| Hotline: 0983.970.780

Người tiên phong ở Suối Lách

Thứ Ba 03/12/2013 , 10:14 (GMT+7)

Ở thôn Suối Lách, xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) chưa một ai đào ao thả cá. Vùng đất này mưa chưa ngớt nước đã hết, núi đá bao vây tứ bề...

Ở thôn Suối Lách, xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) chưa một ai đào ao thả cá. Vùng đất này mưa chưa ngớt nước đã hết, núi đá bao vây tứ bề. Vậy mà, ông Triệu Đức Phấn (48 tuổi, dân tộc Tày) đã lập một kỳ tích khoét đá đào ao dẫn nước từ trong núi sâu về nuôi cá. Cách làm của ông đã làm thay đổi nếp nghĩ của bà con dân tộc Raglay, Ê Đê nơi đây.

LẦN LỠ XE DUYÊN PHẬN

Quê ông Phấn ở tận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ở quê, cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng ông Phấn trông vào 1 ha đất trỉa ngô, làm lúa nương. Vất vả với công việc nhưng cái, nghèo đói cứ đeo bám triền miền. Anh em nhà ông Phấn cũng chẳng khấm khá gì.

Rồi một ngày, ông Phấn nghe tin ở miền Nam làm thuê dễ kiếm tiền lắm. Đùng một cái, ông Phấn bảo vợ đi vào Nam làm thuê một thời gian kiếm ít tiền về sửa lại cái nhà, có tiền cho ăn học. Ngày 16/1/1991, vai khoác ba lô, ông Phấn rời bản làng vào Nam, ai ngờ cuộc Nam tiến chỉ dừng chân tại vùng đất huyện Khánh Vĩnh.

Ông Phấn kể: “Ý định của tôi vào TP Hồ Chí Minh nhưng hôm đó xuống xe ăn cơm ở TP Nha Trang, do không để ý nên xe chạy lúc nào cũng không hay. Tiền trong túi đã hết, ở Nha Trang xin không được việc; sau mấy ngày lang thang nơi đất khách rồi người ta mách lối cho tôi lên vùng miền núi huyện Khánh Vĩnh đi làm thuê.

Vật vờ ở đây, gặp ai, ông Phấn bảo làm thuê cho miếng ăn là được rồi, chứ chuyện tiền bạc chẳng đòi hỏi. Đúng dịp thu hoạch mía nên nhiều người thuê ông Phấn làm. "Người dân nơi đây thật thà, tốt bụng. Tôi làm cho họ có cơm ăn, ở ngay tại nhà và trả tiền công”, ông Phấn nhớ lại.

Ở lâu thành quen, ông Phấn được người dân trong vùng quý mến. Sau nhiều ngày, ông Phấn phát hiện ra khu vực Suối Lách chưa có bóng dáng con người đụng đến, nếu khai phá sẽ là vùng đất màu mỡ, trồng cây gì cũng tốt. Thế rồi, ông Phấn nảy ra ý định lập nghiệp nơi này.


Để có ao cá, ông Phấn đã phải xẻ rất nhiều đá

“Đất đai bằng phẳng người dân chiếm hết rồi, còn lại những bãi đất khó gặm, cỏ cây mọc um tùm, đá nhiều hơn đất. Những chỉ còn nơi này đất chưa có chủ, mạnh ai nấy làm, có sức bao nhiêu khai hoang bấy nhiêu. Do đó, ngoài những ngày làm thuê, những lúc rảnh rỗi tôi khai phá dần dần và được 1 ha trồng mía. Thời gian ấy, trồng mía chẳng cần phấn bón, chỉ có công chăm sóc là chặt bán. Mía có giá nên tiền kiếm ra cũng khá”, ông Phấn kể.

Gần một năm sau, ông ra Bắc bảo vợ con vào đây nhập cư. Thanh lý hết sạch tài sản được 4 chỉ vàng, tính ra được 1,2 triệu đồng, rồi ông đưa vợ và hai người con vào vùng Suối Lách.

“Trừ chi phí đi lại, tài sản chỉ còn được 1 chỉ vàng. Hai vợ chồng lên rừng chặt tre, nứa lá dựng một căn lều tránh mưa nắng. Cuộc sống vô cùng khó khăn còn phải nuôi hai đứa con nhỏ. Vậy mà vợ chồng chúng tôi vẫn bám trụ để có ngày hôm nay”, ông Phấn nhớ lại.

Vợ ông Phấn, bà Hứa Thị Thoa, kể: Ngày đến đây mọi cái đều khác hẳn so ngoài Bắc, chỉ giống một điều giống là mở mắt ra thấy núi rừng bao quanh. “Có nhiều lúc tưởng không ở đây được nữa, muốn trở lại quê. Căn bệnh suốt rét cứ hành hạ, hết vợ đến chồng. Tôi nói với anh Phấn về lại quê không thì bỏ mạng đất này, nhưng anh bảo: Về quê giờ lấy gì mà ăn, nương, nhà cửa không còn. Cũng may giai đoạn đó được Nhà nước cấp thuốc diệt muỗi, tiêm vắc xin sốt rét nên không còn bị bệnh nữa”, bà Thoa kể.


Sau khi học nghề, ông Phấn chuyển qua nuôi bán công nghiệp

Tại khu đất ông Phấn ở bây giờ nguyên là khu căn cứ quân sự, vỏ đạn, súng ống còn sót lại nhiều. Địa hình lồi lõm, đá, gốc cây khắp nơi, thế mà ông Phấn đã biến thành những ruộng mía, lúa bằng phẳng.

“Để có được 3 ha đất này phải đổi bằng máu và nước mắt đây chú ạ! Có những hòn đá to phải xẻ nhỏ để chuyển đi, cứ làm dần thì xong hết”.

Sau những tháng ngày vất vả, hiện ông Phấn có 2 ha mía, 2 ha keo tràm, 1 ha trồng chuối, xoài. Thấy nơi đây ăn nên làm ra, ông Phấn đã về quê rủ thêm em vợ là anh Hứa Văn Nghiệp, rồi người bạn Trần Văn Linh vào đây làm ăn. Họ, những người Tày ở miền Bắc đã hòa nhập cùng cộng đồng người dân tộc Raglai, Ê Đê… bám trụ vùng đất này để cùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

PHÁ ĐÁ NUÔI CÁ

Chúng tôi biết đến ông Phấn là tấm gương sáng nuôi cá trắm, chép, mè, trôi… của huyện Khánh Vĩnh. Ông là người tiên thành công nhất về mô hình vườn – ao – chuồng.

Vùng đất Khánh Vĩnh vừa mưa xuống đã hết nước, đặc biệt xã Khánh Trung đá chiếm phần nhiều. Để đào ao là điều không tưởng vậy mà ông Phấn đã làm thay đổi suy nghĩ đó của người dân nơi đây.

Năm 2001, ông Phấn nghĩ, đã là nông dân thì trong nhà phải có cái ao, phần nuôi để tự cung, tự cấp thức ăn cho gia đình, có nhiều thì đem bán lấy tiền. Ngoài ra, mùa khô đến lấy nước ở ao tưới cho cây trong vườn. Ở Bắc Kạn còn khó hơn thế này mà những người Tày dùng tre, nứa dẫn nước trên núi xuống làm lúa nước, đào ao thả cá, chẳng lẽ mình không làm được. Rồi ông đi khảo sát nguồn nước dẫn về nhà, ai ngờ nguồn nước chỉ cách nhà 1 km.


Ngoài ao cá, ông Phấn còn phát triển cây ăn quả nâng cao thu nhập

Thế rồi ông biến 2 sào đất đang trồng mía để đào ao nhưng khi đào hết lớp đất 50 cm thì gặp phải những hòn đá to nằm lẫn trong đất. Ông xẻ đá thành những hòn nhỏ để khoét sâu xuống, ngoài ông làm còn có vợ con trợ giúp. Đá đào lên ông ghép làm bờ chống sạt lở. Trong vòng 2 tháng, một ao cá với diện tích 2 sào đã hoàn thành.

Ông không dùng tre, nứa dẫn nước mà đầu tư 27 triệu đồng mua ống nhựa. Mỗi năm ao cá này cung cấp nguồn thức ăn cho gia đình, ông còn thu về gần 10 triệu đồng. Có tiền, ông không còn đào đất, phá đá bằng thủ công nữa mà thuê máy đào. Cũng vì thế diện tích ao cá của ông tăng thêm hằng năm. Đến nay ông có 3 ao cá với diện gần 10 sào.

Ông Phấn bảo: “Trời cũng trưa rồi, ở đây hàng quán ít, các chú ăn bữa cơm cá bắt dưới ao lên cùng gia đình. Cá ở đây chẳng khác gì cá sông đâu, ngon hơn cá dưới đồng bằng nhiều”. Rồi ông lấy lưới ra ao bắt cá, nhưng sau nhiều lần thả lưới chẳng được con nào to, ông liền giải thích: “Do dưới ao có nhiều hốc đá, mình làm động nước cá chui vào đó hết”.

Mới đây, ông Phấn được tham gia lớp học nghề nuôi cá nước ngọt của Trung tâm Dạy nghề huyện Khánh Vĩnh tổ chức. Khóa học đi qua, ông cải tạo những ao cá nuôi cá truyền thống sang nuôi bán công nghiệp nên năng suất được nâng cao. Hiện mô hình vườn, ao, chuồng của ông có quy mô hơn 1,8 ha. Thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Với mức thu nhập đó, gia đình ông đã thoát được cảnh nghèo và trở thành hộ khá giả trong xã.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của ông Phấn đã khiến nhiều người trong khu vực đến học hỏi. Nhiều hộ gia đình dân tộc Raglai, Ê Đê làm theo và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu có ai đó đến học hỏi, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.