| Hotline: 0983.970.780

Người tích tụ ruộng đất lớn nhất Vĩnh Phúc giờ chỉ còn lại sự thất vọng

Thứ Năm 29/09/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, khi đến thăm mô hình từng được xem là ngọn cờ đầu này, đã phải ngậm ngùi. Đó là anh Phạm Văn Cương, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp DKC (khu 4, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc),

Đó là anh Phạm Văn Cương, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp DKC (khu 4, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), được xem là một trong những người tiên phong trong phong trào tích tụ ruộng đất hướng đến mục tiêu sản xuất lớn ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Vị giám đốc sinh năm 1978 này là nhân vật trong bài viết Gã trai nhiều ruộng nhất Vĩnh Phúc mà Báo NNVN từng đăng tải gần hai năm trước. Vậy mà một ngày cuối tháng Tám vừa qua, trong chuyến thị sát tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương khi đến thăm mô hình từng được xem là ngọn cờ đầu này, đã phải ngậm ngùi.

 

Nỗi đau trên cánh đồng bạc tỷ

Cánh đồng 44, giáp ranh giữa hai xã Trung Nguyên và Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) không khác mấy so với hai năm trước khi tôi đến viết bài về người nhiều ruộng nhất Vĩnh Phúc. Vẫn bạt ngàn những rau củ quả 4 mùa và đất gần như không lúc nào được nghỉ ngơi.

Chỉ có điều, hai năm trước hào hứng bao nhiêu thì bây giờ ông giám đốc Phạm Văn Cương lại gần như mất hết ý chí. Đôi mắt đau đáu nhìn cánh đồng trước đây ánh lên bao nhiêu hi vọng giờ đây chỉ còn lại sự chán nản.

“Chắc mình phải bỏ thôi, không đủ sức làm nữa”, anh nói với tôi.

Năm 2008, tốt nghiệp tới 2 bằng đại học khá danh tiếng, nhưng khi về quê, chứng kiến ruộng đồng người nông dân bỏ hoang vì kém hiệu quả, Phạm Văn Cương đã thành lập Cty DKC ký kết hợp đồng với 453 hộ dân ở xã Trung Nguyên để thuê lại ruộng của họ với thời hạn 20 năm. Đó có thể xem là một cuộc cách mạng và Cương là người đầu tiên trong phong trào thu gom ruộng đất sản xuất lớn ở huyện Yên Lạc.

Theo bản hợp đồng giữa DKC và những người nông dân nhường đất, mỗi vụ doanh nghiệp này trả cho họ 150 kg thóc/sào gọi là tiền sản, gấp gần 10 lần hoạt động sản xuất bình thường. Vụ đầu tiên, DKC phải chi ra 1,5 tỷ đồng trả cho nông dân dù hoạt động sản xuất mới chỉ bắt đầu.

Chưa hết, nông dân nhường ruộng cũng được tuyển vào làm công nhân ngay tại cánh đồng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng hoặc 200 nghìn đồng cho mỗi ngày công 8 tiếng. Cứ 10 sào ruộng cho DKC thuê sẽ có một công nhân được nhận. Cao điểm, trong tay Cương có hàng trăm lao động là người địa phương.

15-47-44_nh1
Cánh đồng bạc tỷ của DKC đang lao đao

 

Ngoài diện tích thuê cụ thể theo dạng hợp đồng 20 năm ký một lần chừng gần 100ha thì DKC liên kết với rất nhiều hộ nông dân theo hình thức cấp vốn đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Mỗi một mô hình liên kết, Phạm Văn Cương đầu tư cho người nông dân vay vốn, cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV và tiền công làm đất.

Cuối vụ người dân chỉ việc bán sản phẩm cho DKC và khấu trừ các khoản chi phí đầu tư với mức giá hợp lý nhất để đảm bảo trồng cây gì cũng có lãi. Ví dụ như vụ khoai tây, DKC cung cấp giống và phân bón, thuốc BVTV và tiền công làm đất cho hàng chục ngàn hộ nông dân trong tỉnh Vĩnh Phúc. Mỗi ngày DKC bán từ 5 - 6 trăm tấn khoai tây đi các tỉnh và sang Trung Quốc. Lời lãi tùy thuộc vào giá cả thị trường để phía Cty và nông dân cưa đôi.

“Khoai tây là loại dễ trồng, giá cả lại tốt. Chỉ cần làm 1ha, mỗi vụ thu tầm 20 tấn, giá 6,5 ngàn đồng một cân. Gấp hàng trăm lần làm lúa chứ chẳng chơi đâu”.

Rất nhanh chóng, Phạm Văn Cương trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào tích tụ đất đai đang dần hình thành rõ rệt ở Vĩnh Phúc. Nói như một số lãnh đạo ngành nông nghiệp, thành công của Cương chính là chìa khóa cởi trói cho tư duy sản xuất manh mún. Chính Cương cũng rất kỳ vọng, với mô hình liên kết kiểu này, nông dân chỉ có thể khá chứ không nghèo được nữa.

 

Nông nghiệp rủi ro khôn lường

Vậy mà, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, thế sự xoay ngoắt đến mức người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung nổi. Trên cánh đồng bạc tỷ, ông giám đốc DKC não nề đến mức phải thốt lên những lời nghe chừng cay nghiệt: Chỉ còn mỗi thận là chưa bán đi để mà sản xuất nữa thôi.

15-47-44_nh3
Cánh đồng bạc tỷ của DKC đang lao đao

 

Thực tế tại cánh đồng 44, năng suất vẫn cao, chất lượng nông sản vẫn đảm bảo, nhưng trong hai năm ấy, DKC và vùng sản xuất nông nghiệp ở Yên Lạc liên tiếp đón nhận những thiệt hại nặng nề khiến người giàu ý chí như giám đốc Cương cũng phải tính đến chuyện từ bỏ.

Vụ sản xuất năm ngoái, chỉ tính toán sơ qua doanh nghiệp này mất trắng 3 tỷ đồng. "Toàn bộ các thị trường trước nay mà chúng tôi bán sản phẩm đều phải tự đi tìm tòi, chưa hề có một sự hỗ trợ nào cả. Năm ngoái, dưa hấu sản xuất ra bạt ngàn nhưng bán tại ruộng 500 đồng/kg thương lái cũng không mua. Chuối tiêu hồng phải để rụng đầy cả gốc. Chỉ tính riêng tiền xuống giống 30ha đã đi tong cả tỷ bạc rồi. Chán lắm!".

Hết nhân tai lại đến thiên tai. Chưa kịp gượng dậy với đòn đau như trời giáng của thị trường Trung Quốc thì cơn bão số 3 vừa rồi tiếp tục nhấn chìm 20ha rau màu và hoa của DKC khiến ông giám đốc Phạm Văn Cương phải tính đến chuyện giải tán công nhân và bỏ cỏ "cánh đồng mẫu" của Cty.

"Riêng hoa cúc thôi Cty đã đầu tư mất 5 triệu đồng/sào. Tức khoảng 1 tỷ đồng mất trắng, không hề vớt vát được thứ gì rồi. Không biết có phải do số tôi xui hay không nữa. Anh bảo, thiệt hại liên tiếp như thế, trong khi mỗi tháng vẫn phải nai lưng trả từ 300 - 400 triệu đồng tiền lãi ngân hàng thì chịu sao nổi".

Ông Đỗ Văn Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Lạc:

Trong bối cảnh các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang còn hạn chế như hiện nay thì các chính sách vẫn còn đang thiếu.

Việc một DN như DKC đầu tư sản xuất nông nghiệp là rất mạnh dạn. Thực tế cũng chứng minh vấn đề tích tụ được một diện tích đất tương đối như thế là rất tốt. Nhưng để những mô hình đó thành công, cần có thêm những chính sách về vay vốn, thị trường, hỗ trợ thiệt hại để những người tích tụ đất được rồi có thể đủ sức gượng dậy khi gặp rủi ro.

 

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất