| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ mất vùng mía cực Nam!

Thứ Ba 02/12/2014 , 19:29 (GMT+7)

Suốt hơn 1 tháng qua các hộ dân trồng mía thuộc huyện Thới Bình (Cà Mau) bán mía không ai mua, người dân phải đốt bỏ. Nay tình hình có biến chuyển khi nhà máy hoạt động trở lại, nhưng dân trồng mía vẫn không thể thoát vụ mía thua lỗ.

* Khổ người dân, khó chính quyền

Khó thoát vụ mía đắng!

Ngay sau khi Nhà máy Mía đường Cà Mau (Cty Cổ phần Mía đường Tây Nam) ngưng hoạt động, với tuyên bố không còn kinh phí để tiếp tục thu mua mía trong dân, giá mía rớt xuống mức chưa đến 500 đồng/kg, thậm chí không có thương lái thu mua.

Trước tình hình phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau đã vào cuộc giải quyết vấn đề. Theo “Thông báo Ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng tại buổi làm việc với Cty Cổ phần Mía đường Tây Nam”, ông Lê Dũng kết luận như sau: Đề nghị Cty Cổ phần Mía đường Tây Nam (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đưa Nhà máy Mía đường trở lại hoạt động sớm nhất. Giao UBND huyện Thới Bình cùng Sở NN-PTNT và cơ quan ban ngành liên quan tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho người dân hiểu, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, không tự phát đưa nước mặn vào nuôi tôm, làm phá vỡ vùng quy hoạch sinh thái của tỉnh…

Sau khi Nhà máy Mía đường Cà Mau trở lại hoạt động, bộ phận thương lái đã tích cực thu mua mía nguyên liệu trong dân. Hiện giá đã nhích lên được trên dưới 600 đồng/kg tùy loại.

Tuy nhiên, đối với người dân vẫn chẳng mấy làm vui khi họ không thể thoát vụ mía “đắng”. Tính toán của người dân, một công đất trồng mía một năm đầu tư ít cũng 5 – 7 triệu đồng. Còn đối với những hộ làm diện tích lớn và bài bản phải đầu tư 8 triệu đồng/công.

Ông Trịnh Thanh Chiều, hộ trồng mía tại ấp 8, xã Trí Lực tính chi tiết đầu tư cho 1 công trồng mía: 1 tấn hom giá 1 triệu; công làm đất, đặt hom khoảng 1 triệu; công chăm sóc (làm cỏ, vun gốc, đánh lá…) đến thu hoạch hết 1,5 triệu; mướn người thu hoạch mỗi tấn hết 170 ngàn đồng (năng suất mía nhà ông khoảng 12 tấn/công), tức là hết hơn 2 triệu; tiền phân thuốc một năm 2 triệu.

"Tính thêm những chi phí phát sinh thì 8 triệu đồng/công còn chưa đủ", ông Chiều chia sẻ thêm.

Gia đình ông Chiều hiện có 18 ha đất trồng mía đang thu hoạch. Ông là một trong những hộ trồng mía với diện tích lớn và làm chuyên nghiệp bậc nhất tại xã Trí Lực. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông thì làm càng quy mô càng lỗ. Do hầu như tất cả các khâu ông đều phải thuê người làm. Dù năng suất cao hơn mức trung bình vài tấn/ha, nhưng mỗi công ông vẫn lỗ hơn triệu đồng, chưa tính công.

Khó khăn của ông Chiều cũng là khó khăn chung của đông đảo bà con trồng mía tại các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch Đông… của huyện Thới Bình.

“Bao nhiêu vốn liếng cả năm trời tôi đầu tư vào đây, tưởng giá mía được như năm trước, thì còn kiếm được đồng lời. Ai ngờ, mía rớt giá thê thảm thế này. Một năm vất vả không những không được gì còn lâm nợ, năm sau chúng tôi lấy đâu vốn tái đầu tư và lo cho cuộc sống gia đình”, ông Trần Văn Nhiệm ngụ ấp 3, xã Trí Phải than thở.

Được biết, người trồng mía Cà Mau đã vật vã với cây mía mấy năm trở lại đây, từ lãi ít đến làm không công và giờ đây là lỗ. Trước tình hình khó bám lấy cây mía mà sống, người dân buộc phải “đạp rào".

"Đành chuyển đổi để cứu mình"

Tình hình này đã xảy ra trước đây, nhưng đã được chính quyền địa phương vào cuộc vận động nên tạm lắng. Đến nay thì không cản được dân đưa máy vào phá bỏ mía.

Ông Trần Văn Khỏe, một hộ dân đang đưa máy vào ban 2 ha đất để đưa nước mặn vào nuôi tôm, cho biết: Năm nay chúng tôi thua lỗ cũng chẳng ai nhòm ngó tới, nhìn xa hơn thấy cây mía chẳng có gì sáng sủa. Chúng tôi đành phải chuyển đổi để tự cứu mình!

Về các xã trong vùng quy hoạch trồng mía những ngày này, máy cơ giới hoạt động ầm ầm náo động cả một vùng trời và cứ thế diện tích mía bị thu hẹp dần.

16-43-50_co-gioi-tich-cuc-hot-dong-tn-ph-dien-tich-mi
Cơ giới tích cực hoạt động tàn phá diện tích mía

Tôi cùng ông Trần Văn Nhanh, Phó trưởng ấp 3, xã Trí Phải đi khảo sát tình hình thực tế cây mía trên địa bàn ấp. Ông Nhanh nói, bà con bây giờ chỉ muốn “tiễn” cây mía đi cho khuất mắt, họ không quan tâm mía giá bao nhiêu, miễn sao bán được để kiếm đồng thuê máy làm đất.

Ấp 3, xã Trí Phải có gần 70 ha mía, thu hoạch được khoảng 50%, người dân đã đưa máy vào ban đất xuống để làm lúa - tôm hầu như gần hết.

Xe lăn bánh trên tuyến lộ nông thôn dọc theo kênh sáng Chắc Băng, chúng tôi ghi nhận một thực tế, vùng trồng mía của ấp 3 nay đã không còn nguyên vẹn như xưa mà đã đan xen nhau. Bên cạnh những ruộng mía chưa thu hoạch, có rất nhiều thửa đất đã cấy lúa và nhiều hơn nữa những mảnh đất vừa được san bằng để làm mô hình lúa - tôm.

Kế hoạch của tỉnh Cà Mau đến năm 2015, diện tích mía được giữ ổn định ở mức 1.500 ha. Nhưng các con số trên chứng minh thực trạng vô cùng phức tạp. Người dân không ngừng xé rào, lén lút chuyển đổi phá vỡ quy hoạch.

Ông Trần Văn Nhiệm, hàng xóm của ông Khỏe, cho biết: Bây giờ lúa - tôm thịnh hơn, bền vững hơn. Bên cạnh nhà tôi người ta làm lúa - tôm thu cả trăm triệu đồng/ha/năm, tôi không chuyển đổi người ta bảo khùng. Ở đây còn những hộ chưa chuyển đổi do vụ rồi họ bị thua lỗ, không có tiền để thuê máy làm đất, chứ không khu này đã xóa sạch mía.

Gia đình ông Nhiệm có gần 3 ha đất trồng mía, đất đã được ban xuống sẵn sàng, do lỡ vụ lúa nên ông đang đợi nước mặn tiến hành nuôi tôm.

Số liệu thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Thới Bình, diện tích mía chưa thu hoạch còn lại của huyện 1.168,82 ha. Đã thu hoạch được 517,8 ha, có đến hơn 460 ha đất trồng mía bị bà con chuyển sang làm lúa - tôm hoặc trồng màu. Cụ thể tập trung tại các xã: Trí Phải 28,5 ha; Trí Lực 91,15 ha; Tân Bằng 43,3 ha; Biển Bạch 142 ha; Biển Bạch Đông 160 ha.

16-43-50_mot-thu-dt-vu-thu-hoch-mi-d-duoc-bn-xuong-lm-lu-tom-2
Một thửa đất vừa thu hoạch mía đã được ban xuống làm lúa tôm

Cần hành động kịp thời

Rời xã Trí Phải ra về tôi không thể nào quên câu nói của một người dân: “Giữ mía làm chi? Tôi ban đất xuống trồng lúa, nuôi cá phi thôi cũng lời hơn trồng mía!”.

Trong vùng quy hoạch trồng mía của Cà Mau đang tồn tại một thực trạng là khổ cho người dân, còn khó cho chính quyền. Dân khổ vì bại vụ, còn quan khó vì không thể quản, cứ thế mía mất dần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Diễm, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Phải, cho biết: Khó lắm! Chúng tôi đã ra sức tuyên truyền vận động nhưng không thể giữ được vùng nguyên liệu mía theo đúng chủ trương của cấp trên. Cứ thu hoạch mía xong là người dân lén lút chuyển đổi không thể quản hết được.

Hoàn toàn có thể thông cảm với người dân, khi họ quần quật cả năm trời mà lại tay trắng, không những một năm mà đã mấy năm nay dân đã phải “chịu đựng” cây mía. Khi người dân không còn tin cây mía có thể nuôi sống họ thì họ chuyển qua làm mô hình khác hiệu quả hơn là một điều chấp nhận được. Bởi, nếu năm sau giá mía cứ thấp, nhà máy chẳng mua thì ai lo cho cuộc sống gia đình họ?

Vùng mía nguyên liệu của Cà Mau cứ thế giảm từng ngày, từng giờ.

Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Cà Mau nếu muốn giữ vùng trồng mía thì phải có giải pháp và hành động kịp thời.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất