làm thêm. Ông không nề hà bất cứ điều gì, kể cả việc thức đến 11, 12 giờ đêm. HLV Lê Công coi nghiệp võ là định mệnh của cuộc đời mình và quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Bươn chải là vậy nhưng HLV Lê Công chưa bao giờ thu học phí của học trò. Ông tâm niệm, chỉ ở bên các học trò ông mới thực sự được là chính mình. Những khoảnh khắc cảm động nhất cuộc đời ông không phải trên bục nhận huy chương mà là khi được học trò gọi là một samurai.

Sẵn sàng bị đánh

Hàng chục năm đứng lớp, HLV Lê Công có cách dạy rất lạ. Ông không bao giờ học qua băng đĩa sách vở mà luôn truyền tay từng bài quyền cho học trò.

Buồn nhất là quãng thời gian HLV Lê Công bị nghi ung thư phổi. Ông giấu không cho học trò biết. Chỉ đến khi tai qua nạn khỏi, ông mới cười: “Khi nào học trò cần, tôi vẫn đủ sức lên tuyển”.

Khác với nhiều bộ môn thường chọn tập huấn ở nước ngoài trước các giải đấu quan trọng, karate thường ngược lại. Đó là chỉ tập luyện trong nước để đối thủ không bắt được “bài”. Trách nhiệm của HLV Lê Công, cũng vì thế mà trở nên lớn hơn.

Ngoài việc dạy, ông còn trực tiếp làm “bia” để các học trò ra đòn. Không ít lần, học trò "dứt điểm" quá tay làm ông choáng váng, nhưng một lát sau lại thấy ông chậm rãi phân tích: “Con cần ra đòn thế này mới đúng”.

Nhiều học trò tỏ ra lo lắng, ông chỉ thủng thẳng bảo, phải ra mồ hôi đầm đìa ông mới thấy... dễ chịu.

Nhà ngay gần Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia nhưng hiếm khi ông về nhà. Ông luôn sát sao tới từng học trò để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

Điều ông quan tâm nhất không phải chế độ đãi ngộ của bản thân, mà là muốn học trò được đảm bảo tối đa về quyền lợi vật chất, học hành để xây dựng một tương lai chắc chắn sau này. “Có như vậy, karate nước mình mới tiến xa được”, ông nói.

Cuộc đời huấn luyện của ông không tránh khỏi những tai nạn, như khi bị chấn thương nặng ở vai mà ông gọi đùa là “sã cánh” trước thềm SEA Games 23, hay lúc bị đứt gân gót chân cách đây vài năm, nhưng chưa khi nào ông để học trò “tập chay”.

Không đi được xe, ông bắt xe buýt lên Trung tâm huấn luyện Nhổn rồi đi bộ vài cây số lên lớp bình thường.

Xem thêm
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa làm Chủ tịch Hội văn nghệ Tiền Giang

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa vừa đắc cử Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành người trẻ nhất cả nước giữ vị trí lãnh đạo văn nghệ địa phương.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất