| Hotline: 0983.970.780

Người trồng lúa, sen, bông súng lẫn giăng câu đều điêu đứng vì không lũ

Thứ Tư 05/10/2016 , 14:35 (GMT+7)

Chị Quế cho biết: “Chưa có năm nào như mùa lũ năm nay, cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, người trồng lúa cũng khổ mà người trồng sen cũng chẳng được vui. Mùa lũ thấp khiến những nghề sống bằng giăng câu, thả lưới cũng không được...”.

Hằng năm, vào đầu tháng 7 âm lịch là mùa nước nổi ở ĐBSCL, đây được xem là mùa “ăn nên làm ra” của rất nhiều nông dân trồng cây mùa lũ như: sen, bông súng, ấu… Thế nhưng năm nay, lũ không về đã làm cuộc sống người dân bị xáo trộn và gặp nhiều khó khăn.

 

Chưa năm nào như năm nay

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Câu ca dao là niềm tự hào người dân tỉnh Đồng Tháp khi nhắc đến quê hương, xứ sở của mình. Nó cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân từ việc trồng sen lấy ngó, bán gương, lá sen, hoa sen làm trà. Những cánh đồng sen bát ngát còn thu hút khách tham quan khi mùa nước nổi như một “đặc sản” khó có thể thấy ở nơi khác. Thế nhưng, mùa lũ dần “biến mất” làm cuộc sống của người dân khốn khó, nhiều diện tích sen bị thu hẹp dần.

Sen là loài cây thủy sinh được trồng nhiều ở các xã: Mỹ Quí, Mỹ Đông, Láng Biển, Mỹ An, Mỹ Hòa, Tân Kiều... của huyện Tháp Mười. Nhiều năm trước, diện tích trồng sen lên đến 400 ha nhưng hiện nay do lũ không về diện tích chỉ còn vài chục ha. Cuộc sống của người dân cũng trở nên khó khăn hơn, nhiều gia đình phải chuyển nghề sang nuôi cá, nuôi ếch, trồng các loại cây trồng khác.

Đầu tháng 10, xem như đã gần cuối mùa lũ, có nơi đã rục rịch chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân, nhưng vẫn chưa thấy nước tràn đồng. Chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Hồng Quế, ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười để tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây.

Chị Quế cho biết: “Chưa có năm nào như mùa lũ năm nay, cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, người trồng lúa cũng khổ mà người trồng sen cũng chẳng được vui. Mùa lũ thấp khiến những nghề sống bằng giăng câu, thả lưới cũng không được, sen trồng ở đây cũng giảm dần”.

Chị Quế kể, những năm trước có lũ về nhiều, cuộc sống có đồng ra đồng vô. Ngoài trồng sen, vợ chồng còn tranh thủ đánh bắt thủy sản, đi hái rau, bông điên điển… đem ra chợ bán ngày thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng. Giờ lũ không về nhiều như trước, làm cuộc sống không riêng gia đình chị Quế mà bức tranh chung của miền quê ngày càng ảm đạm hơn.

 

Xa quê để mưu sinh

“Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, đó là kinh nghiệm về sông nước miền Tây từ bao đời nay. Nó báo hiệu mùa lũ bắt đầu, cuộc sống mưu sinh vùng lũ cũng nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng hiện tại nông dân ở các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như: Tịnh Biên, An Phú và Tân Châu (An Giang), Tân Hồng và Hồng Ngự, Tam Nông (Đồng Tháp)… đã mỏi mòn chờ đợi lũ.

Cách đây hơn 5 năm, hình ảnh mà người ta dễ bắt gặp ở vùng Đồng Tháp Mười vào mùa lũ là những cánh đồng sen, bông súng bạt ngàn trắng xóa trên mặt nước. Mỗi sớm mai, hoa sen, hoa súng nở trắng muốt và thơm nức cả một cánh đồng mênh mông nước. Chỉ cần nắm nhẹ một cọng bông súng và nhổ bật lên, nhìn độ dài của cọng bông súng người ta có thể biết được mực nước dưới ruộng sâu bao nhiêu. Những bông súng khoe mình trong nắng mai cũng đem đến thu nhập kha khá cho người dân.

10-47-40_3-ruong-trong-bong-su-cung-bi-thu-hep
Bông súng “khan hiếm” chỉ còn rất ít người trồng
 

Chắc nhiều người không quên câu ca dao: “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì về Đồng Tháp, ăn cho đã thèm”. Bông súng gắn liền với sông nước và cuộc sống của người dân Đồng Tháp. Khi con nước bắt đầu lên, bông súng có mặt khắp cánh đồng và là món “khoái khẩu” của du khách.

Hơn 5 năm kinh nghiệm trồng bông súng, anh Huỳnh Thanh Ngọt, ở ấp 3, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) kể, nhiều năm trước đây thì bông súng có rất nhiều nhưng hiện tại thì chỉ còn rất ít, bông súng chủ yếu được trồng và bán cho thương lái ở tỉnh Bình Dương hoặc TP.HCM. Tại đây bán với giá 3.000 - 4.000 đồng/khoanh bông súng (1kg/khoanh). Người Đồng Tháp bây giờ muốn ăn bông súng cũng khó chứ đâu ra chuyện “ăn cho đã thèm”. Để minh chứng điều đó, anh Ngọt đã dẫn ra ruộng bông súng với diện tích hơn 5.000 m2 của gia đình mình. Trước mắt là cánh đồng nước nhưng bông súng không có bao nhiêu, mỗi ngày chỉ được vài chục ký bông súng bán cho thương lái.

Anh Ngọt tâm sự, gia đình đến 5 miệng ăn nhưng có mấy công bông súng, mùa nước không về đồng nghĩa với việc cuộc sống của người dân cũng “khô cạn” theo. Cuộc sống gia đình khó khăn, con cái ngày một lớn hơn, chuyện học hành rồi đến chuyện bệnh tật của ba mẹ già nay đã ngoài bảy mươi. Nói đến đây, mới thấy mùa nước nổi nó quan trọng đối với đời sống người dân nơi đây biết chừng nào.

Xuyên dòng sông Tiền về xứ sở trồng ấu nổi tiếng vùng Đồng Tháp Mười, trên đường đi cơn mưa nặng hạt đổ xuống. Lòng thấy vui vui vì cơn mưa sẽ làm nước lũ dâng lên. Nhưng một cơn mưa không thể thay đổi được chuyện “mùa lũ cạn”. Người dân cần phải có cách sống chung với “không lũ” và bắt đầu bằng ngành nghề phù hợp với lũ thấp.

Trong tất cả những nghề sống chung với lũ chắc có lẽ ấu là loại cây trồng bị thất thu nhất vì ấu trồng trên ruộng phụ thuộc rất lớn vào nước. Ấu được trồng nhiều vào mùa nước nổi ở các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Thanh Bình, Tam Nông… cho thu nhập cho cao trong những tháng nông nhàn. Không có nước trên ruộng, ấu kém phát triển, bị ốc bươu vàng và cua tấn công làm giảm năng suất.

10-47-40_2-lu-nho-nguoi-trong-u-bi-mt-mu
Lũ thấp người dân trồng ấu bị mất mùa, năng suất giảm mạnh
 

Hai năm trở lại đây, diện tích ấu cũng dần bị thu hẹp do nhiều người dân thua lỗ, nước lũ không về chi phí đầu tư cho việc trồng ấu tăng cao. Những cánh đồng ấu xanh mượt và vị ngọt ngọt, bùi bùi của ấu luộc chín đã giảm dần theo “mùa lũ cạn”. Gia đình 5 thành viên chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, trồng ấu mùa nước nổi, chị Võ Thị Phiến (41 tuổi) ở ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình đang gặp không ít khó khăn khi lũ thấp, ấu mất năng suất, kinh tế gia đình ngày càng gặp khó khăn.

Chị Phiến tâm sự, gia đình sống chủ yếu vào mấy công ruộng, sau khi làm lúa Hè Thu xong, đợi lũ về là xuống giống trồng ấu. Mỗi vụ ấu có thể cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/công. Nhưng năm nay lũ thấp chi phí cao, ốc ăn ấu non lúc mới xuống giống làm năng suất hơn phân nửa. Lũ càng thấp cuộc sống người dân càng khó khăn do thu nhập bấp bênh.

Mùa nước nổi ở ĐBSCL đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Lũ là nguồn sống của hàng trăm ngàn hộ dân và giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Sống thế nào nếu không có lũ?

Trước đây, mùa lũ là nổi ám ảnh của nhiều người dân vì sạt lở đê, dông lốc, mưa gió... đi lại, mua bán khó khăn nhưng hiện tại không có lũ người dân càng thấy “sợ” hơn gấp nhiều lần. Nhiều hộ gia đình đã phải đóng cửa đi làm ăn xa ở tận Bình Dương hay TP.HCM chứ ở đây thì “chết đói” cả nhà. Nếu vài năm nữa không có lũ thì sẽ sống như thế nào?, tôi hỏi. Tất cả đều trả lời: Chẳng biết phải làm gì nữa nếu như ĐBSCL hoàn toàn vắng lũ, chắc chắn khó khăn sẽ chồng chất.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm