| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ lạm dụng thuốc kích thích mủ cao su

Thứ Sáu 23/12/2011 , 10:43 (GMT+7)

Nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài cây sẽ bị khô mặt cạo, khô mủ, chu kỳ khai thác rút ngắn lại.

Giá mủ cao su tăng cao trong nhiều năm liền đã khiến không ít nhà vườn cao su tiểu điền lạm dụng thuốc kích thích để ép cây ra mủ. Đây là việc làm “lợi bất cập hại”!

Trong năm 2011, dù có lúc giá mủ cao su giảm nhưng vẫn luôn ở mức cao so với giá thành nên đã khiến nhiều nhà vườn sử dụng thuốc kích thích mủ một cách vô tội vạ. Nguy hiểm nhất, nhiều người sử dụng thuốc kích thích cũng chỉ dựa theo hướng dẫn của những người sử dụng trước mà không tham khảo các tài liệu của cơ quan chuyên môn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên thị trường bày bán khá nhiều loại thuốc kích thích mủ mà đa phần là thuốc lậu của Trung Quốc có dạng lỏng giống như nước với giá rất rẻ. Các nhà vườn chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là có thể mua được vài chục ml, đem về pha loãng với nước là có thể bôi 1,5 ha đến 2 ha.

Điều đáng nói là không chỉ các nhà vườn cao su tiểu điền mà cả một số Cty cao su nếu không quản lý công nhân khai thác tốt cũng rất dễ bị công nhân đem bôi lén. Nhất là những nơi có ăn chia sản phẩm thì tình trạng công nhân khai thác lạm dụng thuốc kích thích càng nhiều.

Theo khuyến cáo của ngành cao su VN, việc sử dụng thuốc kích thích phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện theo chu kỳ 3-4 tuần mới bôi thuốc một lần, không phải giống cây nào cũng bôi được thuốc kích thích, nồng độ bôi cũng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi cây, vị trí miệng cạo và cường độ khai thác. Thế nhưng, như đã nói trên, nhiều nhà vườn mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có hướng dẫn sử dụng chi tiết. Đến khi sử dụng, mỗi người lại bôi thuốc theo kiểu riêng của mình, thậm chí có trường hợp sử dụng thuốc sai cả về thời điểm, liều lượng cũng như phương pháp bôi.

Ông Văn Sử, trồng 3 ha cao su tại xã Phước Hòa (Phú Giáo, Bình Dương) thừa nhận: “Tôi thấy nhiều người bôi thuốc cây cho mủ nhiều nên bắt chước, hỏi họ mua loại thuốc ở đâu rồi nhờ chỉ cách bôi làm theo chứ tôi cũng chưa bao giờ đọc sách vở nào cả”. Nhiều người trồng cao su như ông Sử cũng hay dùng thuốc kích thích, thậm chí khi thấy vườn cây của mình xuống mủ, ngay cả khi giá mủ xuống thấp họ vẫn sử dụng để tăng sản lượng mủ.

Bà Thanh, trồng 2 ha cao su ở xã Lai Uyên cho biết thêm, ban đầu bà bôi thuốc kích thích nhận thấy mủ ra rất nhiều nên cứ khoảng 1 tuần bà “chơi” một lần. "Tuy nhiên, càng về sau tôi thấy mủ càng ít đi, một số cây khô miệng cạo mà nếu không tiếp tục bôi thuốc nữa thì cây không cho mủ nên tôi rất băn khoăn không hiểu vì lý do gì?”- bà Thanh nói.

“Loại hóa chất kích thích mủ được sử dụng có hoạt chất là ethrel. Khi mới sử dụng, cây cho mủ tăng từ 20% đến 30%. Tuy nhiên, lạm dụng quá mức sẽ làm vườn cây giảm sản lượng, cây khô miệng cạo. Nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài cây khô mặt cạo, khô mủ, chu kỳ khai thác rút ngắn lại. Ngoài ra, trên thị trường người ta quảng cáo thuốc trị loét sọc miệng cạo, thật ra đó là ethrel nồng độ cao, có khi đến 10%. Càng bôi thuốc này, cây càng kiệt sức, ở một, hai lát cạo đầu có thể cho mủ, nhưng sau đó cây khô mủ luôn.” (Ông Phan Thành Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN).

KS Nguyễn Hùng (Trạm Khuyến nông huyện Bến Cát) khẳng định, khi mới bôi thuốc kích thích, cây cao su cho mủ gấp hai lần bình thường, nhưng càng về sau càng giảm dần. Sau một năm sử dụng thuốc kích thích không đúng quy trình, vườn cao su sẽ không cho mủ nếu không tiếp tục sử dụng thuốc. Có những vườn cao su do bị lạm dụng thuốc kích thích để cho khai thác nhiều nên sức đề kháng kém, bị sâu bệnh nên “hỏng” không thể khai thác được nữa.

Cũng theo ông Hùng, thuốc kích thích mủ cũng là thuốc BVTV, nếu sử dụng không cẩn thận có thể gây ra những tác động không tốt đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, ngoài việc hạn chế sử dụng thuốc, người dân cần chú ý đến các trang bị bảo hộ sức khỏe để không gây ảnh hưởng về lâu dài cho sức khỏe bản thân.

Lâu nay, việc sử dụng thuốc cũng như thực hiện các chế độ cạo của các nhà vườn chưa đúng là do chưa được hướng dẫn kỹ càng các phương pháp khai thác cũng như chăm sóc vườn cây. Vì vậy, việc thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người trồng cao su là rất cần thiết. Mặt khác, cũng cần tăng cường quản lý chặt chẽ các cửa hàng bán thuốc BVTV trên các địa bàn, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Nên nhớ, hiện nay để đầu tư trồng 1 ha cao su từ ban đầu tới khi khai thác mất cả tỷ đồng. Thế nên, việc sử dụng thuốc kích thích mủ cao su không đúng quy cách, có thể mang lại cái lợi trước mắt, nhưng về lâu dài rõ ràng sẽ gây ra những tác hại khôn lường.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất