| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ vỡ đê biển

Thứ Hai 14/09/2015 , 08:45 (GMT+7)

Sạt lở ven đê biển Gò Công đang rất quan ngại. Trong thời gian tới không sớm được rót vốn đầu tư xây dựng kè kiên cố chắn sóng biển thì nguy cơ vỡ đê biển Gò Công là khó tránh khỏi.

Đến mùa gió chướng về là bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang) hứng sự thịnh nộ của sóng biển. Đê biển có những đoạn rất xung yếu cần đầu tư kè chắn sóng khẩn cấp để bảo vệ 50.000 ha vùng dự án vùng ngọt hóa Gò Công với trên 300.000 hộ dân đang sinh sống.

Ông Lê Minh Khoa ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành (Gò Công Đông) đã 2 lần phải trơ mắt nhìn nhà bị sóng biển cuốn phăng.

Ông Khoa nói: Hai vợ chồng còng lưng làm hơn chục năm mới xây được căn nhà tường kiên cố gần 100 triệu đồng để che nắng, che mưa, gió biển, nhưng lại không chống chọi được sóng biển. Xây nhà xong ở chưa được 5 năm đã bị sóng biển cuốn tan tành chỉ còn lại trụ cột, vách và gạch lát nền. Không còn đất, cả gia đình sang ở nhà người anh ruột sát vách nhưng sóng biển cũng đã cuốn đến tận cửa nhà.

Gia đình ông Đặng Văn Nam và Bùi Thị Nga ở ấp Tân Phú, xã Tân Thành (Gò Công Đông) có 4 nhân khẩu đang sống trong căn nhà sàn trên mé biển cách đất liền khoảng 50 m, nói: Ở bên miệng thủy thần rất nguy hiểm khi mùa gió chướng đến. Triều cường dâng cao sóng đánh dồn dập là phải bỏ nhà vào đất liền chờ đến khi nước rút thì về ở.

Ông Trương Tuấn Minh, cán bộ nông nghiệp xã Tân Thành cho biết: Hàng năm đến mùa gió chướng thổi mạnh kết hợp với triều cường thì dọc đê biển ấp Tân Phú, Cầu Muống với chiều dài gần 3.000 m bị biển cuốn sâu vào đất liền từ 20-30 m. Sóng biển cuốn ao, đầm nuôi thủy sản, nhà cửa và làm cho 47 hộ dân đã sống ổn định vài chục năm nay phải di dời khẩn cấp. 

Một lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông chia sẻ: Sạt lở ven đê biển Gò Công đang rất quan ngại. Trong thời gian tới không sớm được rót vốn đầu tư xây dựng kè kiên cố chắn sóng biển thì nguy cơ vỡ đê biển Gò Công là khó tránh khỏi.

Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết: Đê biển Gò Công có chiều dài hơn 21 km, trong đó có 12 km đi qua xã Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành và thị trấn Vàm Láng thuộc Gò Công Đông nằm trực diện với biển bảo vệ hơn 55.000 ha đất sản xuất và tài sản, tính mạng của hơn 300.000 hộ dân khu vực ngọt hóa Gò Công đang bị biển xâm thực có đoạn đã sát chân đê. Những cánh rừng phòng hộ che chắn sóng dọc theo đoạn đê biển 12 km đang thưa dần, nhiều nơi không còn rừng phòng hộ.

Trong vòng 10 năm trở lại đây rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực có nơi mất rừng 8 – 10 m/năm. Hiện tại, có những đoạn đê biển rất xung yếu, mất trắng rừng và chỉ còn 50 – 60 m nữa là đến chân đê.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Để phòng chống tình trạng biển xâm thực đê biển, Tiền Giang đã lập dự án kè mềm dài 18,4 km với nguồn vốn vay Chính phủ Pháp, vốn Trung ương đầu tư hơn 600 tỉ đồng và tiến tới hoàn thiện kè mềm toàn tuyến, sau đó sẽ triển khai trồng và phát triển rừng phòng hộ phủ kín. Dự án đã triển khai một đoạn, phần còn lại đang chờ vốn. Trong thời gian chờ vốn, hằng năm địa phương cũng đã phải chi tiền để gia cố những nơi xung yếu để bảo vệ cuộc sống, tính mạng và sản xuất của người dân.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất