"Phẫu thuật nụ cười"
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể lại trong Hồi ký:
“Anh Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói với tôi:
- Anh có cách gì hay thì anh làm bước mở đầu.
Tôi đồng ý và chọn con đường tiếp cận từ khoa học.
Tổng thống Hoa Kỳ B. Clinton và phu nhân tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân tại Nhà Trắng (22/10/1995) |
Tôi chọn ngành y học và cử anh Nguyễn Huy Phan (Thiếu tướng, bác sĩ Viện Quân y 108, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình) làm “người mở đầu”.
Khi đi dự hội nghị khoa học quốc tế ở Paris, GS Nguyễn Huy Phan đã trình bày công trình “phẫu thuật chỉnh hình của mình”, được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao và được các nhà khoa học Hoa Kỳ mời sang thăm.
“Trước khi đi, tôi dặn anh Phan:
- Sang đó, anh làm tốt việc trao đổi về khoa học với các nhà khoa học Mỹ là đã phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị rồi.
Đoàn của GS Nguyễn Huy Phan sang Hoa Kỳ trao đổi về nghiệp vụ với các nhà khoa học, đồng thời mời các nhà khoa học Hoa Kỳ sang Việt Nam tham gia phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật môi, hở hàm ếch. Phía các nhà khoa học Hoa Kỳ đồng ý và cử đoàn bác sĩ “Phẫu thuật nụ cười” sang Việt Nam.
Chính phủ đã quyết định cử GS Nguyễn Huy Phan làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ để làm “cầu nối” liên lạc.
Nguyên thủ quốc gia Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ
Sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học, bước tiếp theo là Việt Nam tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ trở lại Việt Nam tìm binh lính mất tích và hài cốt binh lính chết trong chiến tranh.
Các cuộc trao đổi, tiếp xúc Việt Nam - Hoa Kỳ ở giai đoạn này là tiếp xúc ngoại giao song phương. Đây là tiền đề để xóa bỏ bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Đông Sơn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc B.B Gali (25/10/1995) |
Tiếp đó, từ ngày 22 đến 24/10/1995, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lê Đức Anh tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ).
Hồi ký của đồng chí Lê Đức Anh cho biết: “Tôi vinh dự trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự một hội nghị đa phương mang tính toàn cầu”.
Trong diễn văn của mình đọc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh:
“Lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên của đại gia đình Liên hợp quốc đã họp mặt ở cấp đại diện cao nhất. Tại dịp kỷ niệm trọng thể này, chúng ta cùng nhau thông qua một Cương lĩnh hành động của Liên hợp quốc để đoàn kết phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi mong rằng, trên thế giới xây dựng một tương lai không còn hận thù mà chỉ còn hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc và các quốc gia”.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ thành viên tham gia phục vụ Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong chuyến thăm này đã bình luận: “Hoa Kỳ đã đánh giá rất cao và họ đủ niềm tin về một Việt Nam thực sự nhân đạo, nội bộ Hoa Kỳ vượt qua ám ảnh của cuộc chiến, vượt qua khác biệt về chế độ, tiến tới quyết định bình thường hóa”.
Theo ông Phạm Quang Vinh, thời khắc đồng chí Lê Đức Anh làm lãnh đạo, trong quyết định chung của tập thể lãnh đạo, đồng chí đều có quyết sách về nhận thức để thúc đẩy quan hệ, đó là cái rất lớn.