| Hotline: 0983.970.780

Người vợ trở về sau chuỗi ngày bỏ đi biệt tích

Thứ Bảy 09/05/2020 , 09:35 (GMT+7)

Cuộc sống khó khăn, vợ tôi đã bỏ gia đình và nương rẫy, lên TP.HCM làm công nhân. Khi đi, cô ấy bảo sẽ kiếm tiền gửi về phụ tôi nuôi con.

Tuy chỉ là một nông dân thuần phác, sống ở miền Đông Nam bộ, nhưng tôi được trời phú cho một giọng ca khá truyền cảm, và ngón đàn không đến nỗi tệ. Ngoài giờ nương rẫy, tôi thường được bạn bè, người quen mời đến đàn ca ở những đám tiệc gia đình. Thường thì tôi cũng được họ bồi dưỡng chút đỉnh, tùy tâm.

Tôi quen Thoa, vợ tôi sau này, cũng từ những dịp đàn hát đó. Thoa là người làng bên, gia đình cũng sống nhờ nương rẫy, nhưng Thoa làm công nhân cho xí nghiệp chế biến hạt điều ngay tại huyện nhà. Chúng tôi cưới nhau sau hơn một năm yêu đương, khi ấy tôi 22 tuổi, còn Thoa 20.

Kể ra thì, nhờ có khiếu dàn ca, nên không ít cô gái trong vùng chú ý đến tôi, nhưng tôi chỉ chọn Thoa, vì cô ấy cũng khá xinh, tính tình vui vẻ, dễ gần. Phần Thoa, cũng có nhiều chàng trai theo đuổi, song em lại yêu tôi, có lẽ vì tôi hơn các chàng trai kia nhờ tài đàn hát.

Cưới nhau xong, tôi và Thoa mỗi người vẫn tiếp tục công việc trước kia của mình. Hơn một năm sau, Thoa sinh con đầu lòng, cô ấy mới nghỉ làm công nhân, ở nhà cùng tôi lo canh tác trên mảnh đất khoảng nửa hecta hồ tiêu do cha mẹ tôi cho.

Vào thời điểm đó, giá hồ tiêu rất cao, nên chúng tôi có thu nhập khá. Cộng với tiền thù lao của tôi những lần được mời ca hát, cuộc sống khá đầy đủ, sung túc. Hai đứa con gái xinh đẹp giống mẹ, đã khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, niềm vui chỉ được vài năm thì tôi bị tai nạn, trong một lần đi ca hát về khuya.

Rất may, tôi được cấp cứu kịp thời, nên thoát được lưỡi hái tử thần, song đã bị cướp đi ánh sáng vĩnh viễn. Bị sống trong mù lòa, tăm tối, tôi chỉ còn biết nhờ tiếng đàn, lời ca để có thu nhập chút đỉnh.

Bà con cảm thương cho hoàn cảnh, nên thường ưu tiên mời tôi góp vui những đám tiệc. kinh tế gia đình tôi cũng tạm ổn, nếu không có sự rớt giá thê thảm của hồ tiêu.

Hồ tiêu rớt giá, cuộc sống khó khăn, chồng bệnh tật, vợ tôi đã bỏ gia đình và nương rẫy, lên TP.HCM làm công nhân. Khi đi, cô ấy bảo sẽ kiếm tiền gửi về phụ tôi nuôi con.

Nhưng rồi, chỉ được vài ba tháng đầu, cô ấy có gửi ít tiền về, sau đó thì tôi không còn thấy tiền, và cũng không còn... thấy cô ấy trở về nữa. Vợ tôi đành đoạn bỏ chồng và hai con gái, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3.

Cô ấy theo một người đàn ông tại TP.HCM, và chỉ nhờ người quen nhắn tôi ở nhà cứ lấy vợ khác, khi cô ấy có tiền sẽ về đưa các con theo.

Tôi bàng hoàng đau đớn, gọi điện năn nỉ cô ấy trở về, nhưng không liên lạc được. Thậm chí, tôi nhờ người quen dẫn lên thành phố, đến tạn nơi cô ấy ở trọ, song vẫn không gặp. Vợ tôi đã bỏ đi. Biệt tăm!

Tuy đau khổ vô cùng, phần vì tôi vẫn còn rất yêu vợ, phần vì nhìn hai đứa con thơ dại bị mẹ bỏ rơi. Tuy vậy, tôi không cho phép mình gục ngã, phải cố gắng vui sống để nuôi con. Những đồng tiền tôi có được nhờ ca hát, cộng với sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, cuộc sống của ba cha con tôi cuãng đắp đổi qua ngày.

Tính đến nay, đã gần ba năm vợ tôi không trở lại quê nhà. Cô ấy chỉ gọi điện cho mẹ ruột, hỏi thăm tôi tin tức của tôi và các con.

Sau cú sốc quá lớn, khi chồng mất vợ, con mất mẹ, cha con đã lấy lại được bình yên trong tâm hồn, không còn mong ngóng người đàn bà tệ hại kia trở về nữa. Thì bất ngờ, cô ấy đã trở về.

Cô ấy bảo, trước kia do gặp khó khăn dồn dập, nông nỗi, nên đã hành động sai lầm. Bây giờ, cô ấy mong tôi tha lỗi, cho cố ấy sum họp, để lo cho các con.  

Thật lòng thì giờ đây tôi không còn tình cảm gì với cô ấy. Tôi chỉ muốn được yên ổn nuôi các con. Ngay cả hai con tôi, chúng cũng không muốn mẹ chung sống. Song, tôi cũng trộm nghĩ, hai con tôi là gái, hãy còn quá nhỏ, dù sao nếu có được bàn tay người mẹ chăm sóc thì vẫn hơn. tôi dù có thương con bao nhiêu cũng không bù được tình mẫu tử. Vậy nếu cô ấy thật lòng hối cải, tôi có nên tha thứ, hay lại chính thức ra tòa, bởi chúng tôi vẫn chưa ly hôn?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?