| Hotline: 0983.970.780

Người xin tri thức về xóm

Thứ Tư 23/03/2011 , 09:43 (GMT+7)

Đó là công việc diễn ra 10 năm nay của ông Nguyễn Thanh Long ở xóm Cầu Trôi, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Dù đã ở tuổi 76 nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn đi xin sách báo để xây dựng tủ sách cho xóm, giúp người dân có cơ hội được tiếp xúc với tiến bộ khoa học kĩ thuật và kho tàng tri thức của nhân loại. Đó là công việc diễn ra 10 năm nay của ông Nguyễn Thanh Long ở xóm Cầu Trôi, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Ý tưởng đáng trân trọng

Ông Long sinh năm 1934 trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng núi phía Tây xứ Nghệ. Từ nhỏ lớn lên tại quê nghèo, ông Long hiểu được cuộc sống vất vả, lam lũ của người dân nơi đây. Trình độ nhận thức, tư duy của họ còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho đời sống sản xuất. Làm sao cho họ có điều kiện được tiếp cận sách vở, khoa học kĩ thuật khi mà cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, là điều mà ông trăn trở lâu nay.

Xây dựng một tủ sách cho xóm giúp người dân có cơ hội tiếp cận khoa học kĩ thuật, áp dụng vào sản xuất là việc làm đầu tiên ông nghĩ tới. Ông Long nói: “Là lãnh đạo của Hội Nông dân và Hội Làm vườn, mỗi lần họp xóm tôi cố gắng truyền bá, phổ biến tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nhưng mức độ tiếp thu của bà con còn hạn chế. Lúc đó tôi nghĩ chỉ có đọc trực tiếp sách báo mới có thể thay đổi được nhận thức tư duy của họ. Vì thế, vào năm 2000 tôi quyết định xây dựng một tủ sách riêng cho xóm”.

Nói là làm. Với chiếc xe đạp cà tàng của mình, hàng ngày ông đi đến các hộ gia đình khuyến khích đóng góp 3.000 đồng mỗi hộ để xây dựng tủ sách. Đi hết xóm cũng chỉ thu được hơn 300.000 đồng, vừa đủ để thuê thợ đóng tủ đựng sách. Nhưng có tủ rồi để không, tiền không có để mua sách, gia đình ông cũng thuộc diện nghèo trong xóm. Đây là việc khó khăn nhất trong ý tưởng của ông và tưởng ông phải bỏ cuộc. Nhưng với lòng quyết tâm, ông Long đã nghĩ ra nhiều cách để ý tưởng thành hiện thực. 

Ban đầu, ông lặn lội đi gom góp những quyển sách cũ trong dân được 5 quyển nhưng đều ở tình trạng cũ kĩ rách nát. Còn những quyển dùng được thì lại không có tác dụng, lợi ích gì cả. Không chịu dừng lại ở đó, ông quyết định nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Nghĩ sao làm vậy, ông lên UBND xã Kỳ Sơn trình bày kế hoạch và được các đồng chí lãnh đạo xã nhiệt tình ủng hộ. Tất cả các phòng, ban trong bộ máy hành chính xã đều gom góp sách, báo các loại để biếu ông. Và cuối cùng thì tủ sách của ông cũng đi vào hoạt động được.

Vốn quý để lại cho đời

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phục vụ người dân, ông đã đặt một tủ sách ở Nhà văn hoá trung tâm xóm. Cứ mỗi lần họp xóm, ông lại mở tủ phát sách cho mọi người cùng đọc để tìm tòi kinh nghiệm, phương pháp nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Không những thế, tủ sách của ông còn có nhiều loại báo chí, sách văn học… phục vụ cho việc đọc sách báo của bọn trẻ.

Để tạo sự đa dạng và phong phú cho tủ sách của xóm, ông Long còn liên hệ với Thư viện sách của huyện Tân Kỳ mượn thêm sách. Hằng tháng, Thư viện huyện đồng ý cho ông mượn 30 cuốn sách các loại để phục vụ cho nhu cầu người dân. Nhiều người dân ở ngoài xóm tới đây đọc sách cũng được phục vụ tận tình. Từ khi có tủ sách, nhân dân trong xóm đọc và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Từ đó họ biết áp khoa học kĩ thuật dụng vào thực tế, biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vật nuôi có hiệu quả mang lại năng suất cao. Đó là điều vui mừng mà ông Long đã mang lại cho thôn xóm.

Anh Nguyễn Văn Lợi ở xóm Cầu Trôi cho biết: “Từ khi xóm có tủ sách, chúng tôi đã biết được tiến bộ khoa học là như thế nào, khi cây trồng vật nuôi bị bệnh thì phải làm gì. Những điều chúng tôi cần hầu hết đều có trong sách cả. Thực sự ông Long đã mang lại nhiều đổi mới cho xóm, đổi mới cho cuộc sống và mới trong cả đời sống sản xuất của chúng tôi”.

Đến nay tủ sách của xóm Cầu Trôi đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm, gắn liền với sự nghiệp 10 năm đi xin sách của ông Long, tủ sách của xóm Cầu Trôi đã có hơn 1.000 cuốn với nhiều loại như: sách khoa học kĩ thuật, văn học, kĩ thuật chăm sóc vật nuôi cây trồng… và nhiều lọai báo chí. Để tiếp nối hành trình của mình, hàng ngày ông vẫn cần mẫn đạp xe đi khắp mọi nơi để xin sách. Thi thoảng ông lại bắt chuyến xe về thành phố Vinh, hay xa hơn là ra Hà Nội để gom những cuốn sách quý có giá trị về làm giàu thêm cho tủ sách của thôn xóm, để lại nhiều vốn quý cho đời.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất