| Hotline: 0983.970.780

Người ươm cá basa giống lớn nhất

Thứ Năm 27/11/2008 , 09:30 (GMT+7)

Đó là anh Tống Minh Chánh, còn gọi Hai Chánh ở ấp Long Thạnh, xã Long Hậu - Phú Tân – An Giang.

Cá basa bố mẹ

Tiếp nối truyền thống gần 50 năm theo nghề nuôi cá bè trên dòng sông Hậu của gia đình, anh Tống Minh Chánh, còn gọi Hai Chánh ở ấp Long Thạnh, xã Long Hậu - Phú Tân – An Giang luôn gắn bó với con cá basa nuôi trong lồng bè.

Hai Chánh nói: “Muốn con cá basa phát triển ổn định, tránh lặp lại tình cảnh con cá tra vừa qua rớt giá thê thảm, vấn đề quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng chặt chẽ quy trình sản xuất sạch, nguồn giống đảm bảo tốt và hợp đồng tiêu thụ cá trong và ngoài nước phải được ký kết ràng buộc chặt chẽ".

Bản lĩnh nuôi cá basa

Tốt nghiệp ngành thủy sản Đại học Cần Thơ năm 1989, Hai Chánh không đi làm cho các doanh nghiệp mà dùng những kiến thức của mình có được để phát triển nghề nuôi cá basa truyền thống của gia đình. Nuôi con cá basa không phải đơn giản. Từ chuyện xử lý nguồn nước, chăm sóc bệnh dịch đến chuyện thức ăn cho cá thì ngoài kinh nghiệm buộc phải có kiến thức khoa học và phải có bản lĩnh – Hai Chánh tâm sự.

Năm 1990 anh tiếp nhận chiếc bè đầu tiên nuôi cá basa thịt của gia đình, trên dưới một ngàn con. Anh Chánh cho biết: "Cá basa thời điểm ấy ít người nuôi lắm, nhìn đi nhìn lại chỉ có gia đình tôi đóng bè nuôi cá trên sông Hậu mà thôi. Nguồn con giống lại khan hiếm, chỉ có thể mua từ những người đánh bắt cá basa trong thiên nhiên. Chính điều đó gây khó khăn đối với nguồn giống thả, lại thêm dịch bệnh thường xuyên, tỷ lệ hao hụt rất cao”.

Nghĩ và làm, ngoài thời gian chăm sóc bè cá, Hai Chánh tìm đến các bạn thời học đại học và các thầy cô giáo ở Đại học Cần Thơ, các Viện nghiên cứu thuỷ sản nhờ sự giúp đỡ. Hai Chánh còn mày mò học hỏi từ tỉnh này sang tỉnh khác để học bằng được kỹ thuật ươm giống cá basa. Năm 1999 anh cho ươm cặp bố mẹ cá basa đầu tiên khá thành công, tỷ lệ sống đạt khoảng 40%. Anh trở thành hộ cá thể ươm nuôi nguồn cá basa giống đầu tiên trong tỉnh thành công. 

Lứa cá con đầu tiên anh đã giữ lại làm cá giống bố mẹ, đến nay đàn cá giống của anh đã lên tới gần 500 con, có những con cá basa bố mẹ của anh nặng tới 30-35kg. Cá basa dù thịt trắng, thơm ngon hơn cá tra nhưng xuất khẩu lại kém cá tra. Hiểu được điều đó, anh lao vào nghiên cứu và thấy rằng chính việc cho cá ăn thừa chất đạm lại ít tạo dòng nước chảy dẫn đến việc cá bị tích tụ mỡ cao.

Quyết giữ thương hiệu cá basa

Hai Chánh nói: Tôi mong một ngày nào đó con cá basa trở lại vị trí của nó. “Mỗi lần tôi qua Châu Đốc thấy tượng đài cá basa đứng sừng sững mà tủi thân. Hiện hầu hết sản lượng cá da trơn xuất khẩu là con cá tra chứ không phải basa. Tôi sẵn sàng bỏ tiền túi để xây dựng thương hiệu cá basa, mong con cá basa khi xuất khẩu phải được mang danh thật của nó”.

Đầu năm 2007, Hai Chánh cùng các bạn và các giáo sư trong trường Đại học Cần Thơ và Đại học thủy sản Nha Trang, đầu tư nghiên cứu sâu hơn về nghề nuôi và lai tạo giống cá basa. Cùng lúc, anh dốc vốn đầu tư dần nâng số bè cá gia đình từ 3 chiếc ban đầu lên 18 chiếc. Phần lớn số bè ấy là để nuôi cá bố mẹ. Hiện nguồn cá basa giống của anh cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu con/năm (chiếm 70% thị trường cá giống basa cả nước) và đủ khả năng cung cấp cá giống lên đến 200 triệu con/năm.

Từ những bước thành công lai tạo được con giống cá basa, anh đã mở Cty Minh Chánh để cung cấp con giống cho khách hàng ngày một có nhu cầu vì thời gian gần đây con cá tra liên tục bị rớt giá, người nuôi đang có xu hướng quay lại với nghề nuôi cá basa trên bè. Cty Minh Chánh đã đầu tư hệ thống bè ươm hiện đại, quy mô trên 60 lồng ươm theo công nghệ mới của tổ chức Cirad (Pháp) nhằm tạo nguồn giống sạch, ổn định cho thị trường và hạ giá thành con giống. Hai Chánh cho biết đã cùng một số cá nhân, tổ chức có tâm huyết với con cá basa đang tiến hành phát triển việc nuôi cá basa trên ao hầm theo công nghệ mới, đến nay sau 8 tháng, lượng cá thả nuôi phát triển tốt, tín hiệu phát triển cho con cá basa rất khả quan.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.