| Hotline: 0983.970.780

Người Trung Quốc đổ sang Nga làm ăn: Thèm muốn tài nguyên

Thứ Sáu 29/08/2014 , 09:34 (GMT+7)

Sự kiện Nga và Trung Quốc ký hợp đồng cung cấp khí gas trị giá 400 tỷ USD hồi tháng Năm đánh dấu một bước đột phá chưa từng thấy sau một thập kỷ đàm phán./ Anh nhiều đất, tôi đông dân

Sự kiện cũng báo hiệu bình minh của một kỷ nguyên vàng trong quan hệ kinh tế Nga - Trung, theo đánh giá của Financial Times.

Khi quan hệ với phương Tây với Nga xấu đi khi Nga sáp nhập vùng Crimea, ông Putin đã phản ứng bằng việc mở rộng cửa với đầu tư từ Trung Quốc.

Ngoài thỏa thuận về khí gas, Matxcơva cũng tuyên bố Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất, xúc tiến các liên doanh trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Nga cũng dự tính thương mại hai chiều sẽ tăng hơn hai lần, tới 200 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, nếu đến thăm làng Pashkovo, một làng nằm bên sông Amur, bên kia là Trung Quốc, rất có thể những viễn cảnh mà chính phủ Nga vẽ ra sẽ bị lu mờ bởi thái độ đối đầu và không tin tưởng truyền thống của bên này và bên kia.

Trong năm 2008, hai Cty lâm nghiệp Trung Quốc đầu tư vào vùng này để khai thác gỗ cho nhà máy của họ, đặt gần đó. Hai năm sau đó, họ chứng kiến cánh cửa sập mạnh trước mặt khi Nga đóng cửa biên giới.

"Chúng tôi đã dự tính xuất ngược gỗ qua sông về nhà máy chế biến của chúng tôi ở Trung Quốc, chỉ cách đây có vài km”, Zhao Fuquan, giám đốc nhà máy chế biến gỗ Hắc Long Giang Xin Chun cho hay. “Bây giờ, mọi xe tải chở gỗ xe phải đi đường vòng xa tới 700 km. Như vậy là mất một nửa lợi nhuận”.

Câu chuyện của ông chỉ là một trong vô số chuyện mà các Cty của Trung Quốc phải đối mặt khi tìm cách chen chân vào Nga. Kangbo, một Cty chuyên bán máy nông nghiệp ở Khu tự trị Do Thái, đang phải nỗ lực tồn tại khi hải quan Nga chỉ cung cấp quota nhỏ giọt cho các thiết bị cỡ lớn.

“Chúng tôi phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê để nhập vào Nga từng chiếc máy gặt đập liên hợp. Trong năm 2013, chính quyền chỉ phê chuẩn nhập khẩu duy nhất một máy gặt đập vào Khu tự trị Do Thái”, Chen Dajun, giám đốc chi nhánh của Kangbo tại địa phương nói.

Oubangde, một Cty lâm nghiệp khác của Trung Quốc đã phải ngừng công việc khi người của chính quyền liên bang ập vào, phát hiện các vi phạm về an toàn cháy nổ, giấy phép lao động và chuyện thuế khóa.

Zu Guofu, lãnh đạo Cty chi nhánh Nga cáo buộc chính quyền nhắm vào thương nhân Trung Quốc một cách có hệ thống.

Người Trung Quốc đang ngày một hiện diện rõ hơn trong nền kinh tế Nga vùng Viễn đông. Ở vùng Khabarovsky Krai, người Trung Quốc chiếm 4% đầu tư nước ngoài trong năm 2013, tăng 2% so với năm 2009.

Ở Birobidzhan, thủ phủ của vùng, hầu hết các tòa nhà do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Người Trung Quốc ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành bán lẻ, kho vận, khách sạn và xử lý rác. “Không có người Trung Quốc, cả vùng sẽ ngưng trệ”, Wang Mingwei, đại diện thành phố Yichun của Trung Quốc tại Birobidzhan nói.

Theo sau những Cty nhỏ đi tiên phong, các Cty lớn của Trung Quốc cũng đổ sang Nga. Fuyao, một trong số những nhà SX kính xe hơi lớn nhất thế giới đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại Matxcơva, nơi Cty này cung cấp kính xe cho một nhà máy của hãng Volkswagen.

Thách thức

Các quan chức Nga nói họ đang lôi kéo nhà đầu tư Trung Quốc nhưng cũng thừa nhận đây là tiến trình đầy thách thức cho cả đôi bên.

“Thương mại hai chiều và đầu tư đang tăng nhanh kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine”, Maxim Tarasov, lãnh đạo cơ quan hợp tác kinh tế với nước ngoài ở vùng Khabarovsky Krai nói.

Nhưng theo ông, đang có dư luận nói rằng, người Trung Quốc chủ yếu chỉ quan tâm đến tài nguyên thiên nhiên của Nga và rất khó để thuyết phục họ thiết lập các hoạt động SX tận dụng nhân công Nga. “Người Trung Quốc chỉ muốn cái gì có lãi nhất”, Tarasov nói.

Cũng giống như ở châu Phi và Mỹ Latin, ở vùng Viễn đông của Nga, các Cty Trung Quốc vẫn đa số sử dụng nhân công người Trung Quốc.

Cho dù trang trại lợn của ông Li ở Ussuriysk nói dùng 60% người địa phương, nhưng nhiều cơ sở do người Trung Quốc quản lý khác không làm như vậy. Ví dụ nhà máy chế biến gỗ Haihua ở Pashkovo tuyển dụng 105 người Trung Quốc và chỉ có 20 người Nga. Quản lý người Trung Quốc nói dân địa phương lười biếng, thường say rượu. Công nhân Trung Quốc ở nhà tập thể, làm việc bảy ngày một tuần từ sáng đến đêm.

Việc coi thường nhân lực và tập quán địa phương đôi khi khiến các Cty Trung Quốc phải trả giá đắt. Chuyện Cty cơ khí điện lực quốc gia Trung Quốc (CNEEC) là một ví dụ. CNEEC có dự án xây nhà máy luyện kim ở vùng Viễn đông cho tập đoàn Petropavlovsk. Nhưng trong quá trình thực hiện, CNEEC thường xuyên bị phạt vì không đảm bảo an toàn lao động. Theo Gu Xiaomei, phó tổng giám đốc, không thành viên ban quản lý dự án nào có kinh nghiệm làm việc tại Nga và CNEEC chỉ thuê một kỹ sư chính người Nga sau một loạt các sự cố.

Những chuyện như vậy có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn khi người Trung Quốc quản lý nhiều đất đai ở Nga hơn. Trong những năm gần đây, các nông trại nhà nước của Trung Quốc bắt đầu theo chân nông dân cá thể của nước này đổ qua vùng Viễn đông. Theo thống kê của phía Nga, chỉ riêng các nhà đầu tư từ tỉnh Hắc Long Giang, diện tích đất họ nhận thầu khai thác nông nghiệp ở vùng Viễn đông đã tăng từ 50.000 ha năm 2008 lên gần 667.000 ha vào năm 2016. (Hết)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.