| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Bính và tôi: Mảnh vườn ao nhà ngoại

Thứ Tư 08/04/2020 , 09:03 (GMT+7)

Đó là tên gọi tập hồi ký của nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn (1919 - 2020) xuất bản lần đầu năm 1994 khi tác giả 75 tuổi. Hồi ký được tái bản nhiều lần.

Bên bia tưởng niệm nhân sĩ Bùi Trình Khiêm năm 2017.

Bên bia tưởng niệm nhân sĩ Bùi Trình Khiêm năm 2017.

Những năm cuối đời, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn có mong muốn được tái bản để giúp bạn đọc yêu thơ Nguyễn Bính hiểu thêm về quê hương thôn Vân Tập, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Báo NNVN xin giới thiệu một số nội dung trích đoạn trong hồi ký này.

Ở mé nam xóm Bến, thôn Vân, rộng chừng bốn năm ngàn mét vuông có ba cái ao (một chiếc gọi là ao Đào Từ) và một ruộng mạ liền nhau giáp một khu vườn. Phía trước vườn, gần bờ ao là ba gian nhà ngói và một dãy nhà gỗ xoan trông ra hướng nam và đông nam. Ngoài cùng là lũy tre xanh, sát luỹ tre là con sông Vân.

Cạnh cổng ngõ vào nhà có chiếc giếng Ngọc, và một con ngòi trên có chiếc cầu tre bắc ngang. Dưới cầu thường có những chiếc thuyền nan nhỏ mà quê tôi gọi là thuyền “bơi”.

Ngày trước, ba cái ao vừa thả cá vừa trồng các thứ sen trắng, sen hồng (Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen), súng, ấu, rau muống, rau rút. Trên bờ ao trồng đặc các loại cây ăn quả bưởi, chanh, cam, yên, dâu, táo, ổi, nhãn, dừa, sán (vỏ cây này giã nhỏ sơn trít vào thuyền nan, quả nó nhỏ như hạt ngô, khi chín màu tím thẫm, vị ngọt), sung… mùa nào thức ấy. Ngoài ra, còn có những vạt đất trồng thuốc lào, thuốc lá (Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi).

Mấy sào vườn rộng trồng toàn chè, cau. Khi vườn tốt lá, trẻ con ẩn nấp tìm nhau rất khó. Vườn còn trồng các loại cam chanh, cam đường, mít na, mít mật, lê, mơ, mận, na, táo, đào, quất, quýt, còn có mãng cầu xiêm, vú sữa… một gốc thông cao vút, trên những cây khế có nhiều chùm hoa đỏ. Ven ao, ngòi là mấy cây dừa và những rặng liễu.

Hoa cũng rất nhiều, hồng, cúc, lan, tử tiêu, ngọc lan, lạp mai, mẫu đơn, ngâu, huệ, những giàn thiên lý và nho xum xuê trước sân… Loại cây thuốc có hoa cũng rất nhiều, huyền sâm, thiên môn, huyết dụ, bồng bồng, gừng, nghệ, riềng, bo bo… Nhà có nhiều cây vừa do cậu ruột của Bính thích trồng cây hoa, vừa do các học trò của ông mang tới trồng tặng thầy làm kỷ niệm:

Thôn Vân có biếc có hồng

Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều

Và:

Ăn gỏi cá, đánh cờ người

Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân

Giữa làng có con đê đất “Ất Hợi” (đắp năm Ất Hợi) chạy ngang qua - một đầu giáp ga xe lửa cầu Họ, một đầu giáp dãy núi Ngăm, Tiên Hương. Đây là một con đường hàng năm tháng ba âm lịch đông người trẩy Hội Phủ Giầy…

Hiện tại, ngoài chiếc lư trầm nhỏ có hình “người dắt trâu” do Nguyễn Bính tặng, tôi còn giữ một bức tranh chì màu. Bức tranh cũng vẽ người dắt trâu ở bờ ruộng lũy tre thôn Vân của Hoàng Lập Ngôn (1940). Năm này, Ngôn về chơi thôn Vân.

Vì bà Bùi Trình Khiêm, mợ của Bính, lại là dì ruột của Ngôn. Nguyễn Bính và Hoàng Lập Ngôn từng gặp nhau ở thôn Vân – quê ngoại của Bính – và ở Hà Nội, Nam Định,… Hoàng Lập Ngôn là một họa sĩ, người từng có sáng kiến đóng một chiếc xe ngựa, rồi gia đình nhỏ (3 người) của Ngôn ở luôn trên đó, với ước mơ xe sẽ lăn khắp các miền đất nước.

Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn.

Tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn.

***

Mồng 6 tháng ba năm Quý Dậu (1933), Bính từ xóm Trạm xuống Hội Phủ Giầy, vào nhà cô ruột (lấy chồng ở đó) ăn bữa cơm trưa. Buổi chiều, lấy vé ô tô đi Hà Nội. Sau này, theo Bính kể lại, cái cớ “bắt đầu những chuyến giang hồ qua quýt” ấy là:

- Hôm ấy, trong xóm có đám tổ tôm, thói thường ngày xưa, khi đánh tổ tôm, người chơi bài có một khoản tiền “hồ”. Hồ là tiền để nhà chủ dùng vào các việc như nước nôi, cơm cháo, dầu đèn hoặc chỉ cho những người chia bài cho một “Hội” – Hội là danh từ một cuộc chơi bài.

Ví dụ, vào đầu Hội, mỗi người đóng góp 10 đồng (Tổ tôm có năm chân bài – năm người vị chi là 50 đồng). Hội trích ra một khoản nào đó làm tiền “Hồ”. Còn lại chi cho những ván bài “ù”.

Trong số chơi bài sáng hôm ấy, có người ù nhiều, được lắm tiền, bỗng thèm ăn kẹo sìu và bánh đỗ xanh Hanh Tụ của thành phố Nam Định, lúc này đang thời Hội Phủ Giầy, nên có mang về bán tại Tiên Hương, địa điểm chính của Hội Phủ Giầy…

Năm ấy, Bính mười lăm, mười sáu tuổi, uất ức vì nỗi “Trọc phú ti toe bàn thế sự - Điếm già tấp tểnh nói văn chương” như thơ Bính sau này từng viết. Do đó, Bính xuống Phủ Giầy rồi đi luôn Hà Nội.

Tới Hà Nội, Bính tìm tới Hàng Bồ xin việc bán báo lẻ để kiếm sống. Nhưng, một chú bé lớ ngớ mới ở tỉnh lẻ lên Hà Nội thì không thể nào cạnh tranh nổi với những “thổ công Hà Thành” bấy giờ. Bính tìm vào nơi anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác.

Lúc này Mạnh Phác đang dạy học ở trường tư thục Hà Văn trong thị xã Hà Đông. Song, Phác cũng chỉ mới chân ướt chân ráo tới Hà Đông được ít lâu, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bính tìm lên Thái Nguyên, vào huyện Đồng Hỷ dạy học trong các trại ấp. Ít lâu sau, vừa phần cảnh rừng núi hiu quạnh, vừa phần cái máu sông hồ đang sôi nổi… lúc này Bính đã làm được một số bài thơ, nhưng chưa đăng ở đâu.

Lại về Hà Nội ở với anh ruột. Nguyễn Mạnh Phác đã thôi dạy ở Hà Đông, ra Hà Nội làm thuê cho một hiệu thuốc đông y bào chế kiêm nhà in. Thơ Bính dần dần được đăng báo, được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Và tới “Lỡ bước sang ngang” đăng liền mấy số trên Tiểu Thuyết Thứ Năm thì nổi tiếng… Dạo đó, hầu như ở đâu cũng có người đọc “Lỡ bước sang ngang”.

Bài thơ của Bính được đăng báo đầu tiên là bài “Cô hái mơ” và Tiểu Thuyết Thứ Năm là tờ báo đăng thơ Bính nhiều nhất.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất