| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ vuột mất 16.000 ha lúa

Thứ Hai 10/09/2012 , 08:59 (GMT+7)

Sáng ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng và đoàn công tác của Bộ đã vào Thanh Hóa để kiểm tra tình hình lũ lụt...

* Tổng thiệt hại ước tính 637 tỷ đồng

Sáng ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng và đoàn công tác của Bộ đã vào Thanh Hóa để kiểm tra tình hình lũ lụt và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại các huyện.

Chiều 8/9, có mặt tại các xã Vạn Thiện, Thăng Bình, Vạn Hòa (Nông Cống, Thanh Hóa) nằm ngoài đê sông Yên, chúng tôi chứng kiến cảnh bà con nông dân đang dùng lưới đánh bắt cá trên ruộng lúa hè thu đang chìm trong nước của mình.

Ông Lương Văn Vệ, trú tại xóm Giữa, xã Vạn Thiện ngừng đánh cá than thở: "Nhà tôi làm 7 sào ruộng tại hai xứ đồng, lúa đang kỳ ngậm sữa đã bị nước lũ nhấn chìm tới 30 cm mất trắng rồi các bác ơi! Không riêng gia đình tôi, 90% diện tích của xóm Giữa và 70% diện tích nằm ngoài đê sông Yên đều chìm sâu trong biển nước. Mặc dù ngày hôm nay trời đã hửng mưa nhưng nếu nước trên đồng không rút trong ngày mai thì gần như 100% diện tích lúa bị ngập nước coi như mất thu".


Nông dân ngao ngán trước cảnh lúa bị ngập

Những ngày qua, các đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Huyện ủy, Trần Đình Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống và cán bộ, công chức ở huyện đều thường trực tại cơ quan 24/24h, tất bật suốt ngày lo chỉ đạo ... chống trời.

Chủ tịch UBND huyện vừa đi kiểm tra lũ về đến cơ quan thì gặp chúng tôi, ông cho biết: Theo báo cáo nhanh của 32 xã, tính đến 17 giờ ngày 8/9, trong toàn huyện đã có 3.167 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Trong đó có 3.068 ha lúa bị chìm trong nước lũ (1.802 ha có khả năng mất trắng). Cả 3 tuyến đê Minh Thọ, Minh Nghĩa và Vạn Thiện đều bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 76 mét. Đập Khe Than (xã Thượng Sơn) bị nước lồng dưới lên làm sạt khoảng 15 mét; diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị nước lũ cuốn trôi 44,8 ha. Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ này gây ra ước tính gần 89 tỷ đồng...

Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Huyện ủy Nông Cống cho biết thêm: Hiện mực nước sông Yên đang giảm, nhưng mực nước sông Nhơm lại đang lên. Thiệt hại do mưa lũ năm nay chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận dân chúng vì thời gian qua, huyện Nông Cống làm tốt công tác dồn điền đổi thửa nên bình quân mỗi hộ dân chỉ còn từ 1,5 đến 2 thửa ruộng tại 1 đến 2 xứ đồng. Do đó, một khi đã bị ngập úng tại khu vực nào thì hộ dân đó coi như mất trắng.

Một diễn biến khác cũng đang làm chúng tôi lo lắng. Đó là mấy năm nay, do khai thác quặng khoáng sản bừa bãi ở địa bàn một số xã tại huyện Triệu Sơn nên đợt mưa lũ vừa qua, nước lũ từ núi Nưa mang theo quặng Crôm đã tràn xuống một số địa phương. Bà con và lãnh đạo một số xã như Tân Khang, Tân Thọ và Trung Chính phản ánh thì quặng Crôm nặng và lạnh đã khiến lúa hè thu, lúa mùa gieo cấy ở đây hiện đã bị bó gốc, nếu nước lũ rút sớm cũng rất khó khôi phục trở lại. Điều tai hại là tình trạng này sẽ gây tác động xấu đến môi trường một cách lâu dài.

Sáng 9/9, theo chân Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, chúng tôi đến các địa phương có các công trình thủy lợi bị hư hỏng và tận mắt chứng kiến đê bối Long Hồ qua sông Cầu Chày (thuộc địa bàn Thọ Lập, Thọ Xuân) bị vỡ một đoạn dài khoảng 80 mét. Nước từ sông tràn vào chia cắt khoảng 90 hộ dân tộc Mường tại đây từ 3 ngày nay.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đi kiểm tra điểm sạt lở tại kè Căng Hạ trên sông Chu

Tiếp đó Thứ trưởng đến thực địa 2 điểm sạt lở nghiêm trọng tại kè Căng Hạ và kè Thiệu Vũ (trên đê tả sông Chu). Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ xuống thăm hỏi cán bộ và nhân dân huyện Thiệu Hóa đang dùng thuyền và rọ đá hàn lấp phía mép sông khu vực sạt trượt. Ngay tại hiện trường, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị lãnh đạo tỉnh và Sở NN-PTNT phải tập trung chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn nữa đến các hệ thống thủy lợi của tỉnh. Theo Thứ trưởng thì mùa lụt bão năm nay mới chỉ bắt đầu mà nhiều công trình thủy lợi của tỉnh đã xảy ra sự cố như vậy là rất đáng lo ngại. Chiều ngày 9/9, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng tiếp tục kiểm tra một số điểm sạt lở tại 2 huyện Triệu Sơn và Nông Cống.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh Thanh Hóa, tình hình mưa lũ ở đây bắt đầu từ ngày 5/9 đến ngày 7/9. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn nên lũ lớn đã xuất hiện trên các sông từ báo động 2 đến báo báo động 3.

Cho đến thời điểm 10 giờ trưa ngày 9/9, tại Thanh Hóa đã có 8 người chết. Trong đó 2 người tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) bị nước cuốn trôi; 2 người ở xã Yên Khương và Yên Thắng (huyện Lang Chánh) trên đường đi làm về bị sạt lở vùi chết; 1 người bị chìm xuồng trên hồ tại xã Ngọc Liên (huyện Ngọc Lặc); 1 người tại xã Định Bình (huyện Yên Định) do sơ ý bị rơi xuống sông chết và 2 người tại xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa) bị chết đuối trên sông Chu.

Ngoài ra còn có 9 người bị thương (6 người ở huyện Mường Lát và 3 người ở huyện Thiệu Hóa).

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 133 nhà dân bị sập và bị cuốn trôi; 4.029 ngôi nhà bị ngập; 15.994 ha lúa bị ngập, trong đó có 8.391 ha có khả năng mất trắng; 3.195 ha mía bị đổ gãy; 2.448 ha cây màu bị ngập, hư hỏng; 1.416 ha ngô bị ngập và 1.061 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn.

Hệ thống thủy lợi cũng bị mưa lũ tàn phá nặng nề: hiện đã có 34 hồ đập nhỏ đã bị tràn hoặc vỡ. Đê bao, đê bối (đê Long Hồ và đê bao Quảng Phú, huyện Thọ Xuân; đê bao Thọ Khối, huyện Hà Trung; đê ngăn nước núi xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn) bị vỡ 4 đoạn dài tổng cộng 600 mét.

Ngoài ra các đê Hữu Nhơm (Triệu Sơn); đê bao Quảng Phú (Thọ Xuân); đê bao Yên Định; đê ngăn nước núi Tân Ninh còn bị tràn 4 đoạn với tổng chiều dài 3 km. Đê tả sông Chu bị nứt 2 đoạn dài 115 m. Đê hữu sông Chu bị nứt, sạt 3 đoạn dài 167 m. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, bị sạt lở, ách tắc giao thông, nhất là tuyến đường Thường Xuân đi biên giới bị sạt lở nghiêm trọng. Tuyến đường liên xã, liên huyện cũng bị ngập, gây ách tắc 16 tuyến. Tổng thiệt hại ước tính 637 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực tìm các biện pháp để khắc phục các hậu quả của đợt lũ lụt.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất