| Hotline: 0983.970.780

Người yêu đòi chia tay

Thứ Ba 13/07/2010 , 10:25 (GMT+7)

Gần đây anh bỗng nói anh phải chia tay vì hay cãi nhau, không hợp. Cháu đã khóc rất nhiều...

Ảnh minh họa
Cô kính mến!

Ngày học ở Hà Nội cháu quen H - bộ đội thông tin. Đơn vị anh ấy đóng quân ở đường Giải Phóng. Yêu nhau được 3 tháng thì cháu ra trường về quê, anh thì vào Nha Trang học đại học.

Những ngày tháng xa nhau anh vẫn thường xuyên gọi điện động viên chia sẻ, ngày lễ tết anh vẫn gửi quà và vẫn quan tâm như khi còn ở gần nhau. Tết vừa rồi cháu muốn anh lên thăm. Thương anh phải đi từ Nha Trang ra rồi bắt xe lên tận Hà Giang nên cháu đã bắt xe xuống Hà Nội gặp nhau. Hai đứa ở bên nhau được có 1 ngày rồi chia tay về quê ăn tết.

Gần đây anh bỗng nói anh phải chia tay vì hay cãi nhau, không hợp. Cháu đã khóc rất nhiều. Anh lại thương, anh quay lại nhưng chuyện vẫn treo ở đó. Công việc của cháu hay tiếp khách, cháu có thích như vậy đâu cô. Tính anh nghiêm khắc, hay để bụng, anh luôn mắng cháu vì việc này. Anh nói hè này sẽ gặp nhau nói chuyện và nếu còn tình cảm thì sẽ nối lại.

Cô ơi, liệu cháu có nên tin không? Những ngày gần đây anh không chủ động liên lạc gì hết. Cháu nhắn tin thì anh nhắn lại, cháu gọi điện thì anh ừ hử. Anh giải thích rằng nếu anh tiếp tục nhắn tin và điện thoại thì không bao giờ cháu quên được anh. Cháu hỏi có phải anh đã có ai không, anh khăng khăng nói không và còn đổ lỗi rằng tại cháu không biết giữ tình yêu.

Lỗi tại cháu. Cũng vì công việc, có lúc cháu phải làm buổi tối và mấy người cơ quan cũng hay rủ đi. Vì cháu mới vào làm nên cháu không dám từ chối. Anh nói cháu không nên đi những cuộc như vậy. Cháu vì anh mà không đi, hậu quả là cháu bị nhắc nhở và viết kiểm điểm.

Liệu cháu có nên tiếp tục công việc với mức lương hợp đồng là 1 triệu 3 nhưng suốt ngày hội nghị. Hay cháu nên tiếp tục đi học? Có lúc cháu nghĩ mình không cần anh nhưng vẫn nhớ và yêu. Cháu muốn xuống Hà Nội học để tiếp tục được gần anh. Nhưng cháu chần chừ vì sợ sau này sẽ hối hận. Cháu có nên tiếp tục ở đây làm hợp đồng và lấy một người mình không yêu, cháu có nên tiếp tục ở lại khi tâm hồn mình luôn gửi về một nơi khác? Cháu có nên tiếp tục thi liên thông ở tuổi 25 không cô? Liệu sau 2 năm học, cuộc sống của cháu có khá hơn không?

Cô hãy giúp cháu thoát khỏi tâm trạng lo âu, băn khoăn và chán nản này.

Cháu H.T. P (Đồng Văn - Hà Giang)

Cháu thân mến!

Nghe đến Hà Giang đã thấy xa xôi cách trở ngàn trùng. Phải là tình yêu lớn thì người ta mới chiến thắng nổi khoảng cách như vậy. Yêu nhau mới 3 tháng, sau đó gặp nhau có mỗi một lần, chỉ là khúc dạo đầu, chừng như đi nữa cũng được mà dừng lại cũng không chết ai. Vấn đề nằm ở chỗ cháu, sao chưa chi mà đã nghĩ đến cưới, sao không thử thách nhau thêm nữa, sao tự buộc chặt như thể mình đã nặng tình nhiều năm và đã dâng hiến?

Cô không hình dung cháu đang làm hợp đồng mà sao phải đi tiếp khách nhiều vậy? Cháu là cô gái chân dài, hay là cái bình hoa trong cơ quan hay là cháu hiểu và dùng sai từ về chuyện bù khú và tiếp khách, hội nghị? Người công sở của các cơ quan bây giờ có thói ở nấn ná với nhau sau cơm chiều, lại lấy cớ làm thêm và đi karaoke. Hát ca lành mạnh thôi nhưng nghiện không khí cùng nhau và nghiện được trình diễn trong phạm vi hẹp. Đó là thói thư giãn của thời công nghiệp, do cuộc sống công nghiệp sinh ra. Nhưng đi hú hí với nhau để xả tress thì đâu đến nỗi phải bị nhắc nhở và viết kiểm điểm nếu không chấp thuận.

Vậy là cháu như một bình hoa, có hội nghị thì phục vụ, việc khách thì phải tươi cười thù tạc, cái việc mà người yêu cháu bực mình. Một anh bộ đội sẽ không hiểu nổi sao có thứ “công việc” như cháu cáng đáng, nghĩa là người xinh thì phải nhận lương hợp đồng để làm vui cho khách hội nghị. Đành rằng thời buổi làm ăn, muốn guồng máy hoạt động thì phải bôi trơn, nhưng cậu ấy vừa không muốn cháu dây vào vừa không chịu nổi tình trạng sao các cơ quan lại dùng chiêu đó.

Cháu muốn xuống Hà Nội học liên thông ở tuổi 25 để cho gần cậu bộ đội thông tin này ư? Sau 2 năm nữa thì sao? Học xong chạy việc ở Hà Nội rất khó, người ta bộ đội không thần thế không tiền bạc, bế tắc lắm. Dù gì cháu cũng phải quay về Hà Giang với mảnh đất địa đầu của mình, sống cuộc sống núi rừng của mình. Vả lại các cháu chưa yêu nhau đến mức mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Theo cô nên tìm hiểu và thử thách nhau thêm, cháu tập trung cho công việc và cuộc sống, hết năm nay sẽ rõ. Ở lại đó có nghĩa là lấy một người chồng tương đối, hôn nhân rồi sẽ có tình thương. Đi học nữa là phiêu lưu toàn diện.

Mong cháu bình tâm, may mắn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm