| Hotline: 0983.970.780

Người tìm làng 18 quận công

Thứ Sáu 10/01/2014 , 10:40 (GMT+7)

Từ đường họ Trần thờ 18 quận công làng Thiêm Lộc cách chân núi Bảo Đài chừng 5 cây số theo đường chim bay.

Từ ngôi mộ cổ của người phụ nữ quý tộc được khai quật năm 1987, khi dân xã Yên Lợi (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đào mương làm thủy lợi, nhân duyên đã cho nhà văn Phạm Ngọc Khảnh lần theo dấu vết tìm ra mộ cổ của quận công Trần Công Bách, đây là nơi phát lộ nguồn gốc làng 18 quận công họ Trần được ban quốc tính họ Trịnh có công cùng chúa Trịnh phò Lê diệt Mạc cách đây hơn 400 năm.

Nhân duyên từ ngôi mộ cổ

Tôi quen Phạm Ngọc Khảnh mấy chục năm rồi, từ ngày tôi là phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Mỗi lần tôi về Sở NN - PTNT Nam Định làm việc, lãnh đạo Sở thường cử anh Khảnh đi cùng tôi, dân nhà thơ gặp nhau dễ nói chuyện. Anh Khảnh đích thực là kĩ sư nông nghiệp nhưng nghiệp của anh lại dính đến văn chương.


Tác giả chụp ảnh với hậu duệ dòng họ Trần

Bởi có duyên nghiệp với thơ văn nên từ kho thơ tịch cổ, trái tim Phạm Ngọc Khảnh không thể không rung động trước mối tình của Phạm Thái - Trương Quỳnh Như. Và anh dự cảm ngôi mộ cổ người phụ nữ phát hiện trên cánh đồng xã Yên Lợi có thể là mộ Quỳnh Như, nàng là con quan Kiến Xương hầu Trương Đăng Quỹ người làng Thanh Nê (thế kỉ XVIII).

Quê của Phạm Ngọc Khảnh ở làng Hoàng Nê, huyện Ý Yên, theo suy đoán của nhà văn có thể làng Thanh Nê ở gần làng Hoàng Nê, gần xã Yên Lợi, nên đây chính là mộ Quỳnh Như, người được nhắc tới trong bài Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái.

Cũng từ chuyện cho rằng mộ cổ là mộ nàng Quỳnh Như nên một lần Phạm Ngọc Khảnh đưa các bạn thơ trong đó có Đặng Nguyệt Anh về thăm xóm Son dưới chân núi Phượng Nhi, nơi có ngôi mộ của nhà thơ Nguyễn Khuyến, thăm vùng Bảo Đài Sơn nơi có 4 làng Mai (Mai Phú, Mai Vị, Mai Độ và Mai Thanh, như 4 bông hoa nở quanh núi Tiên Sa, một vùng danh thắng của huyện Ý Yên).

Tức cảnh, sinh tình, Phạm Ngọc Khảnh và các bạn thơ mỗi người đều xướng họa một bài thơ. Đặng Nguyệt Anh có bài “Xóm Son”, bài thơ này được đăng trên Báo Giáo dục thời đại và được Giải Nhất cuộc thi. Nội dung bài thơ có nhắc đến ngôi mộ của Trương Quỳnh Như.

Khi báo phát hành, một giáo viên ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) gửi thư gửi cho Phạm Ngọc Khảnh nói rằng, ngôi mộ cổ trên cánh đồng xã Yên Lợi không phải mộ Phạm Quỳnh Như. Làng Thanh Nê ở huyện Kiến Xương chứ không phải ở huyện Ý Yên.

Tìm ra làng 18 quận công

Nhà văn Phạm Ngọc Khảnh chuyển hướng tìm những ngôi mộ cổ cạnh khu vực ngôi mộ cổ của người phụ nữ trên cánh đồng xã Yên Lợi, quanh vùng danh thắng Bảo Đài Sơn. Rồi như ý trời xui khiến, anh gặp ngôi mộ ven đường có dòng chữ đã mờ nhạt "Đại vương lăng mộ".

Hỏi thăm tung tích về ngôi mộ đã đưa nhà văn về làng Đại Lộc, xã Yên Chính, huyện Ý Yên. Mới hay làng này xưa gọi là Thiêm Lộc xã, nằm bên QL 57 cách thị trấn Lâm, huyện Ý Yên chừng dăm cây số về hướng Bắc. Trong làng có ngôi từ đường họ Trần xây dựng cách đây gần 200 năm thờ những người con và chiến công của tổ tiên dòng họ từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18, tới nay hơn 400 năm.

Gian chính từ đường có đôi câu đối (dịch nghĩa): “Mười tám quận công trước đây được ban tính quốc họ Trịnh, tiếng thơm truyền lại không thể mất. Muôn ngàn năm lẻ sau này, khí phách trung thần nhà Lê vẫn lẫm liệt như thủa sinh thời”.

Ngoài tam quan và hậu cung từ đường treo câu đối ghi công tích của dòng họ Trần phù Lê dẹp Mạc, sống làm tướng giỏi, thác làm thần danh tiếng ngời sử sách. Đáng quí nhất là cuốn gia phả “Trần gia tiên tổ mộ táng chi đồ”, từ đường còn lưu giữ được tuy bị rách nát nhiều nhưng vẫn tìm ra tên tuổi 17/18 vị quận công của dòng họ Trần làng Thiêm Lộc.

Bắt đầu từ tướng công Trần Bách Niên và người cuối cùng trong phả tộc 18 quận công họ Trần làng Thiêm Lộc chính là Trần tướng công, Tự Hoán Nghĩa Hầu, Nhượng quận công.

Từ đường họ Trần làng Thiêm Lộc

Từ đường họ Trần thờ 18 quận công làng Thiêm Lộc cách chân núi Bảo Đài chừng 5 cây số theo đường chim bay. Thời ấy chúa Trịnh Sâm nhớ ơn các lão tướng họ Trần xưa có công cùng chúa Trịnh phò Lê diệt Mạc nên phong quốc tính họ Trịnh cho họ.

Nay, 17/18 vị quận công dòng họ Trần Thiêm Lộc đã tìm được danh tính, từ nhân duyên tìm danh tính người phụ nữ trong ngôi mộ cổ cánh đồng xã Yên Lợi của nhà văn Phạm Ngọc Khảnh. Ngôi mộ cổ nhà văn tìm được có dòng chữ mờ “Đại Vương lăng mộ", tọa phía tây hòn núi Ngọc, gần ngôi mộ cổ của người phụ nữ.


Tác giả thắp hương trước “Đại vương lăng mộ”

Chiếu tìm tư liệu trong phả tộc họ Trần làng Thiêm Lộc chép: Lăng mộ Trần tướng công, tự Dũng Trí, ở địa phận Ngô Xá (nay là xã Yên Lợi). Trong văn tế tướng quân Trần Công Bách ghi rõ địa danh sông núi nơi an táng mộ chí bên núi Bảo Đài cạnh dòng sông Thiên Phái. Đây chính là mộ tướng quân Trần Công Bách - Ðặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, bắc quân đô đốc phủ, hữu đô đốc, đặng quận công. Sau khi ông qua đời hơn một thế kỷ, vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 44 có sắc truy phong.

Lại nói đến ngôi mộ cổ của người phụ nữ gần ngôi “Đại vương lăng mộ” tướng quân Trần Công Bách, theo dấu tích trên đỉnh núi Bảo Đài có tháp Vạn phong Thành thiện (gọi là tháp Chương Sơn), dưới chân núi có chùa Phi lai tự, có phủ “Bồng lai cảnh” thờ cung tần Trần Quý Thị, hiệu Diệu Thuỵ, nàng là con gái Nhượng quận công, từ đây tìm theo phả hệ nàng chính là cháu nội của tướng quân Trần Công Bách.

Kể từ mối nhân duyên tìm ra ngôi mộ cổ của người phụ nữ trên cánh đồng xã Yên Lợi (năm 1987) và cuộc hành trình của nhà văn Phạm Ngọc Khảnh cùng con cháu dòng tộc họ Trần làng Thiêm Lộc, tìm kiếm thư tịch, sắc phong, bia mộ, chắp nối thông tin, đến ngày dân làng Đại Lộc (xưa là Thiên Lộc) được Nhà nước công nhận và đón Bằng Di tích lịch sử cho từ đường họ Trần làng Thiên Lộc (năm 2009), ngoảnh đi ngoảnh lại tới 22 năm.

Ngày ấy, tuy không phải là con cháu họ Trần nhưng nhà văn Phạm Ngọc Khảnh được dân làng và dòng họ Trần dành cho vinh dự lớn, là người có công đầu tìm ra làng 18 quận công, được khăn xếp áo the hành lễ đọc bài văn tế tại từ đường.

Mới rồi, tôi và nhà văn Phạm Ngọc Khảnh trở lại làng 18 quận công, cụ Trần Phổ Huệ 85 tuổi, hậu duệ đời thứ 18 của họ Trần làng Thiêm Lộc, trăn trở về chuyện từ đường đã được xếp hạng di tích lịch sử nhưng đã quá xuống cấp theo thời gian mà không được cấp kinh phí tu sửa nâng cấp.

Nghe cụ Trần Phổ Huệ nói vậy, lòng tôi không thể không xót xa vì tôi đã đứng thắp hương trước “Đại vương lăng mộ” nấm mồ sè sè bên khu đồng trũng, bên nhà lầu cao ốc mọc lên mà tức cảnh sinh tình có bài thơ viếng cụ. Xin chép lại bài thơ về làng 18 quận công như để tỏ lòng tri ân với con người và vùng đất linh thiêng ấy.

Về làng mười tám quận công

Hanh heo ngọn gió cuối đông thổi về

Đường làng còn mấy bờ tre

Dòng sông Thiên Phái mất đê chắn dòng

Về làng mười tám quận công

Con tìm mộ cụ giữa đồng đìu hiu

Bỗng nhiên có đám mây chiều

Bay qua ruộng vắng che nhiều bóng râm

Nhớ người vì nước thương dân

Thác là xác hóa, hồn thần vinh danh

Mộ xưa chôn giữa đồng xanh

Gò cao giờ đã hoá thành ruộng sâu

Thương thay nấm mộ đất nâu

Thấp thêm thấp, giữa nhà lầu vươn lên

Bia mờ mộ hoá không tên

Xót thương người cũ buồn thêm cõi người

Hồn thơ lạy cụ đôi lời

Tri ân sông núi đất trời nhớ ơn.

Xem thêm
Tri ân những người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 17/4 tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Acecook Việt Nam - Những dấu ấn bước đầu trong phòng chống thiên tai

Những năm qua, Acecook Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp cộng đồng nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.