| Hotline: 0983.970.780

Người ươm mầm hoa giống

Thứ Ba 16/04/2019 , 09:08 (GMT+7)

"Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ". Anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách, Hải Dương) đã dành cả tuổi trẻ để trăn trở, tìm tòi, kiên trì với con đường khởi nghiệp trồng hoa cúc giống...

20-26-44_ho_giong
Anh Nguyễn Văn Chiến chăm sóc vườn hoa giống

Sinh ra và lớn lên ở làng hoa Phù Liễn, nông dân quê anh chủ yếu trồng cây lấy hoa đem bán. Anh Chiến luôn đau đáu làm sao để người dân quê mình có được nhiều giống hoa đẹp để trồng mà không phải mua ở nơi khác. Anh quyết tâm bằng mọi cách, tìm tòi học hỏi và bắt tay vào trồng hoa cúc giống. Ban đầu anh chỉ trồng một góc vườn nhỏ rồi lên đến vài sào.

Nghề trồng hoa cúc giống đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công, cẩn thận mà anh ví như "chăm con mọn". Các cây mẹ đều được anh lựa chọn tìm mua từ nguồn nuôi cấy mô của Viện Nghiên cứu rau quả. Anh trồng và chăm sóc chu đáo. Cúc bố mẹ đến tuổi, mầm được cắt tỉa để ươm riêng, chăm sóc cẩn thận và khi ra rễ khỏe là có thể trồng được. Hoa giống tại vườn nhà anh có quanh năm nhưng tập trung cao điểm nhất vào thời điểm tháng tám âm lịch, phục vụ cho người trồng vào vụ tết.

Khi đã làm chủ kỹ thuật, anh Chiến tiếp tục tìm tòi đổi mới nguồn hoa cúc giống sao cho đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Làm sao để cây hoa cúc giống không chịu tác động nhiều bởi thời tiết? Anh mày mò tự làm giàn có che phủ nilon cho từng luống cây. Thấy hiệu quả rõ rệt, anh đã mạnh dạn quyết định đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng cúc giống sau khi đã tham quan và học hỏi ở nhiều nơi. Đến nay diện tích nhà lưới của anh đã phát triển lên trên 2 mẫu, với số vốn đầu tư lên tới gần 5 tỷ đồng.

Với kinh nghiệm nhiều năm và luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, cúc giống của gia đình anh luôn được người trồng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, ưa chuộng. Khi được hỏi về thu nhập của gia đình mình, anh Chiến khiêm tốn cười bảo: "Nghề trồng hoa cúc giống thu hoạch quanh năm, nhưng làm lớn thì phải đầu tư lớn, làm được đến đâu lại kiến thiết mở rộng đến đó. Bản thân không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được mà luôn luôn phấn đấu không ngừng".

Gần 20 năm theo đuổi và gắn bó với nghề trồng hoa cúc giống, anh Nguyễn Văn Chiến cũng đã phải nếm đủ mùi thất bại để có thành công của ngày hôm nay.

Anh chia sẻ: Khí hậu miền Bắc nước ta giâm cây hoa cúc chỉ thuận lợi nhất vào mùa xuân vì có mưa phùn làm mầm cây sau khi tách không bị mất nước và cây đâm rễ nhanh hơn. Song, nhu cầu cây giống của người trồng hoa chủ yếu lại là thời điểm tháng 8 âm lịch. Chính vì thế mà việc giâm cành, giâm chồi cúc của anh đã bị thất bại.

Anh còn nhớ rất rõ những lô mầm cây giống ươm xuống vườn giữa tiết trời thu gió heo may khô hanh đã bị cong queo, khô héo hàng loạt dù đã nhiều lần trong ngày tưới phun mưa.

Giâm cúc trong mùa hè cũng không kém rủi ro. Mầm cúc giâm xuống khi thì nóng quá bị khô qoắt, lúc gặp mưa nhiều lại bị thối rễ mà chết ủng. Muốn chồi cúc nhanh đâm rễ sau giâm, đất vườn ươm đòi hỏi phải được làm cẩn thận và chu đáo, bằng không, hàng loạt mầm chồi hoa sau khi giâm xuống đều bị xóa sổ.

Anh đã phải mày mò, dành công sức học hỏi kỹ thuật làm giá thể giâm cây bằng xơ dừa trộn đất, dinh dưỡng. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thông tin trên internet để nghiên cứu những kỹ thuật chuyên sâu, sử dụng các chế phẩm bổ trợ kích rễ…

Bấy nhiêu thế mà vẫn chưa đủ. Anh bảo rằng, làm nghề hoa giống nếu nói hết các khâu kỹ thuật thì cả ngày chưa xong mà viết ra thì có thể thành cả quyển sách chứ không ít. Thế nên tròn 20 năm anh làm nghề cây giống mà giờ vẫn phải học hỏi.

Đến nay anh đã làm chủ kỹ thuật cắt mầm hoa trên cây mẹ, cắt để mầm không bị thối sau giâm, che gió, che nắng cho mầm, làm mầm quen dần với môi trường bên ngoài... Tất cả những thứ đó đối với "kỹ sư chân đất" như anh là cả một nghệ thuật rồi!

Năm 2018, hộ anh Nguyễn Văn Chiến được công nhận "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh". Kiên trì với con đường khởi nghiệp của mình, từ ý tưởng đến quyết tâm hành động, chịu khó tìm tòi học hỏi, đến nay anh Chiến đã khẳng định là người ươm mầm hoa giống.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm