| Hotline: 0983.970.780

Người yêu sợ nghèo đòi hoãn cưới

Thứ Sáu 10/10/2014 , 14:25 (GMT+7)

Chúng cháu đã ở dồn từ nửa năm nay, cho đỡ tiền nhà trọ. Nhưng cô ấy sợ nợ, cái chính là sợ nghèo, đòi hay là không cưới nữa. Cháu đi làm mệt phờ, về tối nào cũng nghe bài ca hoãn cưới, cháu chán lắm. 

Cô Dạ Hương kính mến!

Cưới vợ là chuyện hệ trọng nhất đời, đúng không cô? Nhưng sao chưa cưới mà cháu đã thấy buồn, thấy oải với hôn nhân quá vậy cô?

Cháu mồ côi từ năm 10 tuổi, một mẹ một con cho tới khi cháu học xong PTTH. Mười năm ở góa, mẹ cháu được rất nhiều người thương nhưng mẹ không ưng ai cả. Khi cháu thi đậu trung cấp, cháu rời gia đình và có động viên mẹ, mẹ đừng hy sinh nữa, con tự lập được rồi, mẹ tìm người nương tựa nghe mẹ.

Dượng cháu bây giờ là người lỡ dở một lần, có một con gái riêng lớn hơn cháu 5 tuổi ở với mẹ chị ấy. Dượng là thợ sửa đồng hồ, trước đây chắc cũng làm nhiều nghề khác, cắt tóc cũng được, pha cà phê ngon, nói chung dượng khéo tay, siêng năng. Không biết sao vợ chồng dượng bỏ nhau, chắc vì dượng không làm ra nhiều tiền.

Nhà ai nấy sống mấy năm, khi cháu ra trường, có việc có thu nhập ổn định, mẹ mới về sống chung với dượng. Căn nhà nhỏ xíu của hai mẹ con, mẹ cháu cho một người bạn thuê rẻ, để dành tiền cho cháu cưới vợ. Nhà ở thị xã tỉnh nhỏ mà cô, cho thuê không được mấy, mà mẹ còn phải đóng góp với các cậu dì nuôi ông bà ngoại nay đã gần 80 hết rồi.

Cháu nói chuyện kinh tế để cô biết, khi cháu khởi động chuyện cưới vợ thì tiền nong quá eo hẹp. Mẹ thì có cuộc sống riêng chật vật, sinh với dượng một đứa con trai năm nay mới vô lớp 1, dượng vẫn sửa đồng hồ nhưng thời buổi này mấy ai đeo đồng hồ cũ mà sửa đâu cô. Mẹ thì bán ăn sáng, ngay trong nhà, cạnh tủ đồng hồ của dượng. Bán đủ thứ, xôi, bánh mì, lặt vặt, chỉ đủ tiền chợ mà thôi.

Người cháu yêu cũng con nhà nghèo, ở vùng sâu, vừa học xong trung cấp kế toán, chưa xin được việc. Chúng cháu đã ở dồn từ nửa năm nay, cho đỡ tiền nhà trọ. Ăn chung, bếp chung, đồng tiền chung (chỉ một đầu lương của cháu) cũng tạm đủ.

Vậy là bài toán cưới lúc nào cũng ở trong đầu người yêu của cháu. Cô ấy rất buồn vì hai bên đều nghèo mà cưới vẫn phải đủ bộ, tươm tất. Cháu nói, ai cưới vợ mà chẳng thiếu nợ, cưới đi rồi tính sau, nếu vẫn nợ thì vợ chồng làm trả dần.

Nhưng cô ấy sợ nợ, cái chính là sợ nghèo, đòi hay là không cưới nữa. Cháu đi làm mệt phờ, về tối nào cũng nghe bài ca hoãn cưới, cháu chán lắm. Cháu không chạy làng, không sợ khó sợ khổ, sao cô ấy lúc nào cũng rơm rớm, phụng phịu vậy cô?

Cháu thuyết phục vợ tương lai của cháu sao đây, cô giúp cháu với.

---------------------

Cháu thân mến!

Mỗi người là một cảnh ngộ, mẹ con cháu cũng là một cảnh không cá biệt lắm đâu. Cô khen cháu mồ côi cha mà rất ngoan, học hành chí thú, làm vui lòng mẹ. Còn có hiếu đặc biệt ở chỗ, biết khuyên mẹ nên tìm một bờ vai, một trái tim để sưởi ấm cuộc đời còn lại của bà ấy, tuyệt vời biết bao.

Cô hình dung được dượng của cháu, những người ấy hay cắn răng với nỗi nghèo, yếm thế mà sạch, siêng năng nhưng không phải tay làm tiền. Thôi thì mẹ yên phần mẹ, có chồng có con, mà em khác cha của cháu là trai nên mẹ nặng gánh lắm đó.

Cô không hình dung được người yêu của cháu thuộc tuýp người gì. Vừa học xong, còn chờ việc, thì nên xông ra làm gì đó để kiếm tiền phụ với cháu đi chứ. Làm gì mà chả được, đi bán cà phê, đi giao hàng… nói chung là nên cục cựa, đừng nằm ỳ, đừng than thân trách phận là được.

Như vậy là các cháu đã sống thử. Chỉ mỗi việc cưới nữa là hợp thức hóa cuộc sống chung này. Cưới như thế nào mà sợ nợ? Hãy liệu cơm gắp mắm, hãy tùng tiệm, cùng lắm là hẹp đến mức vài mươi người cũng là cưới cơ mà.

Có một tổng kết rất hay rằng, những đôi tổ chức cưới nhỏ bao giờ cũng bền vững hơn những đôi chạy theo hoành tráng. Vì sao? Vì cưới nhỏ là thực chất, hai người trong cuộc thấy sự thiêng liêng của cưới và họ cũng quan niệm, cưới là một sự công bố, một kỷ niệm, thế thôi. Ai nghĩ được như thế thì sẽ biết cần kiệm, vừa phải, hợp lý.

Bởi vì các cháu đã sống chung nên không phải lúc nào cả hai cũng nhu cầu cưới. Không cưới mà chỉ đăng ký, cũng đâu có chết ai. Nhưng cháu đã quyết cưới, tức là cháu nghĩ đến thể diện của cô gái, cháu tha thiết với sự thiêng liêng của cưới hỏi. Cháu có diễn đạt cho cô ấy biết cháu nghĩ như vậy không?

Cô gái sợ nợ hay sợ nghèo? Đã nghèo rồi cơ mà, vả lại, dù sao mẹ cháu cũng có một mái nhà dù nhỏ để dành cho cháu đó thôi, còn hơn vạn người tay trắng hoàn toàn. Nên vỗ về, đối thoại, thỏa thuận nhau một đám cưới vừa sức, không nợ nhiều đâu, nếu các cháu không bày vẽ.

Cô gái nào cũng nhân lúc còn là người yêu để nhõng nhẽo đó thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm