| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ bệnh dại bùng phát, tỉ lệ tiêm phòng đàn chó rất thấp

Thứ Ba 12/07/2016 , 09:47 (GMT+7)

Nửa đầu năm 2016, bệnh dại ở nước ta vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, việc tiêm phòng cho đàn chó đạt tỉ lệ rất thấp. Đây là điều hết sức nguy hiểm, nhất là đang vào mùa bùng phát bệnh dại trên chó.

0,4 triệu người/năm bị chó cắn

Theo Bộ Y tế, năm 2015 cả nước đã ghi nhận trên 394 nghìn người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng và đã có 78 người tử vong (so với 67 người chết năm 2014) tại 29 tỉnh thành.

Bước sang năm 2016, bệnh dại tiếp tục diễn biến phức tạp khi 5 tháng đầu năm, có trên 101 nghìn trường hợp bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng, trong đó đã có 26 ca tử vong, tương đương với cùng kỳ năm 2015.

 Các tỉnh có số ca tử vong cao nhất do bệnh dại trong 3 năm gần đây bao gồm: Nghệ An (22 người); Thái Nguyên (11 người); Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Nam (mỗi tỉnh 10 người); Vĩnh Phúc, Hòa Bình (mỗi tỉnh 7 người).

 Trong năm 2015, mỗi tỉnh có khoảng 6.300 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, trong đó có 13 tỉnh thành có trên 10 nghìn người và 13 tỉnh thành có từ 5-10 nghìn người bị chó cắn (TP.HCM lớn nhất với hơn 58 nghìn người, Sóc Trăng, Đồng Nai hơn 16 nghìn, Trà Vinh, Bình Thuận trên 13 nghìn…).

Ngoài các ca tử vong, việc phải điều trị dự phòng do bị chó cắn đã gây tốn kém khoảng trên 400 tỉ đồng/năm. Tại các tỉnh miền núi, số lượng các ca tử vong do bệnh dại rất cao do người dân tự điều trị khi bị chó cắn, hoặc việc tiếp cận với các cơ sở điều trị dự phòng bệnh dại rất khó khăn…

Trong khi đó tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, mặc dù hàng năm có hàng chục nghìn người bị chó cắn, nhưng số ca tử vong rất hiếm (TP.HCM có số ca bị chó cắn nhiều nhất nhưng không có người nào bị tử vong).

Tiêm phòng chó dại: Có tỉnh dưới 2%

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nguyên nhân chủ yếu khiến số ca tử vong vì bệnh dại gia tăng là do hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn còn rất phổ biến.

Người bị chó cắn lại chủ quan không đến các cơ sở y tế để điều trị dự phòng khiến bị phát bệnh dại và tử vong (bệnh dại hiện chưa có thuốc chữa nên nếu điều trị dự phòng muộn, khi đã phát bệnh thì tỉ lệ tử vong là 100%).

Trong khi đó, việc tiêm phòng cho đàn chó nuôi không triệt để, nhiều nơi tiêm phòng cho chó đạt tỉ lệ rất thấp. Theo thống kê năm 2015, cả nước có tới trên 9 triệu con chó nuôi, tuy nhiên thỉ tiêm phòng dại cho gần 3,9 triệu con, chưa tới 43%.

15-48-12_di
Ảnh: Lê Bền

 

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Trong đó, chỉ có 17/63 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm phòng dại cho chó đạt trên 70%; 10 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm đạt từ 50-70% và có tới 36 tỉnh có tỉ lệ tiêm phòng dại cho chó đạt dưới 50%. Cá biệt có 8 tỉnh có tỉ lệ tiêm phòng dại chỉ đạt dưới 10% tổng đàn.

Chống dại như... cứu hỏa

Tháng 5/2016, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y thành lập 11 đoàn công tác tiến hành kiểm tra tình hình phòng chống bệnh dại, nhất là tiêm phòng dại cho chó, theo đó đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống bệnh dại.

Ngày 1/7/2016, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND 27 tỉnh thành có tình hình bệnh dại phức tạp đề nghị quyết liệt chống bệnh dại.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Y tế và UBND các huyện thị xây dựng kế hoạch phòng chống dại bằng nguồn ngân sách địa phương, hỗ trợ công tác tiêm phòng và điều trị dự phòng trong các trường hợp bị chó cắn.

Đối với công tác tiêm phòng dại cho chó, thống kê ngay số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn, tiêm phòng dại cho chó, mèo đảm bảo ít nhất 1 lần/năm và tại các khu vực có bệnh dại, phải tiêm phòng dại triệt để 100% cho đàn chó, mèo.

Người nuôi cam kết không thả rông chó, chó phải đeo rọ mõm hoặc phải xích và có người dắt khi đưa ra nơi công cộng. Đối với các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, cần tuyên truyền, khuyến khích người dân nuôi nhốt hoặc xích, đặc biệt là vào ban ngày…

Các tỉnh tập trung tăng cường công tác tuyên truyền tới từng thôn bản, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, lịch tiêm phòng bệnh dại ở cơ sở, hướng dẫn người bị chó cắn đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng…

Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp sau:

1) Phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y;

2) Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm;

3) Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

4) Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi;

5) Khi bị chó, mèo cắn cần:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có)

- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương

- Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại

- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa. 

(Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.