| Hotline: 0983.970.780

Người trồng chuối Phú Yên lao đao

Thứ Sáu 17/04/2020 , 09:27 (GMT+7)

Các vườn chuối ở xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (huyện Tuy An) bị nắng hạn, trái nhỏ lại ít sai nải. Đã thế giá chuối xuống thấp, có người nấu chuối cho bò.

Nắng hạn nên buồng chuối ít nải.  Ảnh: Lê Trâm.

Nắng hạn nên buồng chuối ít nải.  Ảnh: Lê Trâm.

Chuối rớt giá

Bà Phan Thị Nhung ở xã An Lĩnh, trồng 2ha chuối. Trước đây thời tiết thuận lợi, trung bình một nải chuối gần 2kg, còn một buồng chuối khoảng 10 nải. Giá chuối dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg thì một buồng chuối bán từ 180.000-200.000 đồng.

Thế nhưng hai năm qua do nắng hạn, một buồng chuối chỉ ra 5 nải, nải chuối chỉ nặng 1- 1,5kg. Giá chuối hiện nay dao động 4.000-5.000 đồng/kg, so với mấy năm trước, một buồng chuối người trồng thất thu hơn nửa.

Còn ông Bùi Văn Minh, người trồng chuối ở xã An Xuân cho hay: Nắng hạn, buồng chuối “thun” lại, trước đây 10 nải giờ còn 5 nải, không những thế trong 5 nải thì có 3 nải bán giá 4.000-5.000 đồng/kg, còn 2 nải cuối của buồng chuối trái nhỏ, bị dính lẹo (hai trái dính chung lại) nên thương lái chỉ mua 3.000 đồng/kg, rẻ quá tôi mang về nấu cho bò ăn.

Theo người trồng chuối, thường từ lúc bứng chuối con trồng đến khi 8 tháng tuổi thì chuối ra buồng. Chuối hiện nay đang thu hoạch thì nông dân trồng từ tháng 7, 8 năm ngoái.

Thời điểm đó, lúc cây chuối con bứng ra trồng gặp nắng hạn mất sức nên trong thời gian sinh trưởng, chuối chậm phát triển dẫn đến khi ra buồng trái nhỏ, số lượng nải trên buồng cũng ít so với trước.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài năm 2019 đã làm cho 1.425ha chuối tập trung tại các xã An Lĩnh, An Xuân và An Thọ bị hư hại. Trong đó, có 1.250ha hư hại từ 70% trở lên, không còn khả năng cho trái hoặc duy trì sinh trưởng.

Nông dân phải chặt chuối, tận dụng phần thân làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc lột lấy bẹ phơi khô để bán cho các tư thương thu mua làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng thủ công.

Ra sức “cứu” chuối

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, nông dân các xã An Lĩnh, An Xuân và An Thọ ra sức “cứu” vườn chuối. Ông Phạm Văn Toàn ở xã An Xuân, trồng 3ha chuối với đủ loại giống, từ chuối mốc địa phương đến giống lai như chuối nu, chuối dạ hương, ông áp dụng các biện pháp chống hạn cho chuối.

“Nắng nóng kéo dài, tôi tận dụng tàu lá chặt tủ xung quanh gốc chuối giữ độ ẩm cho gốc chuối, khi tàu lá mục làm phân xanh cho chuối tốt”, ông Toàn nói.

Còn bà Bùi Thị Hiền, người trồng chuối ở xã An Lĩnh cho rằng, chuối là cây mang lại thu nhập chính của người dân nơi đây, từ thân, bắp đến buồng chuối đều được người trồng tận thu bán. Mấy năm trước, chuối phát triển tốt, hàng năm nhờ chuối mà ông có tiền chi tiêu trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

Năm nay chuối hạ giá nhưng được cái tư thương đến nhà mua, có người ra tận rẫy rảo mua chớ không ế nên nông dân ra sức “cứu” chuối với hy vọng thời gian đến chuối có giá trở lại.

“Tôi khoan giếng 45 triệu đồng, vừa tưới chuối, vừa tưới ớt trồng xen. Ớt đã thu hoạch, bỏ mối cho các quán và người bán hàng rau. Trung bình 1 tuần thu 1 triệu đồng tiền bán ớt bù lại tiền khoan giếng tưới chuối. Còn đối với chuối mùa nắng hạn, khi cây chuối mẹ ra chuối con chỉ chọn để lại 1 cây con nuôi cây chuối mập đến khi ra buồng trái to.

Nếu để lại nhiều cây chuối con thì bụi chuối nhiều cây hút hết dinh dưỡng, thiếu độ ẩm dẫn đến nhiều cây chuối nhỏ ra nhiều buồng…chuối đẹt.

Riêng chuối chát (chuối hột), người trồng bán từ bắp, buồng chuối đến thân bán người mua làm thực phẩm “um chuối chát”; buồng chuối bán từ non đến già nên người trồng để bụi chuối “nhảy” ra nhiều cây con, bà Hiền nói.

Nông dân xã An Xuân (huyện Tuy An) thu hoạch chuối. Ảnh: Lê Trâm.

Nông dân xã An Xuân (huyện Tuy An) thu hoạch chuối. Ảnh: Lê Trâm.

Chuối là cây trồng chủ lực ở các xã vùng núi An Lĩnh, An Xuân và An Thọ, với diện tích ổn định từ 1.600-1.700ha, năng suất bình quân từ 27-30 tấn/ha. Nhiều hộ nhờ trồng chuối đã thoát nghèo. Trước tình hình nắng hạn, giá chuối xuống thấp nên người trồng chuối gặp khó.

Bà Trần Thị Hoa, một người chuyên mua chuối ở xã An Xuân cho hay: Cây chuối ở đây trải qua 2 năm nắng hạn. Riêng năm nay, từ tháng Giêng đến giờ, nắng nóng gay gắt kéo dài chỉ vài cơn mưa nhỏ không đủ ướt đất khiến cho nhiều vườn chuối bị khô lá, có cây chuối trổ buồng không đậu trái.

Vì vậy, sản lượng chuối thu hoạch chỉ bằng một nửa, nơi vùng trũng có độ ẩm thì sản lượng chuối cũng chỉ bằng 2/3 so với mọi năm. Người dân mong rằng các cấp đầu tư công trình chống hạn hoặc hỗ trợ vốn cho nông dân khoan giếng chống hạn cho cây chuối.

Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: Trước tình hình nắng hạn kéo dài, ngành NN- PTNT khuyến cáo, bà con nông dân tận dụng sông suối, ao hồ, khoan giếng tìm mạch nước ngầm để chống hạn cây trồng. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, vừa né hạn, vừa đảm bảo năng suất cây trồng mang lại thu nhập cao.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất