| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ 'đói' sắn nguyên liệu vì bệnh khảm lá

Thứ Sáu 29/07/2022 , 06:45 (GMT+7)

Bệnh khảm lá sắn vẫn tiếp tục lan lan phức tạp. 7 tháng đầu năm, hơn 64.000ha sắn tại 19 tỉnh thành đã bị nhiễm bệnh, trong khi việc phòng chống rất nhiều khó khăn.

Diễn biến phức tạp, gây hại 19 tỉnh thành

Ngày 28/7, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Tổ chức FAO tại Việt Nam cùng Sở NN-PTNT Đắk Lắk tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục BVTV, bệnh khảm lá sắn được phát hiện gây hại vào tháng 5/2017 tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, sau đó lây lan nhanh sang các huyện khác trong tỉnh. Virus gây bệnh khảm lá sắn lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị các nhà máy chế biến sắn cần vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa nhằm khống chế bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị các nhà máy chế biến sắn cần vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa nhằm khống chế bệnh khảm lá sắn. Ảnh: Minh Quý.

Tính đến nay, bệnh đã xuất hiện, gây hại tại các tình vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, các tỉnh Bắc Trung bộ và 1 số tỉnh phía Bắc với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất tại tỉnh Tây Ninh.  

Trong 7 tháng đầu năm 2022, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn virus cả nước là 64.716ha (giảm 7.043 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 22.129ha (tăng 5.307ha so với cùng kỳ). Bệnh đang gây hại tại 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, tỉnh Phú Yên là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh nhiều nhất với hơn 26.000ha.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, địa phương có 320.000ha cây hàng năm, trong đó sắn chiếm 14% diện tích.

Theo ông Dũng, tại địa phương, bệnh khảm lá phát sinh trên diện rộng, chưa được kiểm soát nên ảnh hưởng đến năng suất. Trong giai đoạn 2018 - 2021, bệnh gây hại với diện tích 2.500ha trên các địa bàn trọng điểm trồng sắn nguyên liệu như Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk, Ea Súp, Buôn Đôn.

“Địa phương gặp nhiều khó khăn như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sắn còn chậm. Sự liên kết giữa người sản xuất và các nhà máy chế biến chưa chặt chẽ. Các sản phẩm sau chế biến chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, thị trường xuất khẩu tinh bột phần lớn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hình thức tổ chức còn nhỏ lẻ manh mún, người dân chưa đầu tư thâm canh đúng mức nên cây sắn còn thiếu tính bền vững”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Quý Dương kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Quý Dương kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: TL.

Để khắc phục bệnh khảm lá sắn tại địa phương, ông Dũng cho biết, ngành nông nghiệp sẽ đề xuất UBND tỉnh quy hoạch phát triển sắn bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sắn, phát triển giống sắn có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh hại và điều kiện thời tiết bất thuận...

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đánh giá, chọn lọc và nhân nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm lá để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh; bổ sung các giống kháng khảm lá có năng suất và chữ bột cao; tái cơ cấu lĩnh vực chế biến tinh bột theo hướng đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư phát triển dây chuyền, đa dạng hoá sản phẩm sau tinh bột, tận dụng phụ phẩm chế biến tinh bột để góp phần nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh.

Nguy cơ "đói" sắn nguyên liệu 

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, bệnh khảm lá sắn lan truyền qua 2 con đường chính là hom giống và môi giới truyền bệnh.

Theo ông Dương, hiện việc kiểm soát khâu tiêu hủy nguồn bệnh và công tác kiểm dịch thực vật nội địa không hiệu quả; việc phun thuốc phòng trừ bọ phấn trắng khó thực hiện do sắn được trồng chủ yếu ở vùng đồi núi, khô hạn; thời vụ trồng sắn kéo dài, xuống giống liên tục, nguồn bệnh thường xuyên xuất hiện trên đồng ruộng.

Giống sắn kháng bệnh được nghiên cứu nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh. Ảnh: Quang Yên.

Giống sắn kháng bệnh được nghiên cứu nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh. Ảnh: Quang Yên.

Đặc biệt, một số địa phương diện tích nhiễm bệnh lớn, dẫn đến thiếu nguồn hom giống sạch bệnh, trong khi chính quyền địa phương, doanh nghiệp/nhà máy chế biến tinh bột sắn chưa thực sự vào cuộc tìm nguồn giống sạch bệnh.

“Ngay sau khi phát hiện bệnh, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản, cử nhiều đoàn cán bộ cùng với các địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh. Hầu hết các địa phương nơi phát hiện có bệnh khảm lá virus đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cùng nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, tuy nhiên bệnh vẫn tiếp tục bùng phát lây lan. 

Cơ quan chức năng đã tăng cường công tác phòng, chống bệnh; tổ chức các hội nghị; thông tin truyên truyền về công tác phòng chống bệnh, khuyến khích người dân sử dụng giống sạch bệnh... Triển khai thực hiện các mô hình, dự án trình diễn sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh; tổ chức tập huấn quy trình phòng trừ bệnh cho nông dân”, ông Nguyễn Quý Dương cho biết. 

Cũng theo ông Dương, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan đã nghiên cứu, nhân giống nhiều giống sắn kháng bệnh. Cụ thể, các trung tâm nghiên cứu đã phát triển 6 giống sắn mới là HN1, HN36, HN80, HN97, HN3, HN5. Hiện Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành 2 giống mới, các giống còn lại đang được làm các thủ tục để đưa ra thị trường... Tuy nhiên, các giống kháng bệnh khảm lá sắn vẫn còn ít, việc nhân giống để phục vụ sản xuất còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Các giống sắn kháng bệnh và cho tinh bột cao được nhân giống để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy. Ảnh: Quang Yên.

Các giống sắn kháng bệnh và cho tinh bột cao được nhân giống để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy. Ảnh: Quang Yên.

“Sắn tại Việt Nam hiện nay chủ yếu phục vụ cho việc xuất khẩu. Do đó, nhu cầu của các nhà máy về chế biến sắn tinh bột rất cao. Nếu như bệnh khảm lá sắn không được giải quyết căn cơ thì các nhà máy sắn sẽ thiếu nguyên liệu. Từ đó buộc các nhà máy phải nhập nguyên liệu từ Lào và Campuchia. Vấn đề quan trọng hiện nay là tạo ra các giống kháng bệnh khảm lá sắn cũng như tinh bột cao”, ông Dương nhấn mạnh.

Để ứng phó hiệu quả với bệnh khảm lá sắn, ông Nguyễn Quý Dương đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng giống sạch bệnh để trồng. Các tỉnh cần chỉ đạo xuống giống tập trung, đồng loạt, tiêu hủy triệt để nguồn bệnh.

“Các nhà máy chế biến tinh bột sắn cần chung tay cùng với nông dân nhân rộng các vùng nguyên liệu sắn sạch bệnh. Các địa phương cũng cần quy hoạch và chuyển đổi một số diện tích trồng sắn sang các loại cây trồng khác nhằm giảm áp lực nguồn hom giống sạch bệnh, cắt đứt nguồn bệnh ngoài đồng ruộng”, ông Dương nói thêm.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.