| Hotline: 0983.970.780

Người thầy sáng tạo chữ viết Bhnong

Thứ Ba 09/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Với thầy Nguyễn Văn Thanh, cống hiến cho giáo dục Phước Sơn không bao giờ ngừng nghĩ, bởi “Phước Sơn còn nhiều điều phải làm”.

Chữ viết Bhnong- lưu giữ tiếng nói và văn hóa người Bhnong của dân tộc Giẻ triêng

Đó là thầy giáo ưu tú Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1959), người đầu tiên gây dựng hệ thống giáo dục, nâng cao dân trí  trong từng bản làng của huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam). Đặc biệt, hàng chục năm nay thầy dày công tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra chữ viết của người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ Triêng)...

Sáng tạo chữ viết Bhnong

Nói về công trình chữ viết cho người Bhnong, thầy say sưa lạ lùng. Đúng 30 năm đặt chân lên huyện Phước Sơn, ở mọi ngóc ngách, bản làng đều có dấu chân thầy. Ở vùng đất này, người dân tộc Giẻ Triêng chiếm 65% dân số.

Bao lần suy nghĩ thâu đêm, thầy Thanh trăn trở: “Nếu không có chữ viết thì không thể duy trì tiếng nói. Tiếng nói mất đi thì bản thân dân tộc đó bị lãng quên”. Thế là thầy quyết tâm lao vào tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm bất cứ lúc nào có thể...

“Bắt tay vào mới biết khó khăn, nhưng cũng vì thế mà càng làm càng say”, thầy Thanh nhớ lại. Theo thầy, khó khăn nhất là đội ngũ cộng tác viên. Các già làng kiến thức có hạn, tuổi cao sức yếu, lại không thạo tiếng Việt nên gặp muôn vàn gian khó. Công việc của thầy là đi vào từng nhà có người cao tuổi, gặp từng cụ hiểu biết về văn hóa, lối sống xưa cũ. Những ngày cuối tuần thầy về hẳn bản làng cùng ăn, cùng ở với các cụ già. Qua tìm hiểu, thầy Thanh biết rằng, người Bhnong xa xưa cũng có chữ viết nhưng chưa hoàn thiện, lâu dần không có người lưu giữ nên mất đi. Cho nên, ngoài việc nghiên cứu chữ viết, thầy phải sáng tạo dựa vào những gì đã sưu tầm và kết hợp phiên âm qua tiếng nói các cụ.

“Ngôn ngữ của người Bhnong tương đương ngôn ngữ Việt”, thầy Thanh đúc kết sau quá trình nghiên cứu. Không chỉ thế, theo thầy thì “đời sống văn hóa của người Bhnong rất phong phú, nhiều tập tục đặc trưng, mang nét truyền thống riêng biệt”.

Hiện nay, nhờ có sự tác hợp, giúp đỡ của nhiều nhà nghiên cứu thuộc Viện Ngôn ngữ, bộ sách 5 cuốn của thầy đang  hoàn thành và sẽ sớm đưa vào sử dụng nhằm nhanh chóng khôi phục lại chữ viết cho người Bhnong. Điều mà thầy Thanh cùng các nhà nghiên cứu lo lắng là đội ngũ truyền dạy lại cho các thế hệ… chưa có. Thầy Thanh quyết tâm, cuối năm nay hoàn thành bộ sách 5 cuốn, thầy sẽ mở lớp dạy lại cho các thầy cô giáo, các già làng, cán bộ xã để truyền dạy lại cho bà con người Bhnong.

Ngoài ra, thầy còn đam mê viết sách, và nhiều cuốn đã giúp ích không nhỏ cho đồng bào, cán bộ và nhân dân không chỉ tỉnh Quảng Nam, như: “Nguồn gốc dân tộc, dân cư và quá trình hình thành thôn bản Phước Sơn”…

Thầy Thanh: Người tận hiến cho giáo dục Phước Sơn

Tận hiến cho giáo dục Phước Sơn

Nhớ lại ngày đầu lên Phước Sơn, người con trai xứ Quảng đất Hương An (Quế Sơn, lấy vợ và sinh sống ở Hội An) không ngờ đồng bào mình nghèo khó đến vậy. Đi bộ 60 km, hai ngày hai đêm mới đến nơi công tác. Đất hoang vu với những chiều mưa rừng buồn thẳm khiến những người ở lại nẫu ruột gan.

“Được một thời gian bỗng yêu miền sơn cước lúc nào không hay”, thầy Thanh thổ lộ. Không yêu sao được khi thầy đã quên mình lặn lội vào từng bản làng, cùng đồng nghiệp nâng từng nét bút, luyện từng câu chữ, dạy bao điều hay lẽ phải cho các em. Thời bấy giờ, có không ít giáo viên chịu không nổi đã bỏ bản làng về xuôi, nhưng thầy Thanh thì quyết tâm “sống chết ở xứ này”.

Không chỉ người dân bản địa mà nhiều đồng nghiệp khác cũng ghi nhận công lao của thầy, từ thập niên 90 của thế kỷ trước mạng lưới giáo dục đã phủ khắp 65 thôn bản của huyện. Năm 1992 làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Phước Sơn, thầy đã chỉ đạo thực hiện mạng lưới cơ sở vật chất về tận từng điểm, trường trong toàn huyện. Ngoài việc dạy chữ, ngày đêm giáo viên vận động và cùng với bà con bản địa leo rừng, lội suối lấy gỗ làm trường, lớp học.

Việc xây dựng cơ sở vật chất đã ổn, thầy chú trọng “nâng cao dân trí”, vận động các em đến trường đúng độ tuổi, bà con học xóa mù. Sau đó, thầy có ý tưởng phải nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên vì hơn 60% đội ngũ chưa được chuẩn hóa.

"Người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ Triêng) ở Phước Sơn có khoảng 14 nghìn người. Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác ở Quảng Nam, hiện tại người Bhnong chưa có chữ viết chính thức"

Thầy cho mời những giáo viên giỏi ở trường Cao đẳng sư phạm về dạy. Cuộc sống khó khăn nên rất nhiều giáo viên xin được không học thêm, nhưng thầy quyết tâm nên không ít người “ghét thầy” nhưng sau này khi Bộ GD& ĐT thực hiện việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên thì những người “ghét thầy” lại quý thầy hơn, cho rằng “thầy đã đi trước một bước”.

Nhắc đến thầy Thanh, không ai không nhớ đến thầy là người đầu tiên xin mở trường cấp 3 tại huyện Phước Sơn, trong khi đội ngũ giáo viên chưa có, chưa đủ, khốn khó trăm bề. “Quyết tâm làm là được”, thầy nói thế. Đến nay, hệ thống giáo dục của huyện đã tương đối ổn định. Tiểu học và THCS đã được phổ cập; THCS và THPT đạt chỉ số tương đối cao; đa phần giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng, trung học ngày càng nhiều; giáo dục góp phần đưa bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội huyện nhà đi lên…

Với thầy Nguyễn Văn Thanh, cống hiến cho giáo dục Phước Sơn không bao giờ ngừng nghĩ, bởi “Phước Sơn còn nhiều điều phải làm”.

Năm 2000, thầy là một trong những người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, phần nào Nhà nước đã ghi nhận, đánh giá cao công lao của thầy cho giáo dục miền sơn cước này...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất