| Hotline: 0983.970.780

Người trồng mầm khai hóa

Thứ Sáu 17/09/2010 , 10:30 (GMT+7)

Cụ Phan Bội Châu đánh giá Đặng Huy Trứ là "người trồng mầm khai hóa đầu tiên của Việt Nam".

Chân dung Đặng Huy Trứ
Cụ Phan Bội Châu đánh giá Đặng Huy Trứ là "người trồng mầm khai hóa đầu tiên của Việt Nam". Trong cuộc đời không dài của mình, Đặng Huy Trứ từng làm quan, đi sứ, làm thợ ảnh… nhưng làm gì, ở đâu, thì khát vọng canh tân đất nước, làm cho đất nước giầu mạnh, phú cường, độc lập… cũng chiếm trọn trái tim ông.

>> Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn
>> Tôi sáng không gặp vua hiền
>> Nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ
>> Khát vọng canh tân và bi kịch

Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác Đặng Huy Trứ sinh năm nào (có nhà nghiên cứu nói ông sinh năm 1825), chỉ biết ông sinh tại làng Bát Vọng, sau sang sống ở làng Thanh Lương, tức là làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay, và mất ngày 7 tháng 8 năm Giáp Tuất (1874) tại Chợ Bến Đồn Vàng thuộc xã Cao Lăng, tổng Mỹ Đức (nay là huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Đặng Huy Trứ có tên chữ là Hoàng Trung, hiệu là Võng Tân, Tĩnh Trai, người đời thường gọi ông là Bố Trứ, Bố Đặng, do có thời ông từng làm Bố chính sứ Quảng Nam. Ngay từ nhỏ, Đặng Huy Trứ đã nổi tiếng thông minh, ông đã đỗ thi Hương, thi Hội, nhưng năm 1847 vào thi Đình, bài thi của ông bị phạm húy (không kiêng tên của vua và tên của những người được triều đình quy định phải kiêng) nên bị sổ tuột và phải chịu hình phạt cấm thi trọn đời. Phục tài của ông, một vị đại thần của triều đình đã mời ông về nhà riêng dạy con em mình. Tám năm sau, nhờ vị đại quan đó hết lòng xin xỏ, nhà vua mới xóa cái án “kỷ luật” cấm thi trọn đời đối với ông. Năm 1855, Đặng Huy Trứ ra thi lại và đỗ tiến sỹ.

Sau khi thi đỗ tiến sỹ, Đặng Huy Trứ bắt đầu bước vào đường hoạn lộ. Suốt 18 năm làm quan, ông đã trải qua nhiều chức vụ như thông phán ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ phủ Thiên Trường (Nam Định), hàn lâm viện trước tác, ngự sử…; từng đi sứ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La (Thái Lan)… Năm 1865, Đặng Huy Trứ được cử đi Hương Cảng để xem xét tình hình các nước phương Tây. Có lẽ chuyến đi này, do được mở mang tầm mắt, thấy rõ cội nguồn làm nên sức mạnh của các nước phương Tây là ở giáo dục, xây dựng và phát triển nền khoa học kỹ thuật… nên tư duy của ông đã thay đổi, và tư tưởng canh tân đất nước được hình thành, ông đã biên dịch một cuốn sách về kỹ thuật của người phương Tây sang chữ Hán, mang về nước để phổ biến.

Năm 1867, ông lại được cử đi Trung Quốc. Chuyến đi này ông gặp nạn lớn, bị ốm phải nằm bệnh viện suốt 9 tháng trời không tiền bạc, không bạn bè, người thân…nhưng chính trong thời gian nằm viện này, Đặng Huy Trứ đã viết 4 tập sách "Từ thụ yếu quy", tổng cộng 900 trang, nhằm chống thói hối lộ - tham nhũng chốn quan trường. Kết quả của chuyến đi này là Đặng Huy Trứ đã mua được cho triều đình 239 khẩu “quá sơn pháo”, để đối phó với đội quân xâm lược của Pháp. Năm 1871, Đặng Huy Trứ được đổi từ ngạch văn quan sang võ bị, giữ chức bang biện quân vụ 4 tỉnh Lạng - Bằng - Ninh - Thái (Lạng Sơn - Cao Bằng – Bắc Ninh - Thái Nguyên), năm 1873 Đặng Huy Trứ lui quân về Đồn Vàng - Hưng Hóa dưới quyền Thống tướng quân vụ Hoàng Kế Viêm, mưu tính tổ chức kháng chiến chống Pháp lâu dài, nhưng việc mưu tính còn dở dang thì vua Tự Đức đã ký hòa ước Giáp Tuất (1874), thế là mọi việc đành xếp bỏ…

Sinh thời, Đặng Huy Trứ làm quan rất thanh liêm, nhưng giới quan trường thì lại nhìn ông là “một vị quan lớn rất ham… đi buôn”. Chuyện buôn bán là trái ngược hoàn toàn với tư tưởng nho gia, vốn đang ngự trị toàn bộ xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Trong xã hội, giới thương nhân bị xếp vào hạng cuối cùng trong “tứ dân” (sỹ, nông, công, thương) và bị coi thường nhất. Đặng Huy Trứ đi ngược lại với tư tưởng xuất thân của mình, chính là vì ông chủ trương canh tân đất nước. Dân có giầu thì nước mới mạnh. Mà muốn dân giầu thì phải bỏ lối học từ chương, bỏ tư tưởng “an bần lạc đạo” vẫn ngự trị xã hội phương Đông từ hàng ngàn năm nay, phát triển học nghiệp theo các nước phương Tây, xây dựng nền khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp, mở mang thương nghiệp… Chính ông đã mở ra các thương điếm (hiệu buôn) như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm… để giao thiệp với các nước phương Tây, gây dựng nền kinh tài cho triều đình…

Với chủ trương canh tân, Đặng Huy Trứ đã nhiều lần tâu xin triều đình phát triển kinh tế bằng cách khai mỏ, mở mang công nghiệp, thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải…xây dựng khoa học quân sự, chủ trương chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược, chiến thuật, cử người sang các nước phương Tây học các ngành kỹ thuật như đóng tàu thuyền, chế tạo vũ khí… Về học thuật, Đặng Huy Trứ hô hào bỏ quan niệm trọng văn khinh võ, một quan niệm đang ngự trị xã hội Việt Nam. Ông từng nói “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”. “Không biết chăm sóc dân thì chớ có làm quan”. "Mình thiệt, dân lợi thì dân gắn bó. Đẽo dân, mình béo nhưng dân căm hờn. Hờn căm hay gắn bó đều tự ta cả"…

Ngày 14/3/1869, Đặng Huy Trứ mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà (Hà Nội). Đây là hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam, và ông trở thành người đầu tiên có công đưa nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam… Mở hiệu ảnh nhưng vẫn làm quan, vẫn thiết tha với chủ trương canh tân đất nước. Không giống với những nhà canh tân đương thời, Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, nhưng cũng giống với những nhà canh tân đương thời, những chủ trương canh tân của ông không có đất phát triển vì vua hèn yếu, đại thần bảo thủ. Trước họa xâm lăng của quân Pháp, hoàng gia nhà Nguyễn chỉ biết níu kéo lấy quyền lợi của riêng mình mà bỏ rơi hoàn toàn quyền lợi của dân tộc. Hậu quả là nước mất, nhân dân lầm than…

Khát vọng canh tân theo Đặng Huy Trứ đến hơi thở cuối cùng. (Hết)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.