| Hotline: 0983.970.780

Người xóa cỗ bàn linh đình

Thứ Sáu 08/03/2013 , 11:04 (GMT+7)

Từ ngày ông Bùi Trung Sử làm Bí thư Chi bộ thôn Thượng xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội), ông đã xóa được việc cỗ bàn linh đình gây tốn kém.

Trước đây, một đám tang ở thôn Thượng xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức ăn uống 3-4 ngày, bình quân hết khoảng 150 mâm; mỗi mâm giá từ 600-700 ngàn đồng. Chính quyền xã ra nhiều nghị quyết thực hiện, tuy nhiên không dẹp bỏ nổi vấn đề này. Vậy mà, từ ngày ông Bùi Trung Sử làm Bí thư Chi bộ, ông đã xóa được việc cỗ bàn linh đình gây tốn kém.

Được Bí thư Thành ủy khen ngợi

Trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành uỷ Hà Nội tổ chức vào tháng 1/2013 vừa qua, ông Bùi Trung Sử (thôn Thượng) thay mặt xã Tây Tựu (xã điểm xây dựng NTM huyện Từ Liêm) báo cáo những thành tích đã đạt được. Ông Sử xoay quanh nội dung dẹp bỏ cỗ bàn linh đình trong đám tang. Bài phát biểu của ông được Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đánh giá rất cao. Cũng tại hội nghị, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, cần nhân rộng cách làm này tại nhiều địa phương, bởi nó rất thiết thực và được người dân đồng tình ủng hộ, làm đổi thay bộ mặt nông thôn.

Lần theo địa chỉ, chúng tôi về thôn Thượng tìm gặp ông Sử, mong ông chia sẻ kinh nghiệm. Có mặt tại đây, hỏi người dân về cỗ bàn trong đám tang thì trăm người như một bảo: “Ông Sử xóa rồi! Đám tang giờ văn minh, tiết kiệm lắm! Các chú muốn biết thêm cứ vào nhà gặp ông ấy”.


Ông Bùi Trung Sử

Thôn Thượng có hơn 1.400 hộ, với 6.000 nhân khẩu. Người dân thôn Thượng kể: Khi gia đình có người chết, họ chưa lo đến việc mua quan tài cho người quá cố mà phải tính đến số lượng mâm cỗ. Gia chủ phải lên kế hoạch mua bao nhiêu gà, lợn, rau... Mỗi đám tổ chức ăn uống 3-4 ngày, nhà nghèo bày 50-140 mâm, nhà khá giả từ 150-200 mâm, có những đám to lên đến 260 mâm. Chí phí mỗi mâm hết 600-700 ngàn đồng.

Ông Sử năm nay đã ngoài 65 tuổi, trước đây ông công tác trong ngành công an, về hưu năm 2005. Tháng 2/2010, ông được người dân bầu làm Bí thư chi bộ. Ngày đầu "nhậm chức", ông luôn nghĩ phải làm sao dẹp bỏ chuyện cỗ bàn linh đình. Bởi ông đã chứng kiến không ít lần xã ban hành nghị quyết nhưng đều “chết yểu”, cỗ bàn trong đám tang vẫn ngày càng tăng lên.

Ông lo lắng: “Là xã điểm xây dựng NTM, vậy mà lệ xấu vẫn còn, nếu không dẹp bỏ thì thôn Thượng nói riêng và xã Tây Tựu nói chung lúc nào mới hoàn thành xây dựng NTM?". Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông tiến hành họp ban chấp hành thôn lại để đưa ra "nghị quyết" đám tang văn minh. Qua nhiều buổi đóng góp ý, thảo luận, chi bộ thôn đã thống nhất được nội dung. Tiếp đến, ông tổ chức nhiều cuộc họp dân, bàn bạc lấy ý kiến để dẹp cỗ bàn linh đình.

Đám tang văn minh

Đầu tiên, ông Sử thành lập ban tang lễ gồm 13 người (cán bộ chủ chốt, đảng viên trong thôn Thượng). Ban có nhiệm vụ lo tổ chức nghi lễ trong đám tang. Theo tục lệ, ở Tây Tựu mỗi khi có người qua đời, xã sẽ báo tin trong toàn xã bằng loa truyền thanh. Nắm bắt được việc này, mỗi khi thôn Thượng có người qua đời, sẽ được xã  thông báo thời gian phúng viếng, mai táng thì ông Sử "ghi chú" thêm: “Mọi người đi phúng viếng không nên ăn cỗ, hạn chế viếng vòng hoa”.

Nhớ lại những ngày đầu dẹp cỗ bàn linh đình trong đám tang, ông Sử kể: Vào tháng 9/2010, có người qua đời ở dòng họ lớn nhất thôn. Ngay sau khi nhận được tin, ban tang lễ thôn có mặt tại nhà thì phát hiện gia đình đã chuẩn bị gà, lợn… lên kế hoạch soạn 180 mâm cỗ. Ban tang lễ tìm mọi cách vận động nhưng gia đình không nghe, trong tình thế nước sôi lửa bỏng, soi đi, xét lại thì phát hiện dòng họ này có một đảng viên nằm trong ban tang lễ, ông Sử giao nhiệm vụ cho đồng nghiệp của mình thuyết phục dòng họ thực hiện và gia đình đồng tình ủng hộ.

Kể tiếp về việc dẹp lệ xấu, ông Sử không quên việc xảy ra ở đám tang của trưởng họ Bùi, con cháu tổ chức 240 mâm. Khi ban tang lễ đến nhà vận động thì gia đình tỏ ra không hợp tác. Trước việc này, ngày ăn cỗ đầu tiên, ban tang lễ cử 13 người có mặt tại đám tang. Trong đó, 6 người ngồi ở các bàn khi thấy mọi người đến phúng viếng vào ăn cỗ liền thuyết phục, vận động không nên ăn, 6 người chào đón từ ngoài ngõ và thông báo "nghị quyết" của thôn. Còn ông Sử cầm loa, thấy người đi phúng viếng liền nói: Mời quý vị vào làm lễ, sau khi xong, mời mọi người ngồi uống nước, ăn trầu không nên ăn cỗ trong đám tang. Để “chống” lại ban tang lễ, phía gia đình cử 6 người ra mời khách vào ăn, hết nắm tay, níu áo kéo vào bàn ăn bằng được. Thấy vậy, ông Sử lại nhắc lại "nghị quyết" của thôn.

"Trước đây, mỗi năm xã Tây Tựu có khoảng 50-60 người qua đời, mỗi đám chi phí ăn uống hết khoảng 100 triệu đồng. Nhưng nay đã xoá bỏ được lệ xấu, mỗi đám tang chỉ mất khoảng 10 mâm phục vụ con, cháu, người thân, cộng thêm một ít tiền chè, thuốc, cau trầu. Như vậy, Tây Tựu đã tiết kiệm được số tiền khổng lồ”, ông Bùi Trung Sử cho biết.

Tôi hỏi ông Sử, làm như vậy mà không sợ gia đình người ta ghét à? Ông cười: “Tôi nói là không nên ăn cỗ ở đám tang, chứ tôi không cấm. Phần nữa họ đã thống nhất nghị quyết thôn rồi, làm sao đuổi được chúng tôi ra”. Ông Sử nói tiếp: “Nói thật với các chú, bữa đó ai dám ngồi ăn đâu. Phần thì loa tôi rống bên tai, phần nữa cả trăm con mắt trông vào, ai ngồi ăn cũng không ngon miệng. Đám tang ấy chỉ tốn 30 mâm cỗ, giảm bớt được 210 cỗ”.

Đám tang thứ 3 được đánh dấu là bước thành công xoá lệ xấu của thôn Thượng xảy ra tại gia đình có con là đảng viên. Người qua đời là bố của trung tá công an đang công tác tại quận Ba Đình, Hà Nội. Sau khi biết tin, ban tang lễ đến gửi chia buồn và “đánh phủ” đầu luôn. Ông Sử nói với người con rằng: “Đồng chí là đảng viên nên phải chấp hành nghị quyết nơi cư trú, việc soạn mâm cỗ linh đình là quyền của gia đình nhưng cuối năm tôi sẽ nhận xét vào phiếu nhận xét đảng viên của đồng chí rằng: Không chấp hành nghị quyết chi bộ nơi cư trú. Đám tang của bố, tổ chức ăn uống linh đình gây dư luận xấu trong nhân dân". Khi nghe vậy, gia đình dừng ngay.

Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, cho biết: Năm 2010, được chọn xã điểm xây dựng NTM huyện Từ Liêm, xã tiến hành rà soát thì đạt 7 tiêu chí, 6 tiêu chí mới đạt cơ bản còn lại chưa hoàn thành. Xã có 3 thôn thì cả 3 chưa đạt thôn văn hoá, đây là một tiêu chí khó khăn nhất, bởi lệ xấu trong đám tang, đám cưới diễn ra. Vậy mà từ nghị quyết “đám cỗ văn minh” của đồng chí Bùi Trung Sử ra đời và thực hiện thành công ở thôn Thượng, xã đã nhân rộng và thực hiện thành công ở hai thôn còn lại.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất