| Hotline: 0983.970.780

Người tị nạn & trách nhiệm đạo đức

Thứ Sáu 29/06/2018 , 10:30 (GMT+7)

Việc Italy từ chối cho tàu Aquarius của tổ chức cứu nạn cùng tên cập cảng của mình vào tháng 6 vừa qua một lần nữa làm nóng lên cuộc tranh luận về trách nhiệm của các nước giàu đối với người tị nạn (chiếc tàu sau đó đã được chính quyền Tây Ban Nha đồng ý cho cập cảng Valencia).

16b16491079
Người tị nạn từ châu Phi tìm đường sang châu Âu

Những người phản đối chính sách nhập cư cho người tị nạn thường dùng ba ý tranh luận chính để từ chối việc cho người tị nạn vào nước mình. Thứ nhất, những người phản đối cho rằng mình / nước mình không có trách nhiệm phải cứu giúp người tị nạn vì không trực tiếp đẩy họ vào hoàn cảnh đấy. Thứ hai, người tị nạn không thể hoà nhập với đất nước sở tại vì cách biệt lớn về văn hoá, tôn giáo... Vì thế, chấp nhận người tị nạn sẽ làm lu mờ bản sắc truyền thống của nước sở tại. Cuối cùng, những người tị nạn thực chất không phải người tị nạn vì họ thường đến châu Âu từ một nước được cho là an toàn (Libya, Thổ Nhĩ Kì...).

Lập luận này dựa nhiều vào định nghĩa của người tị nạn như người phải rời khỏi đất nước mình cư trú vì chiến tranh, tính mạng bị ảnh hưởng bởi đức tin, tôn giáo, thiên hướng chính trị... Tôi sẽ lần lượt phản biện ngược lại ba ý kiến này và qua đó, tranh luận rằng không những những nước giàu không thể từ chối người tị nạn mà họ còn có trách nhiệm làm nhiều hơn cho những người không thể nhập cảnh như hỗ trợ di chuyển đến điểm đến người tị nạn mong muốn hoặc hỗ trợ pháp lý, tài chính...

Lập luận thứ nhất có điểm yếu là về mặt đạo đức, bởi kể cả khi bạn không phải là tác nhân gây ra hậu quả nhất định, bạn vẫn có thể phải có trách nhiệm để cứu giúp.

Thử tượng tượng một ví dụ đơn giản. Bạn đang đi ngang qua một hồ nước thì thấy một đứa trẻ đang chấp chới dưới nước. Bạn có thể làm gì để cứu đứa trẻ mà vẫn không tổn hại đến bản thân? Hay bạn có nghĩ rằng bạn không có trách nhiệm cứu đứa trẻ đó? Chắc chắn là không. Phần nhiều mọi người đồng ý rằng bạn có trách nhiệm cứu đứa trẻ đó mặc dù bạn không phải là lý do đứa trẻ đó đang đuối nước. Hãy áp dụng điều này vào trường hợp của người tị nạn. Không thể phủ nhận là sẽ có một vài nước trực tiếp gây ra hoàn cảnh tị nạn và họ chắc chắn có trách nhiệm cứu giúp. Nhưng kể cả với những nước không phải là tác nhân trực tiếp thì họ vẫn sẽ có trách nhiệm cứu giúp người tị nạn nếu họ có thể và phần lớn nước giàu có thừa khả năng tài chính và dịch vụ phúc lợi để làm điều đó.

Thứ hai, câu lập luận người tị nạn không thể hoà nhập có rất ít ủng hộ từ mặt thực tế. Một mặt, những người tị nạn không phạm tội nhiều hơn so với người bản xứ nên nói rằng vì họ đến từ một nước khác nên họ không hiểu luật pháp bản địa là vô căn cứ. Mặt khác, việc người tị nạn có hoà nhập tốt với cộng đồng hay không dựa rất nhiều vào cách đối xử và chính sách của nước sở tại. Hãy tưởng tượng bạn là một người phải rời khỏi đất nước mình vì điều kiện không mong muốn và đến một nơi xa lạ. Nếu chính sách nước sở tại là đón chào bạn, bạn sẽ mở lòng đối với họ và ngược lại.

Thụy Điển, một trong những nước thân thiện hơn với người tị nạn, có những chính sách hoà nhập bắt buộc như các khoá ngôn ngữ bản địa và lớp dạy về văn hoá Thụy Điển đã và đang gặt hái được những thành công nhất định. Một điều nữa là cái gọi “bản sắc dân tộc”, điều mà những người phản đối hay nhắc đến như là thứ đã tồn tại hàng ngàn năm, là một khái niệm rất mới - từ khoảng cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18. Châu Âu không phân định rõ ràng trước khi đó và khái niệm về “quốc gia” như hiểu theo ngày nay chỉ thực sự ra đời sau hiệp định Westphalia năm 1648. Các nước châu Âu ngày nay là tập hợp đa chủng tộc với nhiều thành phần từ khắp nơi trên thế giới (vì chủ nghĩa thực dân, hội nhập văn hoá...) và sự đa sắc tộc này là lí do vì sao rất khó để hiểu thế nào là “bản sắc đặc trưng” hay “văn hoá cụ thể” của một quốc gia.

Cuối cùng, mặc dù phần lớn người tị nạn cập bến châu Âu từ một điểm đến có thể coi là an toàn nhưng điều này không có ý nghĩa nhiều khi chúng ta nhìn qua số liệu về tỉ lệ phân bố của người tị nạn trên thế giới. Cao ủy Tị nạn của Liên hợp quốc cho biết 84% người tị nạn đang sống hoặc bị mắc lại tại những nước đang phát triển mà dẫn đầu là Thổ Nhĩ Kì, Pakistan và Lebanon. Đặc biệt là Lebanon thì cứ 1.000 người dân thì có 170 người là người tị nạn. Đức là quốc gia EU duy nhất trong nhóm 10 nước nhận nhiều người tị nạn nhất nhưng cũng chỉ đứng thứ 8. Điều này đi ngược lại với định nghĩa về sự công bằng.

Hãy tượng tượng lại viễn cảnh về hồ nước nhưng bây giờ có bốn người lớn và bốn đứa trẻ đang đuối nước. Phần lớn chúng ta sẽ nghĩ là vì sự công bằng, mỗi người sẽ có trách nhiệm cứu một đứa trẻ. Nếu một hoặc hai người không tham gia thì sẽ là sự bất công đối với những người còn lại. Trong trường hợp người tị nạn, những người / nước không tham gia cứu giúp lại là những người / nước có khả năng nhất. Và vì thế khó có thể biện minh sự vắng mặt của họ trong trách nhiệm cứu giúp người tị nạn.

Nhìn xa hơn, chúng ta có thể xây dựng tiếp một thể chế bắt buộc những nước nhận ít người tị nạn hơn phải nhận số người tị nạn đúng với trách nhiệm của họ để đảm bảo tính công bằng. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào một vài lí do khác như việc liệu người tị nạn có muốn đến nước đó không, họ có phù hợp với phong tục tập quán hay không ... Trong trường hợp một vài nước nhận ít hơn số người tị nạn vì những lí do khách quan (khí hậu khắc nghiệt, người tị nạn không muốn đến nơi đó) thì họ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo cách khác: ủng hộ tài chính, hỗ trợ người tị nạn đến nơi họ mong muốn... Điều này dựa trên hai lập luận cơ bản là trách nhiệm cứu người tị nạn là trách nhiệm chung, không phụ thuộc vào việc liệu một nước có là tác nhân gây ra hoàn cảnh đó và trách nhiệm công bằng giữa các nước với nhau.

(Nghiên cứu sinh ngành triết học chính trị, ĐH Manchester, Anh)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất