| Hotline: 0983.970.780

Người trồng thành công nấm kim châm

Thứ Sáu 12/12/2008 , 08:00 (GMT+7)

Nấm kim châm là một loại nấm quý, giàu thành phần dinh dưỡng được thị trường trong nước rất ưa chuộng.

* Mỗi ngày cho thu nhập hàng triệu đồng

Nấm kim châm
Nấm kim châm là một loại nấm quý, giàu thành phần dinh dưỡng được thị trường trong nước rất ưa chuộng. Nhưng loại nấm này hầu hết nhập từ Trung Quốc sang theo đường hàng không nên giá rất cao. Nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng nấm trong nước đã thử sức với nấm kim châm nhưng đều thất bại. Đến cuối năm 2006, loại nấm này mới được trồng thành công tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Người trồng thành công

Nấm kim châm có tên khoa học là Flamulina Velutipes và tên thương mại Golden mushroom. Loại nấm này được trồng khá nhiều ở Trung Quốc nhưng ở Việt Nam rất khó trồng vì nhiệt độ để chúng sống và phát triển được chỉ từ 5-15 độ C. Có nhiều người đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư trồng nấm này xong đành chấp nhận thất bại. Chỉ riêng chị Ngô Thị Thái, chủ trại nấm tại xã Tây Hòa (Trảng Bom) đã dày công nghiên cứu và tìm ra phương pháp trồng thành công. Ban đầu chị không quản công sức, thời gian đến những nơi đã trồng thử nấm kim châm bị thất bại để tìm nguyên nhân. Qua đó, chị Thái rút tỉa ra những kinh nghiệm trong quá trình xử lý trồng nấm và phải mất hơn hai năm lăn lộn với loại nấm quý tộc này chị mới thành công.

Chị Thái cho hay: “Trước đây khi thấy tôi dồn hết vốn liếng trong gia đình ra để đầu tư nghiên cứu trồng nấm kim châm bạn bè và người thân đều cản vì cho rằng tôi quá mạo hiểm với nó. Trước đó có những công ty đã không tiếc tiền của đầu tư, mời cả chuyên gia của Nhật, Trung Quốc sang hướng dẫn kỹ thuật trồng nhưng đều thất bại. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được và thật không ngờ mình là người đầu tiên trồng thành công”. Theo chị Thái, loại nấm này rất khó trồng, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong khâu chăm sóc cũng có thể thất bại, do vậy hàng ngày chị phải trực tiếp giám sát tất cả các khâu từ làm meo, sơ chế nguyên liệu, đóng bịch, đưa vào lò hấp và cấy meo…

Chị Thái kiểm tra nấm kim châm trước khi thu hoạch

Trở thành nhà độc quyền phân phối

Hiện nay mỗi ngày chị Thái cho xuất xưởng từ 120-150kg nấm kim châm. Có thời gian cao điểm chị cho xuất xưởng đến trên 300 kg nấm thành phẩm với trị giá 15 triệu đồng/ngày. Chị Thái nói: “Trồng nấm kim châm từ lúc làm meo đến khi được thu hoạch mất khoảng 5 tháng. Để trồng loại nấm này, tôi phải đầu tư xây dựng 15 phòng lạnh, mỗi phòng có diện tích khoảng 16 m2 trong đó có các kệ để treo nấm và nhiệt độ trong phòng phải luôn đảm bảo từ 5-10 độ C cho nấm phát triển”.

Nguyên liệu để trồng nấm kim châm chủ yếu là bã mía, cám mì, vỏ hạt bông vải xay nhuyễn trộn đóng vào bịch ny-lông đem hấp ở nhiệt độ 110-130 độ C, sau đó để nguội cấy meo vào và đặt trong phòng lạnh. Khi nào meo nổi mốc trắng thì rạch bịch cho nấm lên. Nấm kim châm đến thời kỳ thu hoạch có màu trắng, cong nhỏ dài, trên đầu có mũ nhỏ nên nhiều nước còn gọi là nấm giá. Năng suất đạt khoảng 300-600 gam/bịch. Sau khi thu hoạch xong nấm được đóng gói, hút chân không, bảo quản lạnh và đưa ra thị trường. Hiện chị Thái là nhà cung cấp nấm kim châm trên khắp cả nước. Nhưng nấm của chị mới chỉ đủ cung cấp cho các hệ thống siêu thị như Metro, CoopMart… với giá 50.000 đồng/kg, bằng ¼ giá nấm kim châm nhập từ Trung Quốc về. Chị cho biết, đầu tư cho một bịch nấm kim châm từ khâu làm meo đến khi thu hoạch mất khoảng 10.000 đồng. Trừ tất cả chi phí đi, còn lời khoảng 20.000 đồng/kg nấm thành phẩm và mỗi tháng ít nhất chị thu nhập từ trại nấm kim châm đến vài ba chục triệu đồng.

Chị Thái có dự định sắp tới sẽ mở rộng sản xuất vì hiện nay lượng cung vẫn chưa đủ cầu. Nấm kim châm được thị trường ưa chuộng vì ăn rất ngon, bổ dưỡng, dễ chế biến, lại có thể ngăn ngừa bệnh cao huyết áp.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.